Nhiều rào cản trong hiến, ghép tạng
Sau hơn 30 năm triển khai, kỹ thuật ghép tạng Việt Nam giờ đây đã đạt được nhiều kỳ tích, thời gian người nhận được sống sau khi ghép kéo dài cho thấy chúng ta không thua kém gì những trung tâm ghép tạng hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay trong lĩnh vực ghép tạng là tỷ lệ hiến tạng sau chết não của nước ta vẫn còn rất thấp.
Nhiều cuộc đời hồi sinh
Bước vào “đường đua” trong lĩnh vực ghép tạng chậm hơn so với thế giới gần 40 năm, thế nhưng, tính đến thời điểm hiện tại, về mặt kỹ thuật Việt Nam đã dần đuổi kịp được cách biệt so với thế giới với hơn 8.000 ca ghép mô, bộ phận cơ thể người được thực hiện thành công từ đó tới nay.
Trong đó có những ca ghép tim xuyên Việt ở độ khó cực cao hay những ca ghép đa tạng đã được thực hiện thành công, người bệnh có thời gian sống sau điều trị ngang bằng cùng các trung tâm hàng đầu thế giới.
Mặc dù vậy, trái ngược với thành tựu đó, nguồn mô, tạng hiến tạng tại Việt Nam, đặc biệt là từ người hiến đã chết hoặc chết não còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ghép mô, tạng ngày càng tăng từ bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo.
Trong khi đó, nhu cầu người chờ ghép mô, tạng ngày càng tăng, ước tính cả nước có khoảng 10.000 người suy tạng cần ghép, khoảng 300.000 người bị bệnh lý giác mạc mà không có giác mạc thay thế, 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi...
PGS.TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về bộ phận cơ thể người, phân tích: Tỷ lệ hiến tạng từ người chết não tại Việt Nam chỉ có 0,15 người trên 1 triệu dân, trong khi tỷ lệ này trên thế giới là 50 người/1 triệu dân. Điều này cho thấy số người hiến tạng khi chết não tại Việt Nam rất thấp.
So sánh một cách hình tượng hơn, đất nước chúng ta có khoảng 100 triệu dân, 14 năm qua, chỉ có 154 trường hợp hiến tạng, trong khi một quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan chỉ trong 1 năm đã có hơn 200 người chết não hiến tạng và họ chỉ có 60 triệu dân.
PGS.TS Đồng Văn Hệ cho hay: “Tỷ lệ này càng cao thì càng nhiều người cần ghép tạng có thể được cứu sống, chúng tôi luôn mong muốn nguồn tạng hiến từ người chết não, chết tim nhiều hơn là từ nguồn tạng từ người hiến còn sống. Vì một người chết não hay chết tim có thể hiến được 8 tạng bao gồm 2 thận, 2 gan, 2 phổi, tim, tuyến tụy; ngoài ra còn có giác mạc…
Còn người sống chỉ ghép được một bộ phận, và có bộ phận không bao giờ lấy được như tim, phổi. Bên cạnh đó còn có những rủi ro về sức khỏe đối với người hiến sau hiến tạng. Không quá khi nói rằng, một người chết não có thể hiến tạng cứu sống 8 người khác và một người chết não có thể giúp cải thiện cuộc sống cho 75-100 người khác”.
Rào cản về nhận thức và khó khăn về quy định pháp luật
Nguyên nhân của tình trạng khan hiếm nguồn tạng hiến nói trên, theo các chuyên gia là do nhận thức, quan niệm của người dân, vẫn còn nhiều người chưa hiểu hết ý nghĩa cao đẹp của việc hiến tạng. Cho đi là còn mãi, những nghĩa cử cao đẹp như đã kể trên đang dần ngày một nhiều thêm với sự quan tâm hơn của người dân nhưng so với nhu cầu thực tế vẫn là rất ít.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam chỉ rõ, rào cản đầu tiên chính là nhận thức, khi phần lớn người dân vẫn có quan niệm “chết phải toàn thây”, e ngại đụng vào thân thể người thân sau khi chết, cùng đó là tâm lý sợ ảnh hưởng đến gia đình.
Bên cạnh khó khăn về quan niệm của người dân, về cách thức đăng ký hiến tạng thì vẫn còn không ít những khó khăn về các quy định pháp luật hiện hành như điều kiện hiến tạng sau chết; tuổi hiến tạng, chế độ cho người hiến tạng và gia đình; cơ chế tài chính về chi phí, thanh toán cho vận động hiến, ghép và sau ghép.
“Quy định pháp luật của một số quốc gia trên thế giới không có thủ tục đăng ký hiến mô tạng, mà theo nguyên tắc suy diễn là đương nhiên. Sau khi chết não, thì hiến tạng với sự đồng ý của gia đình, thậm chí có nước không cần gia đình đồng ý. Gia đình chỉ có đơn không hiến tạng vì các lý do đặc biệt. Điều kiện hiến tạng là trên 13 tuổi; quy định đối với cả người chết não và chết tim. Đặc biệt ở Mỹ, cho phép tử tù và tù nhân đăng ký hiến tạng sau khi chết để tăng nguồn tạng” – PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn chứng.
Xây dựng mạng lưới tư vấn hiến tạng
Để tăng cường nguồn hiến tạng cho bệnh nhân chờ ghép, được biết, tại không ít các bệnh viện đã xây dựng mạng lưới tư vấn hiến tạng. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo xây dựng mạng lưới bệnh viện hiến trên toàn quốc với 68 bệnh viện. Trong đó, có 6/26 bệnh viện ghép tạng đã thực hiện chẩn đoán chết não về hiến tặng mô tạng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024 đã có 12 người hiến chết não - bằng cả năm 2023, cho thấy hiệu quả của các mạng lưới tư vấn hiến tạng này, cũng như việc truyền thông hiến mô, tạng trong công chúng.
Bên cạnh đó, dự kiến công tác hiến, ghép bộ phận cơ thể người sẽ được đưa vào chương trình đào tạo thường quy tại Đại học Y Hà Nội. Nội dung đào tạo gồm ghép tạng, hiến mô tạng, Luật hiến mô tạng, chết não, phát hiện và quản lý chết não tiềm năng…
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, một trong những mục tiêu lớn của việc giúp nhiều người dân hiểu về hiến tặng mô, tạng là phải đào tạo giới y khoa hiểu đúng, từ đó, các nhân viên y tế tự tin có đủ năng lực để lan tỏa nghĩa cử, hành vi đúng đó tới công chúng.
“Chúng ta có 500 nghìn cán bộ nhân viên y tế, chúng ta phải bắt đầu từ nhân viên y khoa. Chúng tôi đưa nội dung đào tạo khái niệm ghép tạng, hiến mô tạng, Luật Hiến mô tạng, chết não, phát hiện và quản lý chết não tiềm năng vào chương trình đào tạo thường quy của Đại học Y Hà Nội, sau đó mở rộng giảng dạy ở các trường đại học y khác” – PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết.
GS.TS Trịnh Hồng Sơn - nguyên Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người:
Cần thay đổi nhận thức về hiến tạng
Để thực hiện thành công ca ghép tạng cần có 4 yếu tố: Chuẩn bị người cho, chuẩn bị người nhận, chuẩn bị nhân lực kỹ thuật, theo dõi và chăm sóc sau ghép. Hiện nay, chúng ta đã làm khá tốt 3 trong 4 quy trình này. Chỉ còn duy nhất quy trình chuẩn bị người cho là yếu. Sự thiếu hiểu biết về chết não, mà đặc biệt là vấn đề về yếu tố văn hóa, truyền thống đang là rào cản lớn nhất của ghép tạng Việt Nam. Người đăng ký hiến tạng đã rất ít, nhưng có nhiều người khi còn sống đăng ký hiến tạng, đến khi chết, người nhà lại không đồng ý. Hơn nữa, việc vận động thân nhân người chết não hiến tạng lại cực kỳ khó khăn. Có khi ê-kíp bác sĩ ở trong phòng mổ đã sẵn sàng để ghép tạng, nhưng một thành viên trong gia đình lại không đồng ý, bác sĩ cũng đành bất lực.