Nhiều sáng kiến tại Hội thảo quốc gia về khoa học giáo dục
Sáng 4/10, tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, Trường Đại học Vinh tổ chức Hội thảo quốc gia về khoa học giáo dục (KHGD) năm 2024.
Tham dự hội thảo có lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Tỉnh ủy Nghệ An, đại diện các trường đại học cùng các nhà khoa học, giảng viên, giáo viên trên cả nước.
Hội thảo quốc gia về khoa học giáo dục (KHGD) năm 2024 nhằm mục đích tạo diễn đàn khoa học về một số chủ đề nghiên cứu về KHGD để cùng chia sẻ các kết quả nghiên cứu và ứng dụng phục vụ phát triển ngành giáo dục.
Đồng thời, đề xuất được một số định hướng nghiên cứu trọng tâm nhằm phát triển KHGD làm nền tảng cho các cấp học giáo dục. Cũng như có các giải pháp tăng cường nghiên cứu, để có cơ sở khoa học trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách giáo dục trong giai đoạn tới
Chỉ đạo hội thảo qua trực tuyến, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, năm nay là năm thứ 3 Hội thảo quốc gia về KHGD được tổ chức. Qua các năm, sự hưởng ứng tham gia của các thầy cô, nhà khoa học trong lĩnh vực là rất tốt.
“Chúng ta tạo ra một diễn đàn để các thầy cô hằng năm gặp nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kết quả nghiên cứu mà chúng ta đã thực hiện. Tôi thấy điều này có một ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành GD&ĐT”, Thứ Trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá.
Thứ trưởng cho rằng, đối với lĩnh vực KHGD, các thầy cô, nhất là tại các cơ sở giáo dục đại học phải có trách nhiệm để nghiên cứu, trong khi các nhà khoa học của lĩnh vực khác không thể nghiên cứu được. Chính vì thế, Bộ GD&ĐT đánh giá cao sự tham gia của các thầy cô và nhà khoa học.
Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW sau 10 năm triển khai. Trong lĩnh vực KHGD, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục nghiên cứu, tập trung vào những vấn đề của Kết luận số 91 đã nêu.
Có những vấn đề mới, rất mới làm sao để chúng ta làm sáng tỏ được những cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế để đưa ra những chính sách, kinh nghiệm mà chúng ta áp dụng tốt nhất vào trong hệ thống giáo dục.
Bên cạnh đó, năm nay, Bộ KH&CN ban hành Chương trình khoa học giáo dục cấp quốc gia giai đoạn 2 (2025-2030). Đây là cơ hội rất là tốt để các nhà khoa học sắp tới đăng ký các nhiệm vụ khoa học. Thứ trưởng rất mong muốn các thầy cô hưởng ứng tham gia khi Bộ KH&CN kêu gọi đăng ký.
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục ủng hộ các cơ sở giáo dục đại học để có đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ; dành ưu tiên nguồn lực, điều kiện để nghiên cứu trong lĩnh vực KHGD.
Cuối cùng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc gửi lời chúc các thầy cô, các nhà khoa học có một hội thảo sôi nổi, chia sẽ được kinh nghiệm tốt trong quá trình nghiên cứu.
Tại hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên trình bày nghiên cứu “Phát triển môi trường giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học”.
Kết quả nghiên cứu đưa ra các thành phần cơ bản của môi trường giáo dục đại học, trong đó các thành phần đều tập trung vào mối quan hệ người dạy - người học. Từ đó đề xuất một số giải pháp phát triển môi trường giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ như: hoàn thiện môi trường quản lý - quản trị, môi trường khoa học - công nghệ, môi trường số và không gian mở, duy trì sức sáng tạo của con người trong môi trường giáo dục.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy văn hóa đại học cần tạo ra 3 trụ cột nền tảng cho người học đó là: năng lực tư duy sáng tạo trên nền học vấn rộng, ngoại ngữ để tiếp cận văn hóa toàn cầu và công nghệ trên nền tảng nhân văn - đạo đức.
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trình bày đề tài nghiên cứu “Đào tạo giáo viên tại Việt Nam trong kỷ nguyên công nghệ số: Cơ hội, thách thức và giải pháp.
Công nghệ số tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, đòi hỏi việc đổi mới giáo dục - đào tạo phải gắn bó chặt chẽ với tiến bộ khoa học - công nghệ.
Bên cạnh việc đảm bảo số lượng nhân lực cho các ngành, nghề cần chú trọng hơn nữa vào chất lượng, hiệu quả. Đối với mạng lưới trường sư phạm, càng phải tập trung đào tạo đội ngũ giáo viên trình độ cao, phát triển năng lực tự học, thích ứng và sáng tạo. Bởi lẽ đội ngũ này có tác động đáng kể đến hàng chục triệu học sinh - thế hệ trẻ, lực lượng lao động kế cận trong tương lai gần của đất nước.
Từ những cơ hội và thách thức, GS.TS Nguyễn Văn Minh đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo giáo viên ở Việt Nam trong kỷ nguyên công nghệ số như: đổi mới chương trình đào tạo giáo viên; đầu tư nguồn lực, tăng cường điều kiện tổ chức đào tạo; xây dựng hệ thống quản lý tổng thể, liên thông dữ liệu giữa các trường sư phạm; nâng cao nhận thức, đào tạo đội ngũ; huy động các nguồn lực tham gia chuyển đổi số trong GD&ĐT; hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh gửi lời cảm ơn đến các đại biểu có những tham luận hết sức ý nghĩa về KHGD để nhà trường bồi đắp thêm những giá trị, mở rộng thêm thế giới quan để hoạt động đào tạo, nghiên cứu của Trường Đại học Vinh phát triển, hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 20230 thì trường trở thành đại học thông minh, nằm trong top 500 trường đại học hàng đầu Châu Á hoạt động theo mô hình đổi mới sáng tạo.
Sau phiên thảo luận toàn thể, các đại biểu chia thành 2 Tiểu ban thảo luận về Khoa học giáo dục với đổi mới giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non; và Khoa học giáo dục với đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học.