Nhiều thách thức phủ bóng triển vọng kinh tế toàn cầu

IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 3,2% trong năm 2024, giảm so với mức 3,1% đưa ra hồi tháng 7.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa cảnh báo về triển vọng kinh tế toàn cầu khi hạ dự báo tăng trưởng và nêu bật nhiều thách thức, từ xung đột địa chính trị leo thang đến mối đe dọa gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới cập nhật được công bố hôm 22-10, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 3,2% trong năm 2024, giảm so với mức 3,1% đưa ra hồi tháng 7. Dự báo đối với tăng trưởng trong năm 2025 là không đổi (3,2%). Con số này được đánh giá là "ổn định nhưng không ấn tượng".

Theo IMF, kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp phần lớn động lực cho tăng trưởng toàn cầu trong năm nay và năm 2025, nhờ chi tiêu cho tiêu dùng mạnh mẽ vẫn được duy trì qua đợt lạm phát dữ dội và mức lãi suất cao được đưa ra để kiềm chế lạm phát. Cụ thể, theo Reuters, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2024 và 2025 lên 2,8% và 2,2%, lần lượt tăng 0,2 điểm % và 0,3 điểm % so với dự báo hồi tháng 7. Mỹ là nền kinh tế phát triển duy nhất được dự báo tăng trưởng triển vọng cho cả 2 năm. Ông Pierre-Olivier Gourinchas, Nhà kinh tế trưởng của IMF, cho biết "sự hạ cánh mềm" mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mong muốn - lạm phát giảm mà không gây thiệt hại lớn cho thị trường việc làm - phần lớn đã đạt được và nền kinh tế hàng đầu thế giới đang cho thấy khả năng chống chịu tốt.

Người dân mua sắm tại một chợ ở TP Mumbai - Ấn Độ. IMF dự báo kinh tế nước này có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong 2 năm 2024 và 2025. Ảnh: REUTERS

Người dân mua sắm tại một chợ ở TP Mumbai - Ấn Độ. IMF dự báo kinh tế nước này có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong 2 năm 2024 và 2025. Ảnh: REUTERS

Đối với Trung Quốc, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay xuống còn 4,8%, so với mức 5% trước đó. Con số này trong năm 2025 được giữ nguyên ở mức 4,5%. Theo IMF, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang đối mặt những thách thức trong lĩnh vực bất động sản và niềm tin tiêu dùng yếu. Tuy nhiên, sự gia tăng trong xuất khẩu ròng của Trung Quốc là điểm sáng. Ông Gourinchas nhận định một loạt biện pháp tiền tệ, tài chính và tài khóa được Bắc Kinh công bố từ cuối tháng trước nhìn chung đã đi đúng hướng.

Trong khi đó, kinh tế Ấn Độ tiếp tục gây ấn tượng với mức tăng trưởng được dự báo đạt 7% năm 2024 và 6,5% năm 2025. Hai con số này không thay đổi so với lần dự báo trước đó. Kinh tế Brazil cũng được dự báo tăng 3% năm nay, so với mức 2,1% trước đó. Cả hai nền kinh tế này đều được hưởng lợi bởi sự gia tăng trong tiêu dùng và đầu tư tư nhân.

Một thông tin tích cực, theo IMF, là phần lớn thế giới đã thành công trong việc giảm lạm phát và đưa nền kinh tế hạ cánh mềm, tránh suy thoái. Cụ thể, lạm phát toàn cầu sẽ giảm từ 5,8% năm 2024 còn 4,3% vào năm tới. Dù vậy, kinh tế thế giới đang đối mặt triển vọng tăng trưởng dài hạn yếu hơn. Theo ông Gourinchas, nguy cơ leo thang các xung đột khu vực có thể tác động đáng kể đến thị trường hàng hóa. Ngoài ra, sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, các chính sách bảo hộ, sự gián đoạn thương mại cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động toàn cầu. Tác động tiềm tàng của chính sách thương mại từ các nước khác nhau đối với nền kinh tế toàn cầu cũng là một mối quan ngại đáng kể. Đáng chú ý, theo đài CNBC, báo cáo của IMF còn lưu ý vấn đề nợ công toàn cầu, dự kiến đạt mức 100.000 tỉ USD vào cuối năm nay.

Xuân Mai - Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhieu-thach-thuc-phu-bong-trien-vong-kinh-te-toan-cau-196241023214510805.htm
Zalo