Nhiều tình tiết mới vụ thiết quân luật Hàn Quốc: Toàn bộ nội các phản đối, cuộc gọi ra mật lệnh của Tổng thống và quyết định bất tuân
Thủ tướng Hàn Quốc Han Deok-soo, Tư lệnh lực lượng chiến tranh đặc biệt Lục quân Kwak Jong-keun mới đây đã tiết lộ nhiều thông tin về quá trình ra thiết quân luật và những diễn biến tiếp sau ngay khi lệnh được ban bố đêm 3/12.
Nội các phản đối thiết quân luật
Hãng thông tấn Yonhap chiều 11/12 dẫn lời Thủ tướng Han Deok-soo khi trả lời chất vấn tại Quốc hội cho hay, cuộc họp nội các, được tổ chức trước khi Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố thiết quân luật đêm 3/12, “có nhiều sai sót về thủ tục và nội dung”.
Các yêu cầu tối thiểu cần thiết để thiết quân luật được ban bố hợp pháp đã không được đáp ứng. Không có thành viên nào trong nội các ủng hộ thiết quân luật và “tất cả đều phản đối cùng lo lắng”.
Cá nhân Thủ tướng Han đã phản đối với lý do thiết quân luật sẽ gây ra gián đoạn lớn cho nền kinh tế, uy tín quốc gia và sẽ không được công chúng chấp nhận.
Theo ông Han Deok Soo, mục đích của cuộc họp nội các đó không phải để bổ sung những thiếu sót về thủ tục của tình trạng thiết quân luật mà các thành viên nội các đã tập hợp để trình bày những quan điểm và quan ngại ở nhiều khía cạnh liên quan ban bố thiết quân luật.
Tuy nhiên, kết quả là nội các đã không thể ngăn chặn việc ban bố thiết quân luật. Thủ tướng Han Deok Soo cũng khẳng định rằng không ký và cũng chưa từng nhìn thấy văn bản tuyên bố thiết quân luật. Các thành viên nội các khác cũng như vậy.
Quy trình ban bố nhiều sai sót
Trong khi đó, cùng ngày 11/12, Bộ Hành chính và an ninh, nơi thường quản lý hồ sơ các cuộc họp nội các, cho biết đã nhận được trả lời từ Ban thư ký phủ Tổng thống về 2 cuộc cuộc họp nội các đêm 3/12, rạng sáng 4/12.
Theo đó, người chịu trách nhiệm ghi âm các cuộc họp nội các đã không thể tham dự hai cuộc họp này. Cuộc họp nội các để tuyên bố thiết quân luật được tổ chức trong 5 phút từ 22h17-22h22 ngày 3/12 (giờ địa phương), không có biên bản phát biểu nào của những người tham dự cuộc họp.
Văn phòng Tổng thống không trình nghị trình ban bố tình trạng thiết quân luật lên Bộ Hành chính và An ninh. Cuộc họp nội các tiếp theo sáng 4/12 diễn ra trong 2 phút từ 4h27-4h29.
Cũng theo Thủ tướng Han Deok Soo, việc bổ nhiệm tư lệnh chỉ huy thiết quân luật phải được nội các xem xét theo Đạo luật Thiết quân luật đã không được thảo luận tại cuộc họp nội các.
Cuộc gọi ra mật lệnh
Theo nguồn tin từ báo chí Hàn Quốc, trình diện tại Ủy ban Quốc phòng thuộc Quốc hội Hàn Quốc ngày 10/12, Tư lệnh lực lượng Chiến tranh đặc biệt Lục quân Kwak Jong-keun cho biết Tổng thống Yoon Suk Yeol đã dùng điện thoại chống nghe lén để gọi điện trực tiếp cho ông này vào đêm ban bố thiết quân luật.
Khi đó, ông Yoon nói rằng, dường như Quốc hội vẫn chưa triệu tập đủ nghị sĩ để thông qua dự thảo bãi bỏ lệnh thiết quân luật, nên phải nhanh chóng phá cửa xông vào, đưa hết những người bên trong ra ngoài.
Sau khi nghe chỉ thị này từ Tổng thống, Tư lệnh Kwak đã thảo luận với các sĩ quan chỉ huy về cách thức triển khai, nhưng cuối cùng đã đi tới quyết định không tuân theo mệnh lệnh.
Ông Kwak nhận định, nếu tiến vào Quốc hội theo lệnh của Tổng thống thì các binh lính tham gia tác chiến sẽ trở thành phạm nhân sau này. Ngoài ra, việc phá cửa tiến vào Quốc hội sẽ dẫn tới thương vong. Vì thế, ông đã ra lệnh cho các binh lính giữ nguyên vị trí, không tiến vào bên trong tòa nhà thêm nữa.
Tư lệnh Kwak trả lời đã không báo cáo lại các biện pháp triển khai như trên cho Tổng thống. Khi rút quân, ông chỉ báo cáo tình hình cho cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun.
Về lời khai của ông Kwak, Văn phòng Tổng thống hiện vẫn chưa đưa ra quan điểm. Tuy nhiên, nội bộ Văn phòng Tổng thống được cho là đang tiến hành quy trình xác nhận lại những nội dung mà ông Kwak đưa ra tại Quốc hội liên quan đến Tổng thống Yoon.
Bất hợp tác
Theo hãng tin AP, chiều 11/12, nhóm cảnh sát điều tra gồm 18 người, được cử đến Văn phòng Tổng thống để thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến quá trình ban bố thiết quân luật với cáo buộc nổi loạn, đã phải rút đi sau nhiều giờ tập hợp ở bên ngoài địa điểm này, do lực lượng an ninh phủ Tổng thống từ chối hợp tác.
Lệnh khám xét của cơ quan cảnh sát điều tra ghi rằng Tổng thống Yoon là nghi phạm và văn phòng tổng thống, phòng họp Nội các, Cơ quan An ninh phủ Tổng thống và tòa nhà Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) là đối tượng của cuộc khám xét.
Văn phòng Tổng thống Yoon nộp tự nguyện rất ít tài liệu cho cảnh sát.
Hiện nay, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã bị cơ quan cảnh sát điều tra coi là nghi phạm với các cáo buộc nổi loạn và binh biến. Ông cũng bị cấm xuất cảnh và trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên bị cấm xuất cảnh.