Nhiều quy định mới về tuyển dụng công chức, kỷ luật cán bộ

Các thủ tục hành chính về thi, xét nâng ngạch công chức sẽ được bãi bỏ. Cùng với đó là chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc tại khu vực công.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Từ ngày 1/7/2025, Luật Cán bộ, công chức năm 2025 chính thức có hiệu lực. Chính phủ cũng ban hành 4 nghị định hướng dẫn thi hành có hiệu lực cùng thời điểm. Đây là việc quan trọng trong thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới công tác cán bộ, từng bước xây dựng nền công vụ năng động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.

Nghị định số 170/2025/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức

Nghị định tập trung sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, thay thế các nội dung liên quan đến: tuyển dụng công chức theo vị trí việc làm; đối tượng tiếp nhận vào công chức; bố trí vị trí việc làm đối với công chức được tuyển dụng, thay đổi vị trí việc làm và xếp ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm; chế độ thôi việc đối với công chức; trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý công chức thuộc thẩm quyền quản lý.

Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định 170 là quy định cụ thể các trường hợp thực hiện xét tuyển công chức để cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng thực hiện thuận lợi trong thực tiễn; đồng thời giảm thiểu thủ tục hành chính trong tuyển dụng.

Nghị định quy định, việc tuyển dụng công chức thông qua hình thức xét tuyển do cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định và được thực hiện riêng đối với từng nhóm đối tượng sau: Người cam kết tình nguyện làm việc từ đủ 5 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học; sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng thuộc đối tượng thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng.

Nghị định 170 cũng bổ sung trường hợp được tiếp nhận vào công chức là chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư giỏi, doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp; người công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị mà không phải là công chức, phù hợp với quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2025 trong việc thực hiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và người có kinh nghiệm, đáp ứng ngay yêu cầu công việc vào làm việc tại khu vực công.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính, Nghị định 170 không quy định về thi, xét nâng ngạch công chức, các thủ tục hành chính về thi, xét nâng ngạch công chức sẽ được bãi bỏ; đồng thời giảm thiểu các hình thức quy định khi tuyển dụng công chức.

Nghị định quy định không phải lập hồ sơ bổ nhiệm theo quy định trong trường hợp đổi tên cơ quan, tổ chức, đơn vị mà không thay đổi mô hình tổ chức. Cấp có thẩm quyền quyết định thay đổi chức vụ theo vị trí việc làm mới tương ứng; thời hạn giữ chức vụ tính theo quyết định bổ nhiệm cũ (không phải thực hiện quy trình bổ nhiệm và không phải lập hồ sơ bổ nhiệm theo quy định).

Nghị định 171/2025/NĐ-CP quy định về đào tạo, bồi dưỡng công chức

Với quan điểm lấy học viên làm trung tâm, giảm tối đa các loại chứng chỉ chương trình bồi dưỡng không thiết thực; Nghị định 171 yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào vị trí việc làm gắn với công tác sử dụng.

Về điều kiện cử đi đào tạo sau đại học, Nghị định nêu rõ: công chức có thời gian công tác từ đủ 3 năm trở lên và 2 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; công chức không quá 45 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu; công chức có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị cử đi đào tạo sau đại học sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 3 lần thời gian đào tạo; chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.

Công chức được cử đi đào tạo sau đại học bằng nguồn ngân sách Nhà nước hoặc nguồn kinh phí của cơ quan quản lý, đơn vị thì phải đền bù chi phí đào tạo khi: tự ý bỏ học, bỏ việc trong thời gian đào tạo; thực hiện hình thức kỷ luật buộc thôi việc theo quy định; không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp; bỏ việc, bị kỷ luật buộc thôi việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết.

Nghị định số 172/2025/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức

Nghị định quy định 3 trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật (thay vì 4 trường hợp như trước), gồm:

Cán bộ, công chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Cán bộ, công chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vợ không thể nuôi con vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật về tình trạng khẩn cấp) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người có hành vi vi phạm có văn bản đề nghị xem xét xử lý kỷ luật.

Cán bộ, công chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật; trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Trước đó, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định trường hợp "cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép" cũng thuộc trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật.

Nghị định 172 cũng quy định rõ, trường hợp vi phạm có một hoặc một số tình tiết sau thì được miễn kỷ luật:

Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi có hành vi vi phạm; phải chấp hành quyết định của cấp trên theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức năm 2025; được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật về tình trạng khẩn cấp khi thi hành công vụ.

Đã thực hiện theo đúng quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, không vụ lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhưng có gây ra thiệt hại vì lý do khách quan; thực hiện đề xuất về đổi mới, sáng tạo được cơ quan có thẩm quyền cho phép và được cấp có thẩm quyền xác định đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung nhưng có thiệt hại xảy ra; có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời.

Như vậy, so với các nghị định trước đây, Nghị định 172 đã bổ sung các trường hợp để thể chế hóa Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 của Chính phủ và Luật Cán bộ, công chức năm 2025 về cơ chế khuyến khích dám nghĩ, dám làm.

Nghị định số 173/2025/NĐ-CP về hợp đồng thực hiện nhiệm vụ của công chức

Nghị định là cơ chế mới quan trọng nhằm thu hút nhân tài ngoài hệ thống hành chính Nhà nước. Các công việc được thực hiện thông qua ký hợp đồng gồm:

Thứ nhất, công việc thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý mang tính chất chiến lược, đột xuất, cấp bách, không thường xuyên như tổ chức xây dựng chính sách, hoạch định chính sách, chiến lược, chương trình, đề án khoa học, kinh tế, công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ số, phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số quốc gia, cải cách thể chế.

Tổ chức triển khai hoặc giám sát thực hiện các chương trình, đề án thí điểm về công nghệ, chính sách đột phá; tổ chức triển khai các nhiệm vụ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp địa phương về thực thi pháp luật, phát triển hệ thống dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn...

Thứ hai, công việc thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ có tính chất đặc thù, chuyên sâu, yêu cầu trình độ cao hoặc mang tính thời vụ, không thường xuyên như ứng dụng thực hiện chuyển đổi số; xây dựng dữ liệu lớn, hệ thống phân tích dữ liệu, mô hình dự báo, trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực quản trị công, kinh tế - xã hội, cải cách hành chính...

Thứ ba, công việc chuyên môn, nghiệp vụ hoặc hỗ trợ phục vụ mà nguồn nhân lực hiện có chưa đáp ứng được, nhằm phục vụ nội bộ cho hoạt động cơ quan, tổ chức, đơn vị do người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức quyết định theo yều cầu thực hiện kế hoạch công tác.

Nghị định cũng quy định cụ thể các đối tượng ký hợp đồng phù hợp với các công việc trên, gồm nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc trong các lĩnh vực phù hợp với nhiệm vụ; luật gia, luật sư, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, lĩnh vực phù hợp với nhiệm vụ...

Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nhieu-quy-dinh-moi-ve-tuyen-dung-cong-chuc-ky-luat-can-bo-43375.html
Zalo