Do ảnh hưởng của báo số 2 và rìa rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió trên cao, từ ngày 22-29/7 trên địa bàn nhiều huyện của TP Hà Nội xảy ra mưa lớn (có nơi trên 479mm) khiến mực nước các sông Tích, sông Đáy, sông Bùi lên trên báo động 3 khiến nhiều nơi bị ngập úng. (Ảnh: Ngập úng kéo dài ở xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu, H.Quốc Oai, Hà Nội).
Theo báo cáo của UBND huyện Quốc Oai, tính đến 11h ngày 29/7, trên địa bàn huyện này ngập 789 ha cây nông nghiệp (609ha lúa, 52ha hoa màu, 128 cây ăn quả).
Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai - Hoàng Nguyên Ưng cho biết: "Khoảng 3 ngày nay, mưa ngập tại 5 điểm ở 5 xã, khiến khoảng hơn 500 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó điểm xóm Bến Vôi là 121 hộ dân là điểm ngập sâu nhất, hiện tại nước chưa rút và theo dự báo nước có thể dâng thêm".
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, tại xóm Bến Vôi và 4 điểm ngập còn lại là vùng trũng của cả vùng và thường xuyên xảy ra ngập úng vào mùa mưa lũ. Vì vậy ngay từ đầu năm, huyện đã chỉ đạo xã và các cơ quan có liên quan đã chuẩn bị các phương án, giúp bà con chủ động ứng phó với mưa lũ.
Mưa ngập trên địa bàn huyện Quốc Oai khiến 1 nam thanh niên tử vong khi đi qua ngầm. Ngập úng kéo dài khiến 531 hộ với 2546 nhân khẩu bị ảnh hưởng,...
Là một trong số những hộ dân bị nước lũ tràn vào nhà sâu nhất, anh Nguyễn Văn Ngọc (người dân xóm Bến Vôi) chia sẻ, 5 ngày qua, cuộc sống của gia đình anh bị đảo lộn do nhà bị nước ngập sâu, có vị trí khoảng 1 m.
"Vào khoảng 5 giờ sáng 24/7, nước lũ bỗng tràn vào nhà sau 1 ngày mưa lớn, lập tức anh gọi vợ dậy vận chuyển, kê cao đồ lên. Đến nay, đã gần 5 ngày nhưng nước lũ chưa có dấu hiệu rút. Gần như tất cả hoạt động của gia đình tôi đều phải dưới nước, chỉ còn duy nhất chiếc giường được cao hơn cả. Đêm đến hai vợ chồng ngủ trên đó vẫn lo lắng xem nước lũ có dâng lên không", anh Ngọc nói và cho hay, gia đình anh có 5 người thì chỉ có hai vợ chồng ở lại, các con đang di tản và sinh sống nhờ nhà người thân", anh Ngọc nhớ lại.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu cho biết, hiện trong xóm Bến Vôi có khoảng 121 hộ dân. Ngay sau khi nhận được thông tin nước lũ dâng cao do mưa lớn, chính quyền đã chỉ đạo người dân chủ động ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ".
"Ngôi làng bị nước lũ bao quanh tính đến nay đã 5 ngày. Hôm qua nước đã rút được khoảng 20 cm nhưng trời lại mưa lớn nên hôm nay nước đang có dấu hiệu dâng lên. Đến thời điểm này, địa phương chưa ghi nhận thiệt hại về người và tài sản", ông Dũng cho biết.
Ngập úng kéo dài, người lớn, trẻ con trong xóm Bến Vôi và các xóm khác trong xã rủ nhau đến khu vực này tắm.
Tại huyện Chương Mỹ, từ ngày 24/7 ghi nhận một số khu vực của huyện Chương Mỹ bắt đầu bị nước sông Bùi tràn vào. Một ngày sau, 11 xã, thị trấn của huyện bị ngập. Trong ảnh, thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, bị nước bủa vây, có vị trí giữa làng sâu hơn 2m.
Mưa kéo dài khiến 11 xã, 27 thôn, xóm của huyện Chương Mỹ bị ảnh hưởng. Trong đó, hơn 1.300 nhà dân bị ngập 0,5-2 m, hơn 1.100 hộ khác bị ngập lối đi. Hệ thống giao thông và thủy lợi cũng bị tàn phá nặng nề với 5,5 km đê bị ngập, 37 m bị sạt lở và hơn 160.000 m đường giao thông nông thôn, nội đồng bị ngập.
Theo thống kê đến ngày 28/7, Chương Mỹ ghi nhận hơn 1.600 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập, hơn 1.100 ha thủy sản bị cuốn trôi. Gần 1.900 gia súc, hơn 180.000 gia cầm bị ảnh hưởng.
Đến chiều 28/7, toàn huyện ghi nhận hơn 630 ha, chủ yếu là diện tích lúa bị ngập.
Anh Văn Phượng thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến đang đi gạt rác xung quanh nhà mình. "Nhà trước thì ngập tới nóc, nhà sau thì ngập hết tầng 1, cả nhà dọn hết lên tầng 2 để ở. Điện, nước đều bị cắt, muốn tắm rửa với vệ sinh là cả nhà phải đi nhờ nhà hàng xóm. Mong sao trời không mưa nữa để gia đình quay lại cuộc sống bình thường", anh Phượng nói.
Lực lượng chức năng của huyện Chương Mỹ hỗ trợ người dân di chuyển tài sản và tiếp ứng lương thực, thực phẩm...
Gia cố đê ở nhiều đoạn xung yếu tại huyện Chương Mỹ.
Huyện Chương Mỹ, Quốc Oai địa hình thấp, nằm trong vùng phân lũ của Hà Nội. Thời gian qua, địa bàn mưa lớn, kết hợp lũ từ thượng nguồn sông Bùi (tỉnh Hòa Bình) đổ về khiến nước dâng cao.
Văn Ngân/VOV.VN