Nhiều nước hứng chịu mức thuế 'khủng' giữa thảm họa và bất ổn

Myanmar, Campuchia và Lào chịu mức thuế trên 40%, nhưng các chuyên gia cho rằng mục tiêu thực sự mà Mỹ nhắm đến có thể là Trung Quốc.

Nhiều quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á, bao gồm Myanmar - nơi đang chìm trong xung đột và chịu ảnh hưởng của động đất - cùng một số nước châu Phi, đang nằm trong danh sách các đối tác thương mại bị Mỹ áp mức thuế cao từ ông Trump, the Guardian.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa gây chấn động khi tuyên bố một loạt mức thuế mới vào ngày 2/4 (giờ Mỹ), lật ngược chính sách thương mại hàng thập kỷ qua của Washington và đe dọa châm ngòi một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Ông Trump cho biết động thái này nhằm ngăn chặn nền kinh tế Mỹ khỏi bị "lừa gạt".

"Đây là một trong những ngày quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ, là một bản tuyên ngôn độc lập về kinh tế của chúng tôi! ", ông Trump tuyên bố đầy tự hào.

Ông còn gọi ngày này là “Ngày Giải phóng”, nhưng thực tế, quyết định này đang đẩy những nền kinh tế yếu nhất thế giới vào thế khó.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng với nhiều quốc gia vào chiều ngày 2/4 tại Vườn Hồng, Nhà Trắng. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng với nhiều quốc gia vào chiều ngày 2/4 tại Vườn Hồng, Nhà Trắng. Ảnh: Reuters.

Mục tiêu thực sự là Trung Quốc?

Một số chuyên gia cho rằng mục tiêu thực sự của ông Trump chính là Trung Quốc - bằng cách đánh vào các nước có dòng vốn đầu tư mạnh từ Bắc Kinh, bất chấp tình trạng kinh tế hay chính trị của quốc gia đó.

Trong những năm gần đây, nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đã di dời sang các nước Đông Nam Á như Campuchia không chỉ để tiết kiệm chi phí mà còn để né tránh thuế quan từ Mỹ.

Mức thuế mới cũng giáng một đòn mạnh vào khu vực này trong bối cảnh nhiều quốc gia nơi đây đang lao đao vì việc Mỹ cắt giảm viện trợ USAID - nguồn hỗ trợ quan trọng giúp các nước trong khu vực ứng phó thiên tai và tiếp sức cho các nhà hoạt động dân chủ đấu tranh chống lại các chế độ áp bức.

Campuchia, một nền kinh tế đang phát triển với 17,8% dân số sống dưới mức nghèo khổ (theo Ngân hàng Phát triển Châu Á - ADB), là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất, với mức thuế lên tới 49%. Hơn một nửa số nhà máy tại Campuchia được cho là do Trung Quốc sở hữu, trong đó xuất khẩu chủ yếu là dệt may và giày dép.

Đứng ngay sau Campuchia là Lào - quốc gia từng bị Mỹ ném bom dữ dội trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh - với mức thuế 48%. Theo ADB, tỷ lệ nghèo đói tại Lào hiện vào khoảng 18,3%.

Trong khi đó, Myanmar - quốc gia vừa hứng chịu trận động đất kinh hoàng hôm 28/3 và chìm trong nội chiến kéo dài từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021 - cũng bị áp thuế 44%.

 Myanmar - quốc gia vừa hứng chịu trận động đất kinh hoàng và nhiều năm nội chiến - phải chịu mức thuế 44%. Ảnh: Reuters.

Myanmar - quốc gia vừa hứng chịu trận động đất kinh hoàng và nhiều năm nội chiến - phải chịu mức thuế 44%. Ảnh: Reuters.

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, bị đánh thuế 32%, trong khi Thái Lan - nền kinh tế lớn thứ hai khu vực - chịu mức thuế 36%.

Với Trung Quốc, đối thủ lớn nhất của Mỹ trên trường thương mại, Washington tiếp tục gia tăng áp lực khi áp thuế đối ứng 34% lên hàng hóa từ Bắc Kinh, ngoài mức thuế 20% đã có trước đó.

Theo tiến sĩ Siwage Dharma Negara, chuyên gia cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), mục tiêu thực sự của chính quyền Trump là Trung Quốc, nhưng cách tiếp cận của họ lại giáng đòn vào cả các nước Đông Nam Á.

"Họ nghĩ rằng bằng cách nhắm vào các nước như Campuchia, Lào, Myanmar, Indonesia - nơi Trung Quốc có nhiều khoản đầu tư - họ có thể làm tổn hại nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng thực tế, điều này sẽ tác động nghiêm trọng đến các nước này, vì dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc tạo ra việc làm và nguồn thu xuất khẩu", ông nhận định.

Già néo đứt dây

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cũng cho rằng, đối với những nước như Indonesia, mức thuế này có thể phản tác dụng.

"Một số thương hiệu giày dép, may mặc nổi tiếng như Nike hay Adidas đều là công ty Mỹ nhưng có nhà máy tại Indonesia. Liệu họ có phải chịu mức thuế này không?", ông Negara đặt câu hỏi.

Stephen Olson, cựu nhà đàm phán thương mại Mỹ, cảnh báo các quốc gia Đông Nam Á có thể sẽ đánh giá lại mối quan hệ với Washington.

"Kết quả có thể là họ sẽ ngả về phía Trung Quốc hơn. Rất khó để duy trì một mối quan hệ hợp tác khi Mỹ vừa giáng một cú đòn nặng nề vào họ", ông Olson nhận định.

"Mỹ - nền kinh tế nhập khẩu lớn nhất thế giới - về cơ bản đang treo tấm biển ‘Đóng cửa kinh doanh’ ngay tại biên giới của mình", ông nói.

“Giờ đây, có hai kịch bản khả thi: Hoặc các đối tác thương mại bị ảnh hưởng sẽ kiên quyết đáp trả, hy vọng Trump phải nhượng bộ, hoặc họ sẽ tìm cách thương lượng để né tránh thuế. Nhưng khả năng cao, cả hai hướng đi đều không mang lại kết quả tốt", ông Olson cho biết thêm.

 Trung Quốc cùng các nước trong khu vực châu Á, châu Phi nằm trong số các quốc gia bị áp thuế đối ứng cao nhất của ông Trump. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc cùng các nước trong khu vực châu Á, châu Phi nằm trong số các quốc gia bị áp thuế đối ứng cao nhất của ông Trump. Ảnh: Reuters.

Không chỉ Đông Nam Á, nhiều quốc gia châu Phi cũng nằm trong danh sách chịu thuế cao nhất. Lesotho - đất nước mà Trump từng chế giễu là “chẳng ai biết tới” - bị áp thuế 50%. Madagascar chịu 47%, còn Botswana là 37%. Đáng chú ý, Lesotho là quốc gia có tỷ lệ nhiễm HIV cao thứ hai thế giới, với gần 1/4 dân số trưởng thành dương tính với HIV.

Tại Nam Á, Sri Lanka cũng chịu mức thuế 44%, trong khi Serbia ở châu Âu bị áp 37%.

Ngoài thuế đối ứng đối với hàng chục quốc gia, ông Trump còn áp dụng thuế nhập khẩu chung 10% lên tất cả hàng hóa nhập vào Mỹ, có hiệu lực từ ngày 5/4, trong khi thuế đối ứng sẽ bắt đầu từ ngày 9/4.

Tổng thống Mỹ biện minh cho quyết định của mình bằng lý do "trả đũa" các quốc gia mà ông cho là đã "lừa gạt" Mỹ suốt nhiều năm qua. Ông khẳng định chính sách thuế này sẽ giúp mang việc làm quay trở lại nước Mỹ.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo đây là một canh bạc rủi ro cao, có thể đẩy giá cả tăng vọt, đe dọa việc làm, kìm hãm tăng trưởng và cô lập Mỹ khỏi hệ thống thương mại toàn cầu mà chính nước này từng dẫn dắt trong nhiều thập kỷ.

"Đây là cách phá hoại động cơ kinh tế toàn cầu trong khi vẫn tuyên bố rằng bạn đang thúc đẩy nó", Nigel Green, CEO của tập đoàn tài chính deVere Group, nhận định.

"Thực tế phũ phàng là các mức thuế này sẽ đẩy giá lên cao đối với hàng nghìn sản phẩm tiêu dùng hàng ngày - từ điện thoại đến thực phẩm - khiến lạm phát vốn đã cao càng trở nên nghiêm trọng hơn", ông cảnh báo.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhieu-nuoc-hung-chiu-muc-thue-khung-giua-tham-hoa-va-bat-on-post1543202.html
Zalo