Nhiều tín hiệu tích cực giúp GDP cán đích
Năm 2024, Chính phủ đã xác định phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%. Theo các chuyên gia, mục tiêu này khá thách thức, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế đang đón nhiều tin vui cả trong và ngoài nước thì hoàn toàn khả thi.
Đón nhiều chỉ số thuận lợi
Tin vui đầu tiên phải kể đến việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong chưa đầy 2 tháng đã liên tiếp hạ lãi suất 2 lần, lần gần nhất giảm 25 điểm cơ bản, đưa lãi suất điều hành của Mỹ xuống còn 4,50 - 4,75%. Chính sách này có tác động rất tích cực đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Bà Nguyễn Diệu Huyền, Phó vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) phân tích, đối với Việt Nam việc hạ lãi suất của Fed tạo tác động tích cực đến tỷ giá, mặt bằng lãi suất, xuất nhập khẩu… và tác động tới tăng trưởng trong thời gian tới. Việc Fed hạ lãi suất giúp giảm bớt chênh lệch lãi suất USD/VND, “đồng bạc xanh” có thể suy yếu so với VND, qua đó giảm bớt áp lực đối với tỷ giá, giúp ổn định thị trường ngoại hối và Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Tỷ giá ổn định góp phần kiềm chế lạm phát, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, làm tiền đề hỗ trợ đà hồi phục của nền kinh tế trong nước. Hơn nữa, khi Fed nới lỏng chính sách tiền tệ góp phần giảm bớt áp lực đối với việc tăng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay USD. Điều này góp phần giúp Việt Nam ổn định được mặt bằng lãi suất, kể cả lãi suất huy động và cho vay.
Đối với hoạt động xuất khẩu, lãi suất USD giảm sẽ kích thích kinh tế Mỹ phục hồi tích cực hơn, kích thích nhu cầu tiêu dùng của Mỹ và nhiều nền kinh tế khác trên thế giới, qua đó kích cầu đối với việc nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ Việt Nam, góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Bên cạnh đó, với tỷ giá VND/USD thuận lợi, hàng hóa Việt Nam có thể cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế, nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Khi đó, doanh nghiệp Việt Nam có thêm điều kiện để mở rộng sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực sang Mỹ, châu Âu - thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, cũng như các thị trường khác trên thế giới. "Chắc chắn đây không phải là lần cuối cùng trong chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, có thể Fed sẽ còn nhiều lần hạ lãi suất nữa để đưa mặt bằng lãi suất điều hành về thời điểm trước đại dịch Covid-19", bà Nguyễn Diệu Huyền khẳng định.
Bên cạnh đó, lạm phát của Việt Nam tiếp tục được kiểm soát. Bình quân 10 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,78%). Trên cơ sở đó, lạm phát vẫn sẽ được kiểm soát tốt từ nay tới cuối năm. PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế phân tích, thuận lợi đầu tiên là chúng ta có chương trình kích cầu tiêu dùng từ giảm thuế giá trị gia tăng. Theo đó, từ ngày 1/7 đến 31/12/2024, thuế giá trị gia tăng giảm 2% (từ 10% xuống 8%) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Điều này góp phần giảm giá bán hàng hóa, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại - dịch vụ trên cả nước nói chung và trong những tháng cuối năm. Các biện pháp tài khóa như giảm 36 phí, loại phí, giảm tiền thuê đất… cũng hỗ trợ việc giá hàng hóa giảm, có nghĩa là sức ép lạm phát giảm. Một trong những thuận lợi trong quá trình điều hành giá là chính sách tiền tệ của Việt Nam khá tốt. Đặc biệt, việc tăng các mặt hàng do nhà nước quản lý giá như dịch vụ y tế, giáo dục, điện, nước… cũng được điều chỉnh rải rác trong các thời điểm phù hợp trong năm cho nên không ảnh hưởng đến giá chung và lạm phát không tăng.
Tín hiệu tốt nữa là các doanh nghiệp trong nước dần hồi phục, số lượng đơn hàng mới cuối năm không ngừng tăng. Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt hơn 335 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Đơn hàng đi các thị trường lớn đều tăng 2 con số, trong đó động lực lớn đến từ khối FDI. Chia sẻ về số lượng đơn hàng trong thời gian này, ông Lê Nho Thắng, Giám đốc xưởng Vest, Công ty TNHH Thiệu Đô cho biết, từ đầu năm đến nay, công ty đã xuất khẩu được hơn 1 triệu 340 nghìn áo sơ mi, 150 nghìn bộ Vest sang các thị trường Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu. So với cùng kỳ, lượng hàng xuất đi tăng khoảng 30%. Tính đến thời điểm này, hàng của công ty đã ký được hết năm, thậm chí có những đơn hàng đã ký đến hết tháng 5/2025. Có nghĩa là lượng hàng giúp cho 1.100 lao động có công ăn việc làm liên tục từ nay đến tháng 5 năm 2025 với mức thu nhập bình quân đạt gần 8 triệu đồng/tháng.
Sớm nhận diện những thách thức
Với những chỉ số tích cực trên, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 7% cả năm 2024 của Việt Nam là khả thi bởi 3 động lực tăng trưởng đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đang được thúc đẩy và có chiều hướng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước cần được nhận diện và có những giải pháp tháo gỡ kịp thời để tạo đà cho nền kinh tế bứt phá trong thời gian tới. Thách thức lớn nhất của chúng ta từ nay đến cuối năm chính là câu chuyện đảm bảo cân bằng hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá; giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là nhu cầu tiêu dùng và sản xuất yếu hơn so với kỳ vọng ở Mỹ, sự giảm tốc mạnh trong tăng trưởng ở châu Âu và tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc có thể gây gián đoạn cho quá trình phục hồi xuất khẩu và làm suy yếu tốc độ tăng trưởng của Việt Nam; sự gia tăng khoảng cách giữa khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp bản địa. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, với các rào cản về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính chưa được tháo gỡ.
Do vậy, để hóa giải những thách thức của nền kinh tế, tạo đà đạt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 7% cả năm 2024, các chuyên gia cũng cho rằng, cần tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, qua đó thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của các ngành công nghiệp. Đồng thời cần có chính sách tài khóa quyết liệt, hỗ trợ sản xuất hàng hóa, dịch vụ và khuyến khích tiêu dùng, tạo vòng tròn sản xuất - lưu thông, tạo ra nhu cầu thực trong nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án về đất đai; thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản; thúc đẩy các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trong đó xác định đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân; đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, những ngành công nghiệp mới… Điều này sẽ góp phần nâng tăng trưởng quý cuối năm và cả năm 2024.