Nhiều thủ lĩnh bị ám sát, vì sao Hezbollah vẫn không suy suyển?

Hệ thống chỉ huy linh hoạt của Hezbollah cùng mạng lưới đường hầm và kho vũ khí khổng lồ đang giúp nhóm này chống đỡ các cuộc tấn công chưa từng có của Israel.

 Chiến binh Hezbollah làm lễ tưởng niệm một lãnh đạo tử vong trong đòn tập kích của Israel. Ảnh: New York Times.

Chiến binh Hezbollah làm lễ tưởng niệm một lãnh đạo tử vong trong đòn tập kích của Israel. Ảnh: New York Times.

Những đòn đánh của Israel nhắm vào Hezbollah trong thời gian qua đã gây ra một phen choáng váng cho nhóm chiến binh người Shiite hùng mạnh của Lebanon.

Hôm 20/9, Israel tuyên bố hạ sát lãnh đạo lực lượng tinh nhuệ Radwan của Hezbollah, Ibrahim Aqil, giáng đòn làm rung chuyển tổ chức này, theo Tham mưu trưởng quân đội Israel, ông Herzi Halevi.

Nhưng hai nguồn tin thông thạo cách thức hoạt động của Hezbollah cho biết lực lượng này đã có thể nhanh chóng bổ nhiệm người thay thế Aqil và các nhân vật cấp cao khác thiệt mạng.

Một nguồn tin khác cho biết cuộc tấn công bằng các thiết bị liên lạc phát nổ đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.500 chiến binh Shiite. Đây là cú vả đau điếng nhưng thực tế chỉ gây thiệt hại nhỏ vì Hezbollah ước tính có tới 50.000 chiến binh, theo báo cáo được trình lên Quốc hội Mỹ gần đây. Thủ lĩnh Hezbollah, Sayyed Hassan Nasrallah, nói mình có tới 100.000 chiến binh.

Ba nguồn tin ẩn danh trên cho biết kể từ tháng 10, Hezbollah đã bắt đầu điều động lực lượng quay trở lại các khu vực tiền tuyến ở phía nam, bao gồm một số tay súng đang hoạt động tại Syria. Hezbollah cũng đang gấp rút tích trữ tên lửa tại Lebanon để đề phòng xảy ra xung đột kéo dài.

Andreas Krieg, giảng viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu An ninh thuộc Đại học King's College London, đánh giá dù chịu tác động của các cuộc tấn công tuần trước, Hezbollah vẫn hoạt động mạnh nhờ cách thức tổ chức mạng lưới linh hoạt.

"Đây là đối thủ đáng gờm nhất mà Israel từng phải đối mặt trên chiến trường, không phải vì số lượng và công nghệ mà là về khả năng chống chịu”, ông Krieg nói.

 Hiện trường vụ không kích của Israel nhắm vào tòa nhà tại thủ đô Beirut, Lebanon. Ảnh: New York Times.

Hiện trường vụ không kích của Israel nhắm vào tòa nhà tại thủ đô Beirut, Lebanon. Ảnh: New York Times.

Hệ thống chỉ huy linh hoạt

Giao tranh giữa Hezbollah và Israel tiếp tục leo thang trong tuần này với việc Israel hôm 24/9 hạ sát thêm một chỉ huy cấp cao của đối phương, Ibrahim Qubaisi. Đáp trả, Hezbollah nã hàng trăm quả rocket về phía Israel, mỗi đợt tấn công sau đều vươn xa hơn hơn đợt trước.

Sở dĩ Hezbollah vẫn có thể tấn công bằng tên lửa là vì chuỗi chỉ huy có thể nhanh chóng hoạt động trở lại sau khoảng thời gian tê liệt ngắn ngủi, một trong ba nguồn tin tại Lebanon nói.

Ba nguồn tin còn cho hay Hezbollah đang sử dụng mạng lưới điện thoại cố định chuyên dụng, cùng một số thiết bị khác, để đảm bảo liên lạc thời chiến.

Kể từ tháng 2, Hezbollah đã tăng cường liên lạc bằng máy nhắn tin và cấm sử dụng điện thoại di động trên chiến trường để đối phó tình trạng chỉ huy thiệt mạng vì không kích.

Nếu không thể nhận lệnh từ chỉ huy, chiến binh Hezbollah ở tiền tuyến được đào tạo chia thành các cụm nhỏ để hoạt động độc lập tại một số ngôi làng gần biên giới. Những nhóm này có khả năng chiến đấu với lực lượng Israel trong thời gian dài, theo một nguồn tin ẩn danh.

Đó cũng chính là điều đã xảy ra vào năm 2006, thời điểm xảy ra lần giao tranh gần nhất giữa Hezbollah và Israel. Các chiến binh của Hezbollah đã có thể cầm cự trong nhiều tuần, thậm chí là ở ngay những ngôi làng tiền tuyến bị lực lượng Israel tấn công trực diện.

Kho vũ khí dồi dào dưới đất

Theo 2 nguồn thạo tin, Hezbollah đã có thể cất giấu kỹ lưỡng một số loại vũ khí trong tay, thể hiện qua việc nhóm này vẫn có thể phóng rocket từ những khu vực ngay trước đó vừa bị Israel tập kích ở miền nam Lebannon.

Hezbollah được cho là sở hữu một kho vũ khí ngầm dưới lòng đất. Tháng trước, tổ chức này từng công bố đoạn phim cho thấy các chiến binh Hezbollah lái xe tải có bệ phóng tên lửa đi qua các đường hầm.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố đợt tấn công hôm 23/9 đã phá hủy hàng chục nghìn tên lửa và đạn dược của Hezbollah, bao gồm tên lửa hành trình tầm xa, tên lửa có đầu đạn có thể mang theo 100kg thuốc nổ, tên lửa tầm ngắn, cũng như UAV.

Nhưng Boaz Shapira, nhà nghiên cứu thuộc Alma, nhóm chuyên gia Israel chuyên nghiên cứu Hezbollah, chỉ ra rằng Israel vẫn chưa nhắm mục tiêu vào các địa điểm chiến lược như tên lửa tầm xa và địa điểm phóng máy bay không người lái.

"Tôi không nghĩ là chúng ta đã đến gần mốc có thể dứt điểm cuộc chiến", ông Shapira nói.

Kho vũ khí của Hezbollah được cho là có thể chứa khoảng 150.000 quả tên lửa, theo báo cáo tại Quốc hội Mỹ. Những quả tên lửa đạn đạo tầm xa mạnh mẽ nhất của nhóm này được cất giấu dưới lòng đất, theo ông Krieg.

 Binh sĩ Israel rời khỏi đoạn đường hầm được cho là của Hamas tại Gaza. Ảnh: New York Times.

Binh sĩ Israel rời khỏi đoạn đường hầm được cho là của Hamas tại Gaza. Ảnh: New York Times.

Mạng lưới địa đạo dày đặc

Kể từ sau cuộc chiến năm 2006, Hezbollah đã đồng thời mở rộng mạng lưới đường hầm và củng cố kho vũ khí, đặc biệt là các hệ thống dẫn đường chính xác, thủ lĩnh Nasrallah cho biết. Nhóm này mới chỉ sử dụng một phần nhỏ kho vũ khí trong năm qua, theo giới chức Hezbollah.

Phía Israel khẳng định, cơ sở hạ tầng quân sự của Hezbollah được kết nối chặt chẽ với các ngôi làng và cộng đồng cư dân ở miền nam Lebanon. Đạn dược và bệ phóng tên lửa thường được cất giấu trong nhà dân trên khắp khu vực này.

Nhiều tháng qua, Israel đã tấn công một số ngôi làng này để làm suy yếu năng lực của Hezbollah. Nhưng phía Hezbollah khẳng định không đặt cơ sở hạ tầng quân sự gần dân thường.

Thông tin về mạng lưới đường hầm này hiện có rất ít, đặc biệt là thông tin đã qua kiểm chứng. Báo cáo năm 2021 của Alma cho biết cả Iran và Triều Tiên đều đã giúp xây dựng mạng lưới đường hầm nói trên.

Ngay tại Gaza, Israel đã gặp khó khăn khi muốn tiêu diệt các đơn vị chiến đấu của Hamas hoạt động dưới đường hầm trải khắp khu vực này.

"Đây là một trong những thách thức lớn nhất của chúng tôi ở Gaza và chắc chắn là điều chúng tôi có thể gặp phải ở Lebanon", Carmit Valensi, một nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia ở Tel Aviv, cho biết.

Ở Gaza, hầu hết đường hầm đều được đào thủ công trên nền đất cát. Nhưng các đường hầm ở Lebanon được đào sâu trong đá núi, theo ông Krieg. "Chúng khó tiếp cận hơn nhiều so với ở Gaza và thậm chí còn khó bị phá hủy hơn”, ông nói.

Lạc Chi

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhieu-thu-linh-bi-am-sat-vi-sao-hezbollah-van-khong-suy-suyen-post1500156.html
Zalo