Nhiều tác giả Anh cảm thấy như 'đi xin' khi NXB chậm trả nhuận bút

Hơn một nửa tác giả tham gia khảo sát của The Bookseller cho biết bị nhà xuất bản trả chậm, nợ tiền ứng trước và nhuận bút.

Trong số 262 người được hỏi, 52% (137 người) báo cáo vấn đề ứng trước hoặc nhuận bút bị trả chậm trễ. Thời gian trả chậm trung bình hơn một năm nhưng nhiều tác giả cho biết họ bị trả muộn đến vài năm hoặc thậm chí là hàng thập kỷ.

 Ảnh: Andrea Piacquadio.

Ảnh: Andrea Piacquadio.

Trong số này, khoảng 18% (48 người) gặp vấn đề với cả ứng trước và nhuận bút, 45 người chỉ gặp vấn đề với ứng trước và 44 người chỉ gặp vấn đề với nhận bút. 48% tác giả cho biết không gặp vấn đề, có một số ví dụ cho thấy cách giải quyết hợp lý của nhà xuất bản.

Vấn đề này xuất hiện ở doanh nghiệp xuất bản cũng tương đương với nhà xuất bản độc lập (lần lượt là 54% và 49%), nhưng lại khác biệt với thể loại sách (phi hư cấu 70%, hư cấu 50%).

Đa số các tác giả tham gia khảo sát đều muốn ẩn danh. Trong đó, một tác giả sách phi hư cấu cho biết cuốn sách đầu tiên của mình do một nhà xuất bản độc lập ấn hành; họ không trả tiền cho đến khi đại diện của cô tiến hành các thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, chỉ 7% (14 người) chịu ảnh hưởng của tình trạng này lựa chọn tiến hành các thủ tục pháp lý.

Nhiều người được khảo sát kể rằng lịch trình xuất bản bị dời vì nhiều lý do như thiếu nguồn lực biên tập, thay đổi nhân sự xuất bản, thay đổi hợp đồng vào phút cuối hay hủy bỏ kế hoạch ấn hành phiên bản bìa cứng...

Tác giả tiểu thuyết lịch sử Jenny Ashcroft thông tin rằng vấn đề có thể xuất phát từ một khâu như biên tập, sau đó kéo theo các bước khác trễ hạn theo, cuối cùng cuốn sách xuất bản muộn đến một năm. "Nếu vấn đề xuất phát từ phía nhà xuất bản thì tiền vẫn nên được trả cho tác giả đúng hạn", một tác giả khác nói.

Tổn thất tài chính, sức khỏe, tinh thần

Rất nhiều người được khảo sát chia sẻ rằng bị trả tiền chậm ảnh hưởng đến sự ổn định về mặt tài chính của họ, cay đắng nói rằng tiền "ứng trước" nên được gọi thành "kết toán".

Một tiểu thuyết gia thâm niên tâm sự phải vay ngân hàng để trang trải cuộc sống: "Một nhà xuất bản hợp tác 10 năm thay đổi điều khoản hợp đồng mà không cho tôi hay, khiến tôi phải chờ hai năm mới nhận được khoản ứng trước mà trước đây được trả ngay lúc ký kết".

Một người khác phải mượn tiền bạn bè để chi trả các khoản phí. Người này cho biết vì ngành xuất bản rất xem trọng danh tiếng nên nhiều bên không dám đấu tranh mạnh mẽ, đàm phán thay cho tác giả: "Tôi biết một tác giả phải phụ thuộc vào ngân hàng thức ăn dù đang bị nhà xuất bản nợ 2.000 bảng. Đại diện của cô ấy sẽ không đối đầu với nhà xuất bản vì sợ liên lụy đến hợp đồng với các tác giả khác".

Không chỉ về tài chính, bị trả nhuận bút chậm còn gây áp lực về tinh thần và cảm xúc lên tác giả. Một người cho biết cảm thấy như "phải đi cầu xin", "thật nhục nhã". Người này cho biết đã "làm việc hết tốc lực để đáp ứng yêu cầu của nhà xuất bản. Điều tối thiểu mà tôi mong mỏi là được trả tiền đúng hạn".

Một số tác giả khác cảm giác nhà xuất bản thờ ơ, ngó lơ trước những chật vật về mặt tài chính của họ. "Khi khoản trả trước thuyên giảm, thì thanh toán đúng hạn càng quan trọng hơn bao giờ hết", người này nói.

Một tác giả 15 năm trong nghề nói rằng chưa bao giờ tình trạng chậm trả nhuận bút lại trầm trọng như hiện tại. Nhiều người cho biết việc chờ đợi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của họ.

Một số người nhận thấy lý do phần nào đến từ việc các nhà xuất bản độc lập bị các ông lớn mua lại, khiến quy trình thanh toán, xét duyệt đi qua các cấp cồng kềnh.

Tuy nhiên, cũng gần một nửa số tác giả cho biết chưa từng bị trả nhuận bút chậm. Một số người khen ngợi cách trả theo từng tháng và cho rằng các nhà xuất bản có thể tham khảo để cân đối thu chi.

Phong Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhieu-tac-gia-anh-cam-thay-nhu-di-xin-khi-nxb-cham-tra-nhuan-but-post1497658.html
Zalo