Nhiều sai sót trong giao đất, giao rừng - Bài 2: Quy định thiếu đồng bộ

Việc giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân hiện chưa có bộ thủ tục về trình tự tương thích với các luật và các quy định có liên quan. Ðiều này dẫn đến sự lúng túng, chậm trễ của chính quyền sở tại trong thực hiện giao đất, giao rừng. Ðây là lý do chính làm cho diện tích đất, rừng các xã đang tạm quản lý tuy rất lớn nhưng muốn giao cho người dân lại khó thực hiện.

Hạn chế, tồn tại

Ông Phan Vân Minh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ: “Các quyết định thu hồi đất, giao đất về địa phương quản lý để lập phương án giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân chưa được cắm mốc và bàn giao ranh giới khu đất ngoài thực địa cho địa phương quản lý, tổng diện tích giao đất của UBND tỉnh không trùng khớp với diện tích thực tế địa phương quản lý. UBND các huyện chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện lập phương án giao đất, giao rừng để trình UBND huyện phê duyệt theo quy định. Ðến nay, trên địa bàn các huyện còn 19/54 quyết định chưa lập phương án giao đất, giao rừng và diện tích đất, rừng chưa được giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân là 8.916,49/24.353,33 ha”.

Rừng trồng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ. Ảnh: Huỳnh Lâm

Rừng trồng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ. Ảnh: Huỳnh Lâm

Về lập phương án giao đất, giao rừng, qua rà soát, đối với 54 quyết định giao đất của UBND tỉnh; UBND cấp huyện phê duyệt phương án giao đất nhưng không có nội dung giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng 31 quyết định, chưa lập phương án giao đất, giao rừng trình cấp thẩm quyền phê duyệt, UBND cấp huyện xem xét ban hành quyết định giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hiện trạng hộ gia đình, cá nhân đang quản lý, sử dụng đất 17 quyết định.

Anh Trần Văn Tâm, Ấp 14, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, lo lắng: “Không chỉ cá nhân tôi, mà nhiều người dân nơi đây được nhận đất, nhận rừng rất mong được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng với chủ trương để mạnh dạn đầu tư, phát triển kinh tế. Thời gian qua, gia đình chưa dám đầu tư làm ăn vì sợ đất bị chồng lấn, tính pháp lý không ổn định”.

Khai thác tràm tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ. Ảnh: Huỳnh Lâm

Khai thác tràm tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ. Ảnh: Huỳnh Lâm

Khó khăn, vướng mắc

Ông Phan Vân Minh thông tin, tại Ðiều 15, Luật Lâm nghiệp và Ðiều 36, Nghị định số 156/2018/NÐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ, quy định giao đất phải đồng bộ với giao rừng, nhưng đến nay chưa có cấp thẩm quyền nào ban hành bộ thủ tục về thực hiện trình tự thủ tục giao rừng, cho thuê rừng thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất.

Một trong những nguyên nhân gây ra việc chậm trễ trong việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do các đối tượng theo phương án giao đất được duyệt, chưa được cấp thẩm quyền giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã chuyển nhượng, cho tặng, chuyển đổi, thừa kế cho hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng đất, sử dụng rừng. Hiện nay, UBND các huyện giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đối tượng đang trực tiếp sử dụng đất là không đúng đối tượng sử dụng đất theo các phương án giao đất đã được phê duyệt trước đây.

Toàn tỉnh có hơn 143.000 ha rừng và đất lâm nghiệp (Ảnh Huỳnh Lâm).

Toàn tỉnh có hơn 143.000 ha rừng và đất lâm nghiệp (Ảnh Huỳnh Lâm).

Việc xác định các số liệu về rừng, theo quy định của Luật Lâm nghiệp, việc thu hồi rừng, giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng phải thực hiện đồng thời với việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thủ tục giao rừng phải xác định nguồn gốc rừng trồng (năm trồng rừng) hay rừng tự nhiên, diện tích rừng, khối lượng... Do đó, khi lập và trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án giao đất, giao rừng đối với các số liệu về rừng theo hiện trạng hay số liệu tại thời điểm UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất, giao đất trước đây... là câu hỏi hiện chưa có lời giải đáp.

Có thể nói, chính sách giao đất, giao rừng đã thể hiện tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và mong muốn của người dân. Tuy nhiên, để thực thi hiệu quả hơn công tác này, đòi hỏi ngành lâm nghiệp cần khắc phục những thách thức, khó khăn với những giải pháp hợp lý, phù hợp với từng giai đoạn. Qua đó khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Có như vậy, nghề rừng mới hoàn thành được các mục tiêu và nhiệm vụ của mình.

Theo báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường, trong 54 quyết định giao đất, giao rừng, với diện tích 24.353,33 ha, đến nay các huyện đã giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân với diện tích 14.255,28 ha, còn lại 8.916,49 ha chưa có chủ thật sự, do UBND các huyện chưa thực hiện giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 1.181,67 ha do các tổ chức, UBND cấp xã quản lý.

Trung Ðỉnh

Bài cuối: Tìm giải pháp gỡ khó

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nhieu-sai-sot-trong-giao-dat-giao-rung-bai-2-quy-dinh-thieu-dong-bo-a33163.html
Zalo