Nhiều sai phạm trong kinh doanh kính mắt: Lời cảnh tỉnh cho người tiêu dùng

Trước nhu cầu ngày càng tăng của người dân về các sản phẩm kính mắt, thị trường kính thuốc và kính thời trang tại Nam Định đang phát triển sôi động. Tuy nhiên, bên cạnh các cửa hàng uy tín, không ít cơ sở kinh doanh vẫn công khai bày bán hàng hóa trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ gây nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng và vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng kính thuốc Ngọc Đức (thành phố Nam Định).

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng kính thuốc Ngọc Đức (thành phố Nam Định).

Thị trường kính mắt: thật - giả lẫn lộn

Với gần trăm cửa hàng kính mắt tập trung chủ yếu tại thành phố Nam Định và trung tâm các huyện, thị trường kính mắt mang đến nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng, từ các loại kính thuốc cho người bị tật khúc xạ đến kính thời trang cao cấp. Trong đó, có nhiều sản phẩm được các cửa hàng giới thiệu là của các thương hiệu lớn, nhập khẩu từ Mỹ, Úc, Canada với mức giá dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Tuy nhiên hầu hết người tiêu dùng đều mua với niềm tin về lời cam kết chất lượng của cửa hàng mà không có căn cứ xác định chất lượng thực tế hoặc giá trị thật của sản phẩm. Đáng lo ngại hơn, nhiều cửa hàng không chỉ bán kính thời trang mà còn kinh doanh kính thuốc - một mặt hàng yêu cầu điều kiện kinh doanh nghiêm ngặt, từ đào tạo chuyên môn của nhân viên đo kính đến chất lượng của các thiết bị đo mắt.

Ngoài ra, vào mùa cao điểm như mùa hè, ngoài các cửa hiệu bán kính có tên tuổi, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu kinh doanh... còn xuất hiện trên các vỉa hè nhiều sạp hàng bán mắt kính giá rẻ, trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ. Chị Trần Thúy Hằng, khách hàng mua kính thường xuyên của cửa hàng kính thuốc Ngọc Đức (thành phố Nam Định) cho biết: "Gia đình tôi có 4 người thì cả 4 người đều phải dùng đến kính mắt. Hàng chục năm mua kính nhưng tôi cũng không thể phân biệt nổi đâu là hàng chính hãng, đâu là hàng giả và đâu là giá trị thật của sản phẩm, chỉ biết dựa vào danh tiếng của cửa hàng để chọn mua".

Kiểm soát và chấn chỉnh sai phạm

Trước thực trạng trên, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Nam Định đã triển khai đợt kiểm tra chuyên đề trên phạm vi toàn tỉnh từ đầu tháng 10 đến hết ngày 15/12/2024. Mục tiêu là kiểm soát các hoạt động kinh doanh kính mắt, tập trung kiểm tra việc thực hiện các quy định về đăng ký kinh doanh, niêm yết giá, nhãn hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Kết quả cho thấy hầu hết các cơ sở kinh doanh kính mắt được kiểm tra trên địa bàn đều vi phạm lỗi nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết và bán hàng giả nhãn hiệu lớn trên thế giới như Rayban, Gucci, Chanel, Dior... đang được bảo hộ tại Việt Nam. Lực lượng QLTT đã xử lý nghiêm, tịch thu và buộc tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm nhãn hiệu. Trong đó lực lượng QLTT đã phạt hành chính 6 triệu đồng đối với hộ kinh doanh kính thuốc Đại Quang, xóm 5 xã Hồng Thuận (Giao Thủy) về hành vi kinh doanh hàng hóa trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ; thu giữ 61 chiếc kính mắt thời trang các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng giá trị hàng hóa trên 10 triệu đồng. Tại thị trấn Yên Định (Hải Hậu), lực lượng QLTT cũng phát hiện 17 chiếc kính mắt giả mạo nhãn hiệu Rayban đang bày bán lưu thông trên thị trường. Lực lượng QLTT đã phạt hành chính 6 triệu đồng và buộc chủ cơ sở tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm nhãn hiệu trên.

Đồng chí Phạm Ngọc Hoan, Trưởng Phòng Thanh tra - Pháp chế (Cục QLTT Nam Định) cho biết: "Ngoài số ít cửa hàng kính mắt lớn, kinh doanh lâu năm trên thị trường có hợp đồng bán hàng thương hiệu của các nhãn hàng lớn với đầy đủ giấy tờ hợp pháp thì đa phần các hộ kinh doanh đều nhập hàng trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Chủ yếu sản phẩm mắt kính có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc với giá trị thật chỉ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Người bán thường mua từng chi tiết, linh kiện sản phẩm riêng biệt, tem nhãn giả như: mắt kính, gọng kính rồi về tự dán nhãn, phân loại để bán và đẩy giá lên cao. Đồng thời sử dụng nhiều món hàng khuyến mãi đi kèm như: thẻ hãng, hộp, túi đựng, khăn lau, nước làm sạch kính... để đánh lạc hướng, tạo niềm tin với người tiêu dùng.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thời gian tới lực lượng QLTT sẽ tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong kinh doanh kính mắt. Đồng thời đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cả người bán lẫn người mua về tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh kính mắt. Người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng hơn khi mua sắm và sử dụng kính mắt bởi việc sử dụng kính mắt kể cả với mục đích thời trang cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực của người dùng nếu sử dụng sản phẩm không phù hợp, chất lượng kém. Đối với kính thuốc đặc biệt cần khám mắt và chọn mua kính ở những nơi có uy tín chuyên môn, là đại lý của các đơn vị nhập khẩu chính hãng, đáp ứng các tiêu chí: có dịch vụ đo và khám mắt, có thiết bị soi ánh sáng, thử tròng kính. Ưu tiên lựa chọn sản phẩm có đầy đủ chế độ bảo hành của nhà sản xuất hoặc nhà phân phối sản phẩm.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202412/nhieu-sai-pham-trong-kinh-doanh-kinh-mat-loi-canh-tinh-cho-nguoi-tieu-dung-6cd171a/
Zalo