Nhiều nước kêu gọi xuống thang căng thẳng ở Trung Đông

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Jordan Ayman Safadi kết thúc chuyến thăm hiếm hoi tới Iran hôm 4-8 với lời kêu gọi chấm dứt leo thang bạo lực và để khu vực này có thể sống trong 'hòa bình, an ninh và ổn định'.

Trước đó, tại cuộc hội đàm với Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian, ông Safadi chỉ trích gay gắt vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh tại thủ đô Tehran - Iran. Quan chức này cũng kêu gọi các hành động hiệu quả hơn để chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Dải Gaza và bảo vệ toàn bộ khu vực khỏi hậu quả tiềm tàng của một cuộc xung đột lan rộng.

Cùng ngày, nhóm 7 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) thúc giục sự kiềm chế và xuống thang ở Trung Đông khi nhận định các sự kiện gần đây đe dọa gây ra một cuộc xung đột rộng lớn hơn tại đó. Tuyên bố của G7 cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan không tiếp tục vòng xoáy bạo lực trả đũa hiện nay.

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian (phải) tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Jordan Ayman Safadi tại Tehran hôm 4-8. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian (phải) tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Jordan Ayman Safadi tại Tehran hôm 4-8. Ảnh: REUTERS

Một loạt động thái ngoại giao nói trên diễn ra theo sau các cuộc tiếp xúc liên tục giữa Mỹ và các đối tác, trong đó có Pháp, Anh, Ý và Ai Cập nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Bên cạnh đó, Nhà Trắng hôm 4-8 cho biết Mỹ đang gia tăng sức mạnh quân sự ở Trung Đông như một biện pháp phòng thủ với mục tiêu giảm căng thẳng trong khu vực.

Trả lời phỏng vấn đài CBS, Phó Cố vấn An ninh quốc gia của Nhà Trắng Jonathan Finer nhắc lại sự việc Iran tấn công Israel bằng hàng trăm quả rốc-két hồi tháng 4 và nhấn mạnh Mỹ muốn chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống tái diễn vụ việc tương tự.

Nỗi lo về nguy cơ Iran tấn công trả đũa đang gây nhiều xáo trộn tại Israel. Mới nhất, theo tờ The New York Times, một số hãng hàng không như Delta Airlines, United Airlines (Mỹ), Lufthansa (Đức), Aegean Airlines (Hy Lạp)… đã đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Israel.

Theo một quan chức Israel giấu tên, diễn biến này đã khiến hàng chục ngàn người không thể về nước. Ở chiều ngược lại, nhiều nước - trong đó có Anh, Canada, Pháp, Mỹ… - đang thúc giục công dân rời Lebanon lập tức do lo ngại nguy cơ xung đột lan rộng.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhieu-nuoc-keu-goi-xuong-thang-cang-thang-o-trung-dong-196240805204857359.htm
Zalo