Nhiều nước lên án kế hoạch của Israel nhằm tăng gấp đôi dân số ở Cao nguyên Golan

Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia khác đã mạnh mẽ chỉ trích kế hoạch của Israel nhằm tăng gấp đôi dân số tại vùng đất bị chiếm đóng Cao nguyên Golan.

Kế hoạch của Israel được đưa ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại về các hành động của nước này tại Syria, đặc biệt sau sự sụp đổ của chính quyền Bashar al-Assad.

Cao nguyên Golan, một vùng đất chiến lược phía tây nam Syria, đã bị Israel chiếm giữ trong cuộc chiến sáu ngày năm 1967. Đến năm 1981, Israel tuyên bố sáp nhập khu vực này, nhưng hầu hết các quốc gia không công nhận chủ quyền của Israel tại đây. Chỉ đến năm 2019, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump mới chính thức công nhận sự sáp nhập này.

Hiện tại, khu vực này có khoảng 50.000 cư dân, bao gồm cả người Do Thái định cư và người Druze, một nhóm dân tộc thiểu số nói tiếng Ả Rập. Kế hoạch mới của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhằm tăng dân số tại đây được tuyên bố là một phần trong chiến lược củng cố quyền kiểm soát lãnh thổ.

Ông Netanyahu phát biểu: "Tăng cường hiện diện tại Cao nguyên Golan là tăng cường an ninh quốc gia Israel, đặc biệt trong thời điểm hiện tại".

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng kế hoạch này vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và làm suy yếu các nỗ lực mang lại ổn định cho Syria sau khi chính quyền Assad sụp đổ. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh: "Quyết định này là một bước mới trong mục tiêu mở rộng lãnh thổ của Israel thông qua chiếm đóng và đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của Syria".

Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Đức - một đồng minh quan trọng của Israel tại châu Âu - cũng lên tiếng phản đối. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố: "Dưới góc độ luật pháp quốc tế, khu vực này thuộc về Syria và Israel là lực lượng chiếm đóng. Chúng tôi kêu gọi Israel từ bỏ kế hoạch này".

Ai Cập cũng bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ, xem đây là hành động vi phạm chủ quyền của Syria.

Trong khi đó, Israel tiếp tục thực hiện các cuộc không kích nhắm vào cơ sở hạ tầng quân sự tại Syria, đặc biệt là các kho tên lửa và căn cứ quân sự cũ của chính quyền Assad. Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), đây là đợt tấn công dữ dội nhất tại khu vực bờ biển Syria kể từ năm 2012.

Israel lập luận rằng những hành động này nhằm ngăn chặn các loại vũ khí nguy hiểm rơi vào tay các lực lượng khủng bố. Tuy nhiên, nhiều quốc gia kêu gọi các bên liên quan thể hiện sự kiềm chế để tránh làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Sự sụp đổ của chính quyền Assad đã khiến các cường quốc trong khu vực, bao gồm Israel, tăng cường sự hiện diện quân sự tại Syria. Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác nhấn mạnh rằng Syria đã chịu quá nhiều tổn thất do xung đột và cần được đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ.

Cao Phong (theo Guardian, Bangkok Post)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhieu-nuoc-len-an-ke-hoach-cua-israel-nham-tang-gap-doi-dan-so-o-cao-nguyen-golan-post325973.html
Zalo