Nhiều tai nạn thương tâm do chơi pháo nổ dịp Tết

Tết là thời điểm sum vầy, đón năm mới trong niềm vui và hạnh phúc nhưng với không ít người, chỉ vì một khoảnh khắc thiếu suy nghĩ khi chơi pháo tự chế, niềm vui ngày Tết nhanh chóng trở thành nỗi đau, sự ân hận kéo dài.

Những ngày qua, các cơ sở y tế tại Đắk Lắk liên tục tiếp nhận bệnh nhân bị tai nạn do pháo nổ, nhiều trường hợp để lại hậu quả nặng nề.

Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, dịp Tết Ất Tỵ 2025, toàn tỉnh ghi nhận 27 trường hợp bị thương do pháo nổ và pháo hoa, 4 trường hợp tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế.Tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ ngày 24/1 đến 2/2 (tức 25 tháng Chạp đến mùng 5 Tết), có 13 ca nhập viện do pháo nổ, nâng tổng số trường hợp từ đầu năm 2025 lên 19 ca.

Hiện tại Khoa vẫn còn 7 trường hợp đang điều trị. Đáng lo ngại, phần lớn nạn nhân là học sinh từ lớp 7 đến lớp 10.Anh H.T.T (sinh năm 1997, trú tại xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) nhập viện ngay trong đêm Giao thừa sau một vụ nổ pháo tự chế. Anh T cho biết, trên đường đi chơi, anh tình cờ thấy một quả pháo do ai đó vứt lại nên nhặt về đốt thử. Thế nhưng, chưa kịp tận hưởng khoảnh khắc rực rỡ, pháo đã phát nổ ngay trên tay. Kết quả, cả hai tay anh T bị thương.

Tay trái bị nặng nhất, buộc phải tháo bỏ nhiều đốt của cả năm ngón tay. “Ăn Tết trên bệnh viện từ giao thừa đến giờ, tôi thấy rất hối hận. Tôi cũng khuyên mọi người đừng nên chơi pháo tự chế rất nguy hiểm. Chỉ vì phút dại dột, tôi đã mất bàn tay. Tôi làm nghề cắt tóc, bị như vậy rất khó khăn trong công việc, giờ không biết phải làm sao, nhưng cũng phải cố gắng tập thích nghi dần”, anh T chia sẻ.

Bệnh nhân T.V.L (trú tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) phải cắt cụt 1/3 dưới cẳng tay phải, tay trái cũng tổn thương nặng do pháo nổ gây ra.

Bệnh nhân T.V.L (trú tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) phải cắt cụt 1/3 dưới cẳng tay phải, tay trái cũng tổn thương nặng do pháo nổ gây ra.

Tương tự, em N.H.V (sinh năm 2008, trú tại xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) trở thành nạn nhân của pháo nổ. Dịp Tết, em V đến nhà bạn chơi, thấy một quả pháo bị xịt nên nhặt lên. Không ngờ, quả pháo phát nổ ngay khi cầm trên tay khiến em bị dập hai bàn tay và tổn thương vùng mặt. Hiện tay phải của V bị thương nặng, phải cắt bỏ ngón tay.

Bà Nguyễn Thị Ch (mẹ của em V) không giấu được nỗi đau khi nói về con trai: “Cháu bị vậy, gia đình rất đau lòng, không biết tương lai con sẽ ra sao. Qua sự việc này, tôi chỉ mong các bậc phụ huynh quan tâm con nhiều hơn để không xảy ra những chuyện đáng tiếc như thế này”.Không chỉ lứa tuổi học sinh, ngay cả những người trưởng thành cũng bị tai nạn do pháo nổ. Anh T.V.L (sinh năm 1996, trú tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) đặt mua 5 quả pháo tự chế trên Facebook với giá 56.000 đồng/quả. Dù biết hành vi này vi phạm pháp luật nhưng vì muốn đốt pháo chơi Tết, anh vẫn đặt mua.

Đến khi đốt quả pháo cuối cùng, pháo phát nổ ngay trên tay, khiến anh bị thương nghiêm trọng. Khi vào viện, hai bàn tay của anh đều dập nát, bác sỹ buộc phải cắt cụt 1/3 dưới cẳng tay phải, còn tay trái cũng tổn thương nặng.“Giờ tàn phế một cánh tay, tôi rất ân hận. Tôi cũng khuyên giới trẻ đừng dại dột chơi pháo nổ nữa. Pháo tôi mua trên mạng, dễ mua, chỉ cần đặt hàng là họ gửi về tận nơi, còn cho kiểm tra trước khi thanh toán”, anh L chia sẻ.

Từ ngày 24/1 đến 2/2/2025, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận 13 ca nhập viện do pháo nổ, nâng tổng số trường hợp từ đầu năm 2025 lên 19 ca.

Từ ngày 24/1 đến 2/2/2025, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận 13 ca nhập viện do pháo nổ, nâng tổng số trường hợp từ đầu năm 2025 lên 19 ca.

Theo bác sỹ Trần Hoàng Việt, Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bắt đầu nghỉ Tết Nguyên đán, tình hình tai nạn do pháo nổ gia tăng. Trong và sau Tết, số bệnh nhân nhập viện không có dấu hiệu giảm, hầu hết các ca trực đều có 1-2 trường hợp.

Bác sỹ Việt cho biết, tổn thương do pháo nổ tương đương với vết thương do hỏa khí, bom, đạn. Hậu quả nhẹ nhất là dập nát tay, chân; nặng hơn có thể tổn thương ngực, bụng, ảnh hưởng thị lực, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Đáng lo ngại hơn, đa phần tổn thương pháo nổ hay gặp ở học sinh. Ở độ tuổi này, các em chưa nhận thức hết hậu quả lâu dài của thương tật. “Chúng tôi không chỉ điều trị về mặt lâm sàng mà còn hỗ trợ tâm lý để bệnh nhân và gia đình ổn định tinh thần, chấp nhận sự thật và học cách thích nghi với tổn thương”, bác sĩ Việt nói.

Dù đã bị cấm nhưng trên thực tế, việc mua bán pháo tự chế vẫn diễn ra. Nhiều người có thể dễ dàng đặt mua. Đáng lo hơn, không ít học sinh tò mò, xem video trên mạng rồi đặt mua pháo về chơi mà gia đình không hay biết. Để ngăn chặn những tai nạn thương tâm, bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý hoạt động buôn bán pháo nổ, rất cần sự chung tay của gia đình và nhà trường trong giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh.Tết là dịp để quây quần, đoàn tụ cùng gia đình nhưng niềm vui ấy sẽ không trọn vẹn nếu phải đánh đổi bằng sức khỏe, thậm chí là tính mạng. Hãy nói không với pháo nổ tự chế để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

Bài, ảnh, video: Nguyên Dung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/nhieu-tai-nan-thuong-tam-do-choi-phao-no-dip-tet-20250205124234265.htm
Zalo