Nhiều quốc gia bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt
Bão, lũ đang hoành hành nhiều quốc gia trên thế giới. Trong khi tại châu Á, Trung Quốc đang nỗ lực khắc phục hậu quả của bão Yagi thì người dân nước Mỹ lại đang gấp rút gia cố nhà cửa để đón bão Francine và các quốc gia thuộc khu vực Bắc Phi khô cằn lại bị nhấn chìm trong nước lũ.
Lũ lụt tấn công khu vực Bắc Phi và Tây Phi
Bão lũ đang hoành hành nhiều quốc gia trên thế giới từ châu Á, châu Phi tới Châu Mỹ, cướp đi sinh mạng của nhiều người, gây lũ lụt, lở đất, phá hủy nhà cửa và cô lập cộng đồng dân cư ở nhiều nơi. Các quốc gia thuộc khu vực Bắc Phi khô cằn như Maroc và Algeria giờ đây cũng đang chìm trong nước lũ. Trong khi đó, Nigeria quốc gia thuộc tây Phi cũng đang trải qua tháng cuối cùng của mùa mưa với những cơn mưa như trút.
Những trận mưa xối xả đã tấn công vùng núi và sa mạc khô cằn ở Bắc Phi cuối tuần qua. Nước mênh mông nhấn chìm thành phố Ouarzazate, thủ phủ của miền Nam Maroc. Các gia đình ở đây phải lội qua nước lũ. Người bế trẻ em, người dìu người già. Họ mang theo đồ đạc để tới vùng đất cao hơn. Lũ lụt lại một lần nữa tàn phá một số khu vực từng xảy ra trận động đất chết người cách đây một năm. Các tỉnh phía nam Maroc như Tata, Tiznit, Errachidia, Tinghir và Taroudant cũng trong tình trạng tương tự.
Theo Reuters, ít nhất 18 đã thiệt mạng và 4 người khác đang mất tích, trong đó có 3 công dân nước ngoài đến từ Tây Ban Nha, Canada và Peru. Lũ lụt đã phá hủy 56 ngôi nhà và làm hư hại 110 con đường. Lưới điện, nguồn cung cấp nước uống và mạng điện thoại cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chính phủ Maroc đã huy động các đội cứu hộ, khẩn trương tìm kiếm những người bị mắc kẹt trong các ngôi nhà bị sập do lũ lụt và lở đất. Trước đó, người phát ngôn Bộ Nội vụ Maroc, ông Rachid El - Khalifi cho biết lượng mưa ghi nhận chỉ trong 2 ngày đã chiếm gần một nửa lượng mưa hàng năm của khu vực miền Nam nước này. Ông cho biết thêm khả năng tiếp cận các vùng bị ngập lụt rất khó khăn và kêu gọi người dân và du khách hãy thận trọng.
Mưa lớn cũng đã tấn công tỉnh Bechar ở phía tây nam Algeria gây ra lũ quét trên khắp khu vực khiến ít nhất 2 người thiệt mạng. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Algeria cho biết lũ lụt đã cuốn trôi cây cầu, nhà cửa, cửa hàng và khiến một số tuyến đường sắt phải ngừng hoạt động hoàn toàn. Nhà chức trách nước này đã cử đội cứu hộ gồm 2.200 người trợ giúp người dân. Mưa lớn cũng làm mực nước các con sông lên mức báo động ở các tỉnh Siliana và Beja ở phía tây bắc, cũng như Sidi Bouzid và thành phố Bouficha ở miền Trung đất nước. Văn phòng Khí tượng Quốc gia Algeria cũng đã cảnh báo người dân về lũ lụt có nguy cơ xảy ra ở một số tỉnh phía Tây nước này.
Trong khi đó tại Tây Phi, những trận mưa như trút làm vỡ đập Alau ở thành phố Maiduguri, phía bắc Nigeria bị vỡ. Hàng ngày, mọi người đã phải sơ tán sau khi nước lũ dâng cao.
“Nước bất ngờ đã cuốn trôi chợ, nhà cửa của chúng tôi; người dân phải di tản khắp nơi và không có hy vọng quay về. Chúng tôi đã mất đi tất cả”.
Ông Hausa Fulani, Người dân thàn phố Maiduguri
Một người dân khác ở Maiduguru, ông Patrick Onihan, đã mô tả những khoảnh khắc kinh hoàng này.
“Nửa đêm, chúng tôi bắt đầu nghe thấy âm thanh từ con đập. Trước khi nhận ra là đập bị vỡ thì nước đã tràn toàn bộ mặt bằng của ngôi nhà. Chúng tôi không biết phải làm gì tiếp theo. Nó giống như thảm họa năm 1994".
Ông Patrick Onihan, người dân thành phố Maiduguru
Vụ vỡ gần đây nhất của đập Alau xảy ra vào năm 1994, nhấn chìm gần một nửa thành phố Maiduguri. Sự cố mới nhất này đã làm sống lại ký ức về thảm họa đó.
Đợt lũ lụt mới nhất này đã giết hơn 80% động vật trong một vườn thú Công viên Sanda Kyarimi, bang Borno của Nigeria, nơi bảo tồn nhiều loài động vật hoang dã như sư tử, cá sấu, trâu rừng và đà điểu. Nhà chức trách Sở thú cũng kêu gọi người dân hãy cảnh giác vì một số động vật nguy hiểm như cá sấu và rắn đã bị lũ cuốn trôi vào các khu dân cư. Văn phòng Tổng thống Nigeria Bola Tinubu cho biết thảm họa đã ảnh hưởng đến các cơ sở khác ở thủ phủ bang Maiduguri, bao gồm bưu điện và bệnh viện, trường học, đồng thời yêu cầu người dân nhanh chóng sơ tán khỏi những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Các cơ quan cứu trợ đang huy động các nguồn lực, nhưng những thách thức về tiếp cận và quy mô di dời đang làm phức tạp thêm các nỗ lực này. Chính quyền Bang Borno đã kêu gọi sự hỗ trợ trong nước và quốc tế, kêu gọi hành động nhanh chóng để ngăn chặn thiệt hại thêm về người và tài sản.
Libya: 1 năm sau thảm họa bão Daniel
Cũng nằm ở khu vực Bắc Phi, đất Libya giờ đây vẫn đang nỗ lực khắc phục hậu quả của cơn bão Daniel, cơn bão gây chết chóc nhất thế giới trong vòng hơn 1 thập kỷ qua. Một năm đã trôi qua, nhưng kí ức về thảm kịch khủng khiếp này vẫn in đậm trong tâm trí người dân thành phố ven biển Derna của Lybia. Cơn bão quét qua Địa Trung Hải, làm vỡ hai con đập khiến cả một thành phố gần như bị xóa xổ.
Đêm 10/9 năm 2023, người dân thành phố Derna tỉnh giấc vì tiếng nổ lớn của hai con đập bị vỡ. Vụ vỡ đập giải phóng khoảng 30 triệu mét khối nước giống như một cơn sóng thần cao bằng ngôi nhà hai tầng, quét sạch hoàn toàn một số khu dân cư đường xá, cây cầu trên thành phố cảng. Ông Mohsen al-Sheikh (áo hồng), 52 tuổi đã mất 103 người thân trong trận lũ lụt kinh hoàng. Hiện tại gia đình ông chỉ còn lại một số ít thành viên sống sót sau cơn ác mộng này.
“Cháu trai tôi là người duy nhất trong gia đình sống sót. Vợ, con gái và con trai của nó đều chết trong đợt lũ”.
Ông Mohsen Al Sheikh, người dân thành phố Derna
Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Libya thống kê hơn 11.000 người đã thiệt mạng và 10.000 người khác mất tích trong trận lũ kinh hoàng này. Còn Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết có 4.000 người thiệt mạng và 9.000 người mất tích. 30.000 người khác phải di dời.
Những ngôi nhà ở khu vực lân cận Al-Maghar, nơi ông Al-Sheikh sinh sống, được xây dựng trên sườn đồi của một thung lũng vốn là lòng sông khô cằn. Chính nơi này đã trở thành đường ống hút dòng nước chết người. Những người sống sót đi lối cửa sau nhà để chạy lên vùng đất cao hơn.
Ông Shaker al-Hosany, cũng là một trong những người sống sót trong đợt lũ.
Derna, một thành phố đa sắc tộc, nơi sinh sống của các công dân gốc Thổ Nhĩ Kỳ, Andalucia và Cretan. Thành phố này từng được coi là trung tâm văn hóa của quốc gia Bắc Phi trong nhiều năm. Hơn một thập kỷ qua, thành phố 125.000 dân này đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi nội chiến, bất ổn và chia cắt. Nhưng cơn bão Daniel mới thực sự mang đến sự tàn phá nặng nề nhất cho thành phố.
Một báo cáo được công bố không lâu sau thảm họa cho thấy biến đổi khí hậu khiến lượng mưa do Bão Daniel gây ra tăng gấp 50 lần và dữ dội hơn 50%.
Sau thảm họa, người đứng đầu Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết thương vong có thể tránh được nếu Libya có một dịch vụ thời tiết có thể đưa ra cảnh báo sớm.
Hiện nay, cây cầu Al-Sahaba đang được xây dựng lại cùng với Nhà thờ Hồi giáo al-Sahaba ngay gần đó. Các nhà chức trách cũng đã hoàn thiện 800 căn hộ cho người mất nhà cửa do bão Daniel, đạt 60% kế hoạch tái thiết khu dân cư. Nhưng các nhà quan sát quốc tế đã cảnh báo rằng đất nước cần hỗ trợ hơn nữa để giúp thành phố ven biển trở lại cuộc sống bình thường.
Trung Quốc: Nỗ lực phòng chống lũ sau bão Yagi
Tại Châu Á, siêu bão Yagi, cơn bão mạnh nhất trong năm đã đi qua nhưng hoàn lưu bão vẫn gây ra nhiều hậu quả nặng nề đối với nhiều tỉnh ở Trung Quốc. Nhà chức tránh nước này đã đưa ra mức ứng phó khẩn cấp cấp độ 4 đối với nguy cơ xảy ra lũ lụt ở tỉnh Quảng Tây và Vân Nam sau khi mực nước của một số con sông ở hai tỉnh này có thể vượt mức báo động. Trong khi đó thành phố Trịnh Châu, miền Trung nước này lại một lần nữa chìm trong biển nước. Mưa lớn tiếp tục đổ xuống thành phố 13 triệu dân này, gây gián đoạn giao thông và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Theo chính quyền địa phương, bão Yagi đã hoành hành khắp khu vực Quảng Tây phía nam Trung Quốc, khiến mực nước sông Ung dâng cao tới 75,3 mét, đánh dấu đỉnh lũ cao nhất trên sông kể từ năm 2014. Đoạn phim được quay ở thành phố Nam Ninh tỉnh Quảng Tây cho thấy nước sông tràn bờ, nhấn chìm các tuyến đường, cây cối và biển báo xung quanh. Quảng trường và bến tàu cũng chìm trong nước.
“Tôi đã sống ở Quảng Tây được 11 năm. Và đây là lần đầu tiên tôi thấy mực nước sông Ung dâng cao như vậy. Hiện tại, mực nước đã lên tới khoảng 75 mét”.
Anh Lý Á Lâm, người dân địa phương
Hôm 9/8, chính quyền thành phố Nam Ninh đã ban hành cảnh báo khẩn cấp cấp độ III. Thành phố cũng đã đưa ra một loạt biện pháp bao gồm hoạt động cứu hộ, sơ tán và tái định cư cho những người bị ảnh hưởng. Người dân được khuyến cáo thận trọng và chuẩn bị ứng phó với các thảm họa thiên nhiên do mưa lớn có thể tiếp diễn trong hai ngày tới.
Trong khi đó, tại tỉnh Vân Nam, bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề đến cơ sở hạ tầng giao thông, gây sạt lở đất ở nhiều khu vực. Một số ngôi làng gần Khu hợp tác kinh tế Mohan-Boten bị ngập sâu. Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ và hướng dẫn các sở ban ngành địa phương quản lý an toàn các đập và hồ chứa trên địa bàn.
Mưa lớn xảy ra tại thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam đã khiến dịch vụ xe buýt và tàu ngầm tạm ngừng hoạt động. Chính quyền địa phương đã tiến hành đóng cửa các điểm du lịch, đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài để đảm bảo an toàn. Máy bơm nước đã được triển khai để ngăn chặn tình trạng ngập lụt ở các đường hầm. Các lối vào tàu điện ngầm được chặn bằng bao cát và tấm kim loại. Lực lượng chức năng đã được huy động để hỗ trợ người dân mắc kẹt do ảnh hưởng của mưa bão.
Cơn bão Yagi cũng gây ra cảnh lụt lột tại miền Bắc Thái Lan làm ít nhất hai người thiệt mạng, hàng trăm người bị mắc kẹt và khoảng 9.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng. Nhà chức trách Thái Lan cho biết nước sông dâng cao, làm ngập các khu định cư và gây lở đất. Tại huyện Mae Sai thuộc tỉnh Chiang Rai, giáp biên giới Myanmar, thuyền cao su không thể tiếp cận một số khu vực có hàng trăm người bị mắc kẹt và đang chờ trợ giúp.
“Nước lũ đã tràn vào cây cầu ở huyện Mae Sai và tràn vào làng Mueang Daeng. Một số bức tường bị sập, một số ngôi nhà bị ngập tới tận tận tầng 2. Mọi người phải trèo lên mái nhà. Đây là cảnh tượng chưa từng thấy trong ba thập kỷ qua”.
Người dân địa phương thị trấn Mae sai
Người dân Mỹ chuẩn bị đón bão Francine
Còn tại châu Mỹ, người dân lúc này đang khẩn trương chuẩn gia cố lại nhà cửa để đón bão nhiệt đới Francine. Theo Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ, bão Francine đã mạnh lên thành bão cấp 1 và có khả năng trở thành bão cấp 2 khi đổ vào bang Louisiana.
Cơ quan dự báo thời tiết có trụ sở tại Miami, cơn bão Francine đang ở cách thành phố Morgan, gần 560km với sức gió duy trì tối đa là 120km/h. Bão gây ra gió mạnh làm nước biển dâng cao tới 3m sẽ đe dọa tới tính mạng người dân ở thành phố ven biển của bang Louisiana. Cơn bão đang di chuyển khắp Vịnh Mexico, sẽ đổ bộ vào bang này vào ngày 11 tháng 9 theo giờ địa phương. Giới chức địa phương đã kêu gọi sơ tán bắt buộc với người dân ở các cộng đồng ven biển, đóng cửa các các trường học các các cơ sở dầu khí. Các bao cát cũng được phát cho người dân để gia cố nhà cửa.
“Chúng tôi ra đây lấy cát để tránh bão vì năm 2016 chúng tôi đã gặp một cơn bão khủng khiếp cuối bay mọi thứ và bị ngập lụt khắp nơi”.
Anh Chavez Marshall, người dân bang Lousian
Thành phố New Orleans thuộc bang Louisiana đang chuẩn bị đóng cửa nhà ga và hoạt động đường sắt, trong đó các dịch vụ sẽ được nối lại vào ngày 12/9 sau khi đánh giá thiệt hại do bão Francine.
Các cảng ở bang Mississippi và bang Alabama - bao gồm cảng tại thành phố Pascagoula - cũng bắt đầu chuẩn bị ứng phó với bão nhưng vẫn mở cửa vào ngày 10/9. Sau khi đổ bộ, tâm bão Francine dự kiến sẽ di chuyển vào bang Mississippi vào đêm 11/9 hoặc ngày 12/9 theo giờ địa phương.
Xu thế nền nhiệt toàn cầu tăng cao khiến bão lũ gia tăng, và hậu quả của mỗi trận bão lũ thường rất nghiêm trọng. Các quốc gia cần có những cảnh báo kịp thời và các biện pháp phòng chống lũ sau bão để giảm bớt thiệt hại về cơ sở hạ tầng và con người. Quý vị và các bạn thân mến, bản tin Nhìn ra thế giới của chúng tôi kết thúc tại đây. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi.