Nhiều tiệm vàng ở Hà Nội hết hàng, bán 'giấy hẹn'
Trong 2 ngày cuối tuần trước, giá vàng trong nước giảm mạnh tới 6 triệu đồng/lượng, nhưng đến đầu tuần lại bật tăng trở lại. Người dân đổ xô đi mua vàng dẫn đến mất cân đối cung - cầu. Nhiều cửa hàng không đủ để bán, phải viết giấy hẹn.
Đóng cửa, hết hàng hoặc bán nhỏ giọt
Ghi nhận của PV Báo SGGP, ngày 21-4, giá vàng thế giới bật tăng mạnh trở lại sau các ngày nghỉ cuối tuần và lễ Phục sinh. Đến 16 giờ 30 phút, giá vàng thế giới có lúc vượt ngưỡng 3.390USD/ounce.
Trước đó, lúc 9 giờ ngày 21-4, tại Hà Nội, nhiều tiệm vàng đã đồng loạt điều chỉnh giá bán sau 2 ngày giảm mạnh. Theo ghi nhận, giá vàng nhẫn loại Hưng Thịnh Vượng của Doji (Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI) đã điều chỉnh giá bán từ 11,35 triệu đồng/chỉ của ngày 20-4 lên mức mới là 11,6 triệu đồng/chỉ, sau đó tiếp tục điều chỉnh lên 11,7 triệu đồng/chỉ sau vài chục phút.
Cùng thời điểm, Bảo Tín Minh Châu và Bảo Tín Mạnh Hải cũng điều chỉnh giá niêm yết từ 11,5 triệu đồng/chỉ ngày 20-4 lên lần lượt là 11,7 triệu đồng, rồi 11,8 triệu đồng/chỉ.
Mặc dù giá cao nhưng tại “phố vàng” Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), không khí mua bán sôi động ngay từ sáng sớm. 2 cơ sở của Bảo Tín Minh Châu liên tục trong tình trạng đông đúc, người dân xếp hàng chờ mua vàng từ sáng đến trưa và đầu giờ chiều 21-4, lượng người mua nhiều hơn bán.

Người mua vàng xếp hàng từ sáng đến trưa 21-4 ở phố Trần Nhân Tông (Hà Nội)
Trong khi đó, các cửa hàng như Bảo Tín Mạnh Hải hay Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) lại vắng khách hơn, song điểm chung là hầu như không còn vàng để bán. Đến 11 giờ, nhân viên của SJC cho biết đã hết vàng chỉ và vàng miếng 24K, chỉ còn loại vàng nhẫn 0,5 chỉ. Đến chiều cùng ngày, tình trạng hết hàng vẫn tiếp diễn. Nhiều khách vào hỏi mua lại quay ra.
Tại Bảo Tín Mạnh Hải, lượng khách mua đông hơn chút ít so với các cửa hàng như Doji, SJC… nhưng cũng không còn loại vàng “4 số 9” (chỉ còn vàng trang sức, rất ít người mua). Tuy nhiên, cửa hàng này cũng không còn vàng 24K để trả cho khách tại quầy mà hầu hết viết giấy hẹn (sau khi khách đã thanh toán toàn bộ). Lịch hẹn là sau khoảng 15-20 ngày mới có vàng.
Buổi sáng cùng ngày, PV Báo SGGP ghi nhận cửa hàng này đã tạm đóng cửa, đến khoảng 13 giờ mới mở lại.

Tiệm vàng Bảo Tín Mạnh Hải đã thông báo tạm đóng cửa sáng 21-4. Ảnh: PHÚC HẬU
Tại các cửa hàng của Doji ở phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) và phố Quang Trung (quận Hà Đông) cũng liên tục trong tình trạng không có vàng để bán trực tiếp cho khách.
Hầu hết khách phải đặt mua qua app (ứng dụng trên điện thoại) nhưng cũng liên tục trong tình trạng “hết hạn mức mua”. Nhiều khách hàng cho biết rất khó mua được vàng trên app của Doji.
Tại Bảo Tín Minh Châu, mỗi khách hàng chỉ được mua tối đa 2 chỉ vàng. Cửa hàng này ưu tiên phục vụ khách đến từ trước 10 giờ 30 phút và ngừng nhận thêm khách sau thời điểm đó vì quá tải. Cùng tình trạng, cơ sở của Phú Quý cũng treo biển “hết hàng” từ 10 giờ 30 phút ngày 21-4, khiến nhiều người ra về tay trắng hoặc phải chuyển sang mua tại các thương hiệu khác.
Người mua cần tỉnh táo
Các chuyên gia cảnh báo, dù giá vàng trong nước hôm nay 21-4 đã có dấu hiệu hạ nhiệt so với đỉnh điểm ngày 18-4, nhưng mức chênh lệch với giá vàng thế giới vẫn ở mức cao so với bình thường.
Cụ thể, tính theo tỷ giá quy đổi hiện tại, giá vàng thế giới quy đổi sang tiền Việt Nam hiện vào khoảng 106,6 triệu đồng/lượng, tức khoảng 10,66 triệu đồng/chỉ. Trong khi, giá vàng nhẫn trong nước vẫn dao động quanh mức 11,7 - 11,8 triệu đồng/chỉ, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vào khoảng 11 - 12 triệu đồng/lượng.

Các chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư cần tỉnh táo, bởi những lúc thị trường “nóng sốt” bất thường lại là thời điểm tiềm ẩn rủi ro cao nhất.