Nhiều trẻ em hồ hởi đến làm thẻ căn cước

Luật Căn cước có hiệu lực từ sáng nay 1-7, rất nhiều công dân dưới 14 tuổi đã đến các điểm thu, nhận để làm thủ tục đề nghị cấp căn cước

Ngày 1-7, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (Công an TP Hà Nội) và 30 công an quận, huyện, thị xã đồng loạt triển khai cấp thẻ căn cước cho tất cả đối tượng từ 0-6 tuổi và từ 6 tuổi trở lên.

Ngay từ đầu giờ sáng, nhiều người dân đã đến đề nghị cấp thẻ căn cước tại các điểm thu nhận

Ngay từ đầu giờ sáng, nhiều người dân đã đến đề nghị cấp thẻ căn cước tại các điểm thu nhận

Theo ghi nhận, ngay từ đầu giờ sáng ngay 1-7, rất đông người dân đã đến các điểm thu nhận, làm thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước theo Luật Căn cước. Trong đó, có nhiều công dân dưới 14 tuổi là đối tượng mới được quy định tại Luật Căn cước 2023.

Ngoài ra, tại Sân bay quốc tế Nội Bài, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cũng phối hợp với Công an huyện Sóc Sơn tổ chức cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch.

Đại diện Công an TP Hà Nội cho biết ngay từ sáng sớm, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị nghiệp vụ, được giao phân công làm nhiệm vụ đã chuẩn bị chu đáo trang thiết bị, máy móc và các phương tiện để phục vụ nhân dân, với quyết tâm không để người dân chờ đợi lâu, hướng dẫn, giải quyết nhanh chóng.

Nhiều trẻ em từ 6 đến 14 tuổi được bố mẹ đưa đến làm thẻ căn cước

Nhiều trẻ em từ 6 đến 14 tuổi được bố mẹ đưa đến làm thẻ căn cước

Các công dân "nhí" được thu nhận dấu vân tay

Các công dân "nhí" được thu nhận dấu vân tay

Các công dân "nhí" được hướng dẫn tận tình

Các công dân "nhí" được hướng dẫn tận tình

Lực lượng công an thu nhận mống mắt

Lực lượng công an thu nhận mống mắt

Sân bay quốc tế Nội Bài lực lượng chức năng tổ chức cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt

Sân bay quốc tế Nội Bài lực lượng chức năng tổ chức cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt

Từ ngày 1-7, Luật Căn cước chính thức có hiệu lực. Theo đó, Luật Căn cước quy định thẻ căn cước mới sẽ bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng, thay vào đó là thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú của công dân.

Bộ Công an mở rộng thêm đối tượng được cấp thẻ căn cước gồm: Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cấp thẻ căn cước theo nhu cầu; công dân Việt Nam không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nếu được cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngoài ra, là lần đầu tiên người dưới 6 tuổi được cấp thẻ căn cước. Để cấp cho đối tượng này, người đại diện hợp pháp của người dưới 6 tuổi làm thủ tục thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Cơ quan chức năng không thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.

Cũng từ ngày 1-7, cơ quan chức năng sẽ cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Đây là giấy tờ tùy thân chứa thông tin về căn cước của người gốc Việt, chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên. Theo quy định mới này, giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

Luật mới bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước gồm: Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn... Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp thẻ căn cước. Việc sử dụng thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công...

Nguyễn Hưởng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhieu-tre-em-ho-hoi-den-lam-the-can-cuoc-196240701102436919.htm
Zalo