Nhiều thách thức trong phòng chống buôn lậu thuốc lá
Tình trạng buôn lậu thuốc lá nói chung và thuốc lá thế hệ mới nói riêng vẫn không ngừng gia tăng, gây khó khăn cho cơ quan quản lý.

Các đại biểu tham dự tọa đàm "Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra”
Chia sẻ tại tọa đàm "Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra” do Báo Tiền Phong tổ chức, Trung tá Nguyễn Minh Tiến- Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP.Hà Nội cho hay, tội phạm buôn lậu thuốc lá mới thông qua đường biên giới trên biển và đường bộ ngày càng tinh vi, bất chấp lệnh cấm, do lợi nhuận từ hoạt động này cao gấp nhiều lần so với nhập khẩu và kinh doanh truyền thống.
“Ghi nhận cho thấy, phần lớn giao dịch diễn ra trong các hội nhóm kín trên các nền tảng trực tuyến, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác phát hiện và xử lý. Đồng thời, các phương thức vận chuyển cũng trở nên tinh vi hơn. Các đối tượng vi phạm thường lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và khó kiểm soát hơn”- Trung tá Nguyễn Minh Tiến nói.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Lê– đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, tình trạng buôn lậu và vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới đường bộ, đường biển đang diễn biến phức tạp, đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá mới.
Trong năm 2024, lực lượng chức năng đã thu giữ 240.000 sản phẩm thuốc lá điện tử cùng 200,000 bao thuốc lá điếu truyền thống. Số liệu này cho thấy, tỷ trọng thuốc lá mới nhập lậu ngày càng chiếm phần lớn và có xu hướng gia tăng trong thời gian tới.
Do đó, việc xác định nguyên nhân cốt lõi, từ cơ chế chính sách, công tác quản lý hay nhận thức của người dân, trở thành điều kiện cấp thiết để định hướng chiến lược phòng, chống buôn lậu thuốc lá hiệu quả hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Theo ông Phùng Danh Tuyến- Phó trưởng Phòng Tổng hợp nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, thứ nhất, việc chưa hoàn thiện hành lang pháp lý và ban hành văn bản hướng dẫn về các sản phẩm thuốc lá khiến các cơ quan thực thi thiếu sự thống nhất trong xử lý vi phạm. Thứ hai, việc kiểm soát hành vi sử dụng và xử lý vi phạm đối với các đối tượng đặc biệt, chẳng hạn như khách du lịch nước ngoài, vẫn chưa có quy định rõ ràng.
Đồng thời, tình trạng buôn bán thuốc lá lậu ngày càng tinh vi với các hình thức như giao dịch trong các hội nhóm kín, giao hàng trực tiếp, sử dụng từ lóng để quảng cáo... khiến công tác quản lý trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử trở nên phức tạp.
Thứ ba, việc triển khai quản lý toàn diện đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều cơ quan trong công tác thu giữ và tiêu hủy sản phẩm nhập lậu, đặt ra bài toán về phân bổ nguồn lực và ngân sách Nhà nước.
Ông Phan Quốc Đông- Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan (Bộ Tài chính) lại nêu lên khó khăn khi hiện chưa được thống nhất hướng xử lý đối với 214 triệu sản phẩm liên quan đến linh kiện thành phẩm thuốc lá mới để xuất khẩu. Điều này cho thấy việc thực thi lệnh cấm không chỉ tác động đến các cá nhân mà tác động tới doanh nghiệp, môi trường đầu tư, chuỗi cung ứng.
Do đó, cần có giải pháp tháo gỡ cùng với lộ trình xử lý rõ ràng đối với lượng hàng tồn rất lớn này cũng như đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư.
Ông đề xuất, đối với những doanh nghiệp đã nhập nguyên liệu sản xuất theo các hợp đồng ký kết nên được tiếp tục hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định theo cơ chế chuyển tiếp và dưới sự kiểm soát chặt chẽ. Cụ thể, việc gia hạn hợp đồng sản xuất để xử lý hàng tồn có thể được xem xét đến ngày 31/12/2025.
Tại tọa đàm, các đại biểu cũng nêu lên những khó khăn khi triển khai những quy định mới liên quan đến thuốc lá nung nóng và đề xuất một số giải pháp tháo gỡ.