Nhiều nước Âu Mỹ thiếu năng lực sản xuất quân sự?
Các báo cáo cho biết, năng lực sản xuất hệ thống tên lửa Patriot ở Mỹ đang bị hạn chế do thiếu nguồn cung thiết bị dẫn đường. Trong khi tại châu Âu, sản lượng đạn pháo thực tế thấp hơn dự kiến do nhiều nguyên nhân như thiếu nguồn vốn và nguyên liệu.
Theo truyền thông nước ngoài, Mỹ đã phải hoãn kế hoạch tăng cường sản xuất hệ thống tên lửa Patriot ở Nhật Bản do nguồn cung thiết bị dẫn đường do Công ty Boeing sản xuất đang bị thiếu hụt. Vì vậy, ngày 24/ 7, Nhật Bản và Mỹ đã trao đổi các tài liệu liên quan về việc Nhật Bản cung cấp vũ khí và thiết bị cho Mỹ.
Vào ngày 28/7, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ chuyển giao một số tên lửa Patriot do Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản nắm giữ cho Mỹ với tổng số tiền là 3 tỷ yên (khoảng gần 20 triệu đô la Mỹ). Giới phân tích cho rằng mặc dù Nhật Bản bán một số tên lửa Patriot để đáp ứng nhu cầu tên lửa cấp bách của Mỹ, nhưng năng lực sản xuất quân sự thiếu hụt của Mỹ vẫn là một thực tế.
Tên lửa Patriot là hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung do Công ty Raytheon của Mỹ và Công ty Lockheed Martin sản xuất. Nó có thể được sử dụng để đánh chặn máy bay, tên lửa đạn đạo chiến thuật và tên lửa hành trình.
Trong những năm gần đây, khi xung đột khu vực ngày càng gia tăng, nhu cầu về tên lửa Patriot của các nước cũng không ngừng tăng lên. Do năng lực sản xuất hạn chế, mỗi năm Mỹ sản xuất được khoảng 450 hệ thống tên lửa Patriot, hơn một nửa trong số đó được cung cấp cho quân đội Mỹ.
Vào cuối năm 2023, với sự cho phép của Mỹ, Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi của Nhật Bản được cấp phép sản xuất các bộ hệ thống tên lửa Patriot hoàn chỉnh tại Nhật Bản để bán lại cho Mỹ. Tập đoàn này có kế hoạch tăng sản lượng tên lửa Patriot hàng năm ở Nhật Bản từ 30 lên khoảng 60 hệ thống. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị trì hoãn do Boeing không thể cung cấp đủ thiết bị dẫn đường cho tên lửa.
Mặc dù kế hoạch tăng cường sản xuất tên lửa Patriot của Nhật Bản đã bị gác lại do thiếu nguồn cung cấp thiết bị dẫn đường, nhưng ngay cả khi có đủ thiết bị này thì năng lực sản xuất hiện tại của Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi cũng không đủ để hỗ trợ cho kế hoạch tăng sản lượng, và dự kiến sẽ cần thêm ít nhất hàng chục triệu đô la để điều chỉnh dây chuyền sản xuất.
Được biết, Boeing bắt đầu mở rộng các nhà máy sản xuất liên quan vào năm 2023 để tăng cường năng lực sản xuất thiết bị dẫn đường của tên lửa Patriot, nhưng dây chuyền lắp ráp mới sẽ không được đưa vào sản xuất cho đến năm 2027. Vì thiết bị dẫn đường là thành phần quan trọng của vũ khí dẫn đường chính xác nên nếu không thể có đủ thiết bị dẫn đường tên lửa càng sớm càng tốt, Nhật Bản sẽ khó thực hiện kế hoạch tăng cường sản xuất tên lửa Patriot.
Vấn đề thiếu năng lực sản xuất không chỉ xảy ra ở Mỹ. Theo báo cáo, Ủy ban châu Âu cho biết tính đến tháng 1 năm nay, sản lượng đạn pháo 155mm hàng năm ở châu Âu đã đạt 1 triệu quả, và đến cuối năm 2024, sản lượng hàng năm dự kiến sẽ đạt 1,7 triệu quả.
Tuy nhiên, trang Business Insider của Mỹ hôm 9/7 nhận định những tuyên bố của châu Âu về khả năng sản xuất đạn pháo của nước này đã bị phóng đại nghiêm trọng. Một tài liệu nội bộ của Rheinmetall, nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Đức và là một trong những nhà sản xuất vũ khí lớn nhất châu Âu, cho thấy tính đến tháng 1 năm 2024, sản lượng đạn pháo 155mm hàng năm của EU trên thực tế là vào khoảng 550.000 quả đạn.
Điều này phù hợp với một báo cáo do Bộ Quốc phòng Estonia công bố vào cuối năm 2023, ước tính tổng sản lượng đạn pháo năm đó của châu Âu vào khoảng 480.000 đến 700.000 quả đạn.
Các nhà phân tích cho rằng năng lực sản xuất quân sự không đủ đã gây ra sự lo lắng lan rộng ở các nước châu Âu và Mỹ nhưng muốn đạt được sự cân bằng giữa cung và cầu thì cần phải giải quyết các vấn đề liên quan.
Thứ nhất, điều này đòi hỏi số tiền rất lớn và thời gian chờ đợi lâu. Vào tháng 3 năm nay, EU đã thông qua gói tài trợ trị giá 372 triệu euro (khoảng 400 triệu USD), với hy vọng tăng sản lượng đạn dược lên 2 triệu quả vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, châu Âu thiếu các nhà máy sản xuất đạn dược. Vì vậy các nước châu Âu phải tính đến việc khởi động lại các nhà máy bị đóng băng hoặc thậm chí xây dựng nhà máy mới. Công ty Rheinmetall của Đức có kế hoạch đầu tư vào một tổ hợp công nghiệp đạn dược mới, nhưng việc giao hàng dự kiến sẽ không thể bắt đầu cho đến năm 2027.
Thứ hai, chuỗi cung ứng công nghiệp rất mong manh. Chuỗi cung ứng của hệ thống công nghiệp châu Âu và Mỹ rất phức tạp và phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp nước ngoài. Một khi có vấn đề xảy ra ở một mắt xích nào đó, toàn bộ chuỗi cung ứng có thể bị tê liệt.
Ngoài ra, các công ty công nghiệp quân sự đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng, thiếu nguyên liệu thô để sản xuất chất nổ hiệu suất cao như nitrocellulose và Ammonium perchlorate, cũng như thiếu các quy định nghiêm ngặt về an toàn và môi trường. Ủy viên Thị trường nội bộ EU Thierry Breton nói với các phóng viên ở Paris hôm 1/3 rằng Pháp không thể sản xuất đủ tên lửa và đạn pháo cho lực lượng vũ trang của mình do thiếu nitrocellulose (thuốc súng). Trước đó, Tổng thống Pháp Macron cũng tuyên bố tại cuộc mít tinh của các đồng minh tổ chức ở Paris hôm 26/2 rằng châu Âu cần phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt một số thành phần, đặc biệt là thuốc súng.
Những điều này cũng hạn chế các nước châu Âu và Mỹ tăng cường năng lực sản xuất quân sự.