Nhiều tỉnh thành có thêm khu công nghiệp rộng hàng trăm ha, mở ra cơ hội phát triển mới
Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Phó Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt loạt các dự án khu công nghiệp tại nhiều địa phương. Những dự án này hứa hẹn sẽ định hình lại bức tranh kinh tế của các vùng, đưa Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trên bản đồ công nghiệp toàn cầu
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng cho dự án khu công nghiệp tại các địa phương trọng điểm, gồm: Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng và Đắk Lắk. Các dự án này không chỉ giúp khai thác hiệu quả quỹ đất, tăng cường thu hút đầu tư mà còn đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội vùng và quốc gia.
Bên cạnh đó, việc triển khai đồng loạt các dự án khu công nghiệp lớn này góp phần tạo nền tảng hạ tầng công nghiệp hiện đại, mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư trong nước và quốc tế. Đồng thời, các khu công nghiệp sẽ góp phần tạo việc làm, gia tăng giá trị xuất khẩu và thúc đẩy phát triển bền vững tại các địa phương, khẳng định vai trò của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp toàn cầu.
HẢI PHÒNG: TĂNG TỐC PHÁT TRIỂN KHU CÔNG NGHIỆP SINH THÁI
Vừa qua, Phó Thủ tướng cũng đã phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Nomura - Hải Phòng (giai đoạn 2), thành phố Hải Phòng do Công ty cổ phần Khu công nghiệp quốc tế Hải Phòng là chủ đầu tư.
Dự án Khu công nghiệp Nomura - Hải Phòng (giai đoạn 2) đặt mục tiêu trở thành một trong những khu công nghiệp sinh thái với 1uy mô diện tích là 197,16 ha; vốn đầu tư của dự án 2.782,72 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 425 tỷ đồng.
Địa điểm thực hiện dự án tại các xã An Hưng, An Hồng, Đại Bản, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Tiến độ thực hiện dự án không quá 24 tháng kể từ ngày được nhà nước bàn giao đất.
Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.
Về phía địa phương, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng hướng dẫn nhà đầu tư quy định cụ thể tiến độ thực hiện dự án.
Kỳ vọng dự án không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương mà còn khẳng định vai trò của Hải Phòng trong việc dẫn đầu xu hướng công nghiệp hóa xanh, bền vững.
ĐÀ NẴNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
Thành phố Đà Nẵng - một trong những trung tâm công nghiệp và công nghệ cao của miền Trung - tiếp tục khẳng định vị thế khi vừa được phê duyệt thêm dự án Khu công nghiệp Hòa Ninh. Theo đó, dự án có quy mô hơn 400 ha, đặt tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được Nhà nước cho thuê đất. Trong đó, tiến độ thực hiện không quá 42 tháng từ ngày bàn giao đất.
Dự án hiện chưa có nhà đầu tư chính thức. Tuy nhiên, theo quyết định đã được phê duyệt, có một số yêu cầu đối với nhà đầu tư được chọn, cụ thể như sau: trong quá trình triển khai dự án, nếu phát hiện khoáng sản có giá trị cao hơn khoáng sản thông thường dùng làm vật liệu xây dựng, nhà đầu tư phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật về khoáng sản; nhà đầu tư phải tuân thủ các quy định của Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn, đảm bảo dự án không làm ảnh hưởng đến việc quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi và khả năng canh tác của người dân xung quanh.
Đồng thời, phối hợp trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, cũng như các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ người lao động trong khu công nghiệp.
Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng được giao nhiệm vụ xác định tổng mức đầu tư và giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện, đảm bảo dự án tuân thủ quy định pháp luật và mục tiêu đề ra.
Dự án này góp phần mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho Đà Nẵng. Đồng thời, với vị trí là thành phố sở hữu cảng biển lớn, hệ thống giao thông thuận lợi và nguồn nhân lực chất lượng cao, Đà Nẵng là điểm sáng trong thu hút đầu tư và trung tâm công nghệ cao của khu vực.
ĐẮC LẮC VỚI BƯƠC CHUYỂN MÌNH MẠNH MẼ
Tây Nguyên, vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên và văn hóa độc đáo, đang dần trở thành điểm sáng trong bản đồ công nghiệp của Việt Nam.
Theo quyết định vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phê duyệt, dự án Khu công nghiệp Phú Xuân được thực hiện bởi nhà đầu tư là Công ty Cổ phần DPV Đắk Lắk. Dự án có quy mô hơn 313 ha, tọa lạc tại xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar.
Về vốn đầu tư của dự án, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk yêu cầu nhà đầu tư rà soát, tính toán và xác định chính xác tổng vốn đầu tư của dự án. Theo đó, tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.
Dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra một làn sóng phát triển mới cho Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, góp phần hình thành một trung tâm công nghiệp hiện đại giữa lòng khu vực vốn chủ yếu phát triển nông nghiệp và khai thác tài nguyên.
CẦN THƠ KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ TRUNG TÂM CÔNG NGHIỆP
Thành phố Cần Thơ tiếp tục khẳng định vị thế trung tâm công nghiệp và logistics khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với việc phê duyệt dự án Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2).
Theo Quyết định số 1707/QĐ-TTg, Phó Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh do Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ làm chủ đầu tư.
Dự án có quy mô diện tích 540,58 ha. Địa điểm thực hiện dự án tại xã Vĩnh Trinh và xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ. Vốn đầu tư của dự án là 7.850 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 1.177,5 tỷ đồng.
Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ có nhiệm vụ đảm bảo tính chính xác và trung thực của các thông tin, số liệu báo cáo; tuân thủ quy hoạch đất đai đã được phê duyệt và phân bổ đủ chỉ tiêu đất khu công nghiệp để triển khai dự án đúng tiến độ.
Đồng thời, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ phải quản lý chặt chẽ 65,72 ha đất còn lại thuộc quy hoạch Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2) và không chuyển đổi mục đích sử dụng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.