Nhiều nước khẩn trương đưa đội cứu hộ và hàng viện trợ đến Myanmar
Chính quyền quân sự Myanmar đã cho phép hàng trăm nhân viên cứu hộ nước ngoài vào nước này để hỗ trợ, khi số người thiệt mạng trong trận động đất vừa qua đã lên đến hơn 1.600.

Lực lượng cứu hộ Myanmar tìm kiếm những người sống sót sau trận động đất bên dưới một tòa nhà bị hư hại ở Naypyitaw, ngày 29/3. (Ảnh: AP)
Trận động đất mạnh 7,7 độ ngày 28/3 là một trong những trận động đất mạnh nhất ở Myanmar trong thế kỷ qua, làm tê liệt các sân bay, cầu và đường cao tốc, trong bối cảnh cuộc nội chiến tàn phá nền kinh tế.
Ngày 29/3, chính quyền quân sự Myanmar thông báo số người thiệt mạng ở nước này tăng lên 1.644 người.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính số người thiệt mạng ở Myanmar có thể lên đến hơn 10.000 và thiệt hại có thể lớn hơn tổng sản lượng kinh tế hằng năm của nước này.
Tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, những người sống sót phải dùng tay không đào bới trong nỗ lực tuyệt vọng tìm những người mắc kẹt, vì thiếu máy móc hạng nặng và hỗ trợ từ chính quyền.
Cảnh tượng ở Mandalay sau trận động đất. (Nguồn: Viory)
Một ngày sau khi kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ, tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar, đã đến Mandalay, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì nằm gần tâm chấn của trận động đất.
Báo cáo ban đầu từ Chính phủ Thống nhất quốc gia (NUG) - phe đối lập của Myanmar, cho biết ít nhất 2.900 tòa nhà, 30 con đường và 7 cây cầu đã bị hư hại do trận động đất.
“Do thiệt hại nghiêm trọng, các sân bay quốc tế tại Naypyitaw và Mandalay tạm thời đóng cửa,” NUG cho biết. NUG bao gồm các thành viên của chính quyền dân sự bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2021.
Reuters dẫn nguồn tin cho biết, tháp kiểm soát không lưu của sân bay ở thủ đô Naypyitaw đã sập, khiến sân bay không thể hoạt động.
Một đội cứu hộ Trung Quốc đã đến sân bay ở Yangon, cách Mandalay và Naypyitaw hàng trăm kilomet, và sẽ di chuyển đến các khu vực bị ảnh hưởng bằng xe buýt, truyền thông nhà nước đưa tin.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar, Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar cho biết.
Ông Tập thông báo Bắc Kinh sẽ viện trợ 13,77 triệu USD, bao gồm lều, chăn màn và bộ dụng cụ y tế khẩn cấp.
Dù có quan hệ lạnh nhạt với chính quyền quân sự và vẫn trừng phạt các quan chức Myanmar, bao gồm tướng Min Aung Hlaing, Mỹ cho biết sẽ hỗ trợ nhân đạo.
Các chuyến hàng viện trợ từ Ấn Độ đã được đưa đến Yangon bằng máy bay quân sự, truyền thông nhà nước Myanmar đưa tin. Chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ điều tàu chở 40 tấn hàng cứu trợ.
Nga, Malaysia và Singapore cũng sẽ gửi hàng viện trợ và nhân viên cứu hộ đến Myanmar.
Asean khẳng định sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ và phục hồi. Hàn Quốc thông báo sẽ cung cấp gói viện trợ nhân đạo ban đầu trị giá 2 triệu USD cho Myanmar thông qua các tổ chức quốc tế.
Tại nước láng giềng Thái Lan, nơi trận động đất làm rung chuyển các tòa nhà và khiến một tòa nhà cao tầng đang xây dở ở thủ đô Bangkok đổ sụp, ít nhất 9 người đã thiệt mạng.
Các hoạt động cứu hộ vẫn tiếp diễn tại hiện trường sập tòa tháp 33 tầng ở Bangkok, nơi 47 người vẫn mắc kẹt dưới đống đổ nát, trong đó có cả nhóm công nhân từ Myanmar.
Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) cho biết, các hoạt động nhân đạo tại Myanmar đang bị cản trở do đường sá và cơ sở hạ tầng hư hỏng.
“Tuyến đường cao tốc Yangon - Naypyitaw - Mandalay bị hư hỏng đã gây gián đoạn giao thông, với các vết nứt và biến dạng bề mặt, buộc các xe buýt đường dài phải ngừng hoạt động", OCHA nêu trong một tuyên bố.
Các bệnh viện ở khu vực trung tâm và tây bắc Myanmar đang chật vật với số lượng lớn người bị thương do trận động đất, cơ quan này cho biết.
Mười bảy xe tải chở hàng viện trợ, bao gồm vật liệu che chắn và vật tư y tế, dự kiến sẽ được đưa đến vào ngày 30/3, để giải quyết tình trạng thiếu hụt thuốc men, bao gồm túi máu và thuốc gây mê.