Nhiều nguy hại từ thói quen ăn mặn

Nhiều người vẫn biết ăn mặn không tốt cho sức khỏe, nhưng lại không nghĩ thói quen này mang đến nhiều tác hại. Các bác sĩ khuyến cáo, mỗi người cần chủ động tìm hiểu, để có những thay đổi trong thói quen chế biến, ăn uống để có một cơ thể khỏe mạnh, nhất là với những người có những bệnh lý nền.

Ngành Y tế khuyến cáo người dân nên ăn ít muối để giảm nguy cơ mắc các bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận… Trong ảnh: Cán bộ Trạm Y tế phường Trung Thành (TP. Thái Nguyên) kiểm tra sức khỏe cho người dân.

Ngành Y tế khuyến cáo người dân nên ăn ít muối để giảm nguy cơ mắc các bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận… Trong ảnh: Cán bộ Trạm Y tế phường Trung Thành (TP. Thái Nguyên) kiểm tra sức khỏe cho người dân.

Theo bác sĩ Phạm Thị Lệ Thu, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên: Có rất nhiều tác hại từ việc ăn mặn, nhưng nhiều người lại không để ý đến điều đó. Hậu quả của việc này không đến ngay lập tức như với bệnh truyền nhiễm, mà diễn ra âm ỉ, từ từ nên nhiều người không thấy sợ.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều tác hại được ghi nhận đối với những người có thói quen ăn mặn. Điển hình là một số bệnh có liên quan, như: Tim mạch, thận, tăng huyết áp, ung thư dạ dày, đột quỵ, thần kinh cơ… Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc ăn mặn là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới 62% các ca đột quỵ não…

Muối là tên gọi dân dã của clorua natri (NaCl), là một loại gia vị không thể thiếu. Natri và clo - thành phần chủ yếu của muối là 2 nguyên tố có vai trò hết sức quan trọng trong cân bằng thể dịch trong cơ thể, sự tồn tại và hoạt động bình thường của tất cả các tế bào, hoạt động chức năng của tất cả các cơ quan và bộ phận trong cơ thể…

Tuy nhiên, thừa muối sẽ làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu, gây cảm giác khát, dẫn đến uống nước nhiều, giữ nước trong cơ thể gây tăng huyết áp. Cơ thể cũng tìm cách tăng đào thải natri qua nước tiểu, dẫn tới mất kali, canxi và nhiều khoáng chất khác. Ăn mặn cũng sẽ làm tăng cường độ làm việc của hệ thống tim mạch, thận và tiết niệu nên sớm dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan này.

Trước những nguy hại của việc ăn mặn có thể mang lại, mỗi người cần thiết phải có sự thay đổi trong cách chế biến và lựa chọn đồ ăn để không đưa vào cơ thể quá nhiều muối. Vậy, mỗi ngày, mỗi người bình ăn bao nhiêu lượng muối là đủ? Theo WHO, mỗi người không nên ăn quá 5g muối/ngày (tương đương với 1 thìa cà phê đầy). Còn với người đã có bệnh, không nên ăn quá 4g/ngày. Tuy nhiên, theo báo cáo giám sát mới nhất của cơ quan y tế, mặc dù mức độ tiêu thụ muối của người dân Việt Nam đã giảm từ 9,4g (năm 2015) xuống còn 8,4g/ngày (năm 2021), nhưng người Việt vẫn ăn mặn ở mức cao.

Trước những tác hại của việc ăn mặn mang lại, bác sĩ Lương Văn Hoan, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phú Tiến (Định Hóa), cho rằng: Khi thực hiện khám, phát thuốc cho người dân, đặc biệt là người cao tuổi, người có bệnh lý về tim mạch, huyết áp, chúng tôi đều căn dặn không ăn mặn và hướng dẫn cách ăn nhạt. Chúng tôi cũng phát tờ rơi tại Trạm để hướng dẫn chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người dân…

Để giảm lượng muối đưa vào cơ thể, thay vì các món kho, xào, dim, rang…, người dân nên ăn các món luộc, hấp nhiều hơn và khi chấm chỉ nên vừa đủ. Cần hạn chế tối đa các thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn như: đồ hộp, thịt xông khói, bim bim, xúc xích, mì tôm, dưa muối... Vì những loại đồ ăn này đều sử dụng lượng muối trên mức cần thiết để giúp bảo quản được lâu. Thay vào đó, người dân nên ăn những thức ăn tươi để khi chế biến, có thể cho lượng muối vừa đủ. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế sử dụng mì chính (bột ngọt) vì nó cũng chứa thành phần tương tự như muối…

Tạo thói quen ăn nhạt cho trẻ là một trong những biện pháp giúp phòng nhiều bệnh sau này.

Tạo thói quen ăn nhạt cho trẻ là một trong những biện pháp giúp phòng nhiều bệnh sau này.

Bà Vũ Thị Ươm, 75 tuổi, ở xóm Trung Tâm, xã Tân Khánh (Phú Bình), tuy chưa hiểu hết về tác hại của việc ăn mặn có thể gây ra, nhưng bà có thể kể ra một số bệnh rất “kỵ” với việc ăn mặn. Bà còn đọc cho chúng tôi “khẩu hiệu” được tuyên truyền tại Trạm Y tế của xã, đó là: “Hãy chấm nhẹ tay, giảm ngay đồ mặn”.

Bà Ươm chia sẻ: Cả tôi và ông nhà tôi đều bị huyết áp cao. Trước đây, tôi cũng có thói quen ăn mặn giống chồng, nhưng từ ngày huyết áp cao, khi đi khám được các bác sĩ thường xuyên nhắc nhở hạn chế ăn thịt, cũng như không ăn đồ mặn nên tôi đã dần thay đổi trong nấu nướng, ăn uống. Tôi ăn nhiều đồ luộc hơn, khi chấm cũng chỉ vừa đủ, không có bột canh vào nước rau luộc; các món xào cũng cho ít bột canh.

Ban đầu, ông nhà tôi không quen, cứ đòi cho thêm bột canh hoặc lấy thêm bát nước mắm để chấm, nhưng tôi cố gắng giải thích và cương quyết không nấu mặn nên dần dần, ông ấy đã thích nghi và trong bữa cơm của gia đình, nếu có món luộc, tôi cũng chỉ rót một chút nước mắm hoặc xì dầu, vừa không để thừa lãng phí, vừa không để chấm nhiều.. - bà Vũ Thị Ươm

Có thể thấy, việc thừa hay thiếu các chất cần thiết cho cơ thể đều gây ra những hệ lụy không tốt cho sức khỏe, trong đó có muối, đường, chất béo... Vì vậy, việc tìm hiểu các thông tin cần thiết liên quan đến chế độ ăn uống là điều rất cần thiết đối với mỗi người. Cùng với đó, các ngành chức năng đặc biệt là ngành y tế cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến công tác tuyên truyền để người dân hiểu sâu sắc hơn về tác hại của việc ăn mặn nói riêng, dư thừa các chất có trong thực phẩm nói riêng, từ đó mỗi người sẽ biết tự nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình, cũng như giảm gánh nặng về bệnh tật cho xã hội.

Hạ Liên

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/202501/nhieu-nguy-hai-tu-thoi-quen-an-man-fe1106f/
Zalo