Nhiều người trồng sầu riêng 'méo mặt', kém vui vì lý do này

Mưa kéo dài đúng vụ thu hoạch khiến nhiều hộ dân trồng sầu riêng 'méo mặt' bởi chất lượng quả giảm sút, sượng...,khiến giá sầu riêng cũng giảm hơn so với hồi đầu tháng 7.

Dù đang vào mùa thu hoạch chính vụ của sầu riêng nhưng nhiều nhà vườn tại Đắk Lắk lại không mấy vui mừng, bởi chất lượng sầu riêng giảm do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều.

Vào vụ thu hoạch nhưng sầu riêng bị sượng, dư nước

Ông Đào Tuấn (Krông Pắk, Đắk Lắk) sở hữu 200 cây sầu riêng, với 150 cây đang cho quả, dự kiến sản lượng thu hoạch khoảng 15 tấn. Tuy nhiên, vào tháng 7 vừa qua, tình trạng mưa và gió kéo dài hơn 20 ngày trên địa bàn tỉnh, đã khiến sầu riêng bị rụng sớm, số khác gặp tình trạng cơm sầu riêng bị nhạt, dư nước, sượng.

Ông Tuấn ước tính, sản lượng sầu riêng năm nay của gia đình giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với nỗi lo quả sầu riêng không đạt chất lượng, nhiều hộ nông dân còn cho biết, giá sầu riêng đang giảm dần.

Nếu như vào đầu tháng 7, giá sầu riêng Monthong (hay còn gọi là sầu Dona) loại 1 vượt mức 100.000 đồng/kg thì nay chỉ còn quanh mức 70.000 - 80.000 đồng. Giá thu mua sầu riêng Ri 6 cũng giảm quanh mức 55.000 - 58.000 đồng/kg, giảm khoảng 6.000 đồng/kg so với tháng trước đó.

Trao đổi với PLO, Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, thừa nhận nhiều hộ nông dân trồng sầu riêng tại đây đang đối mặt với tình trạng quả sầu riêng bị sượng, dư nước do những cơn mưa kéo dài hồi đầu vụ. Điều này cũng khiến nhiều nhà vườn bị giảm lợi nhuận.

 Mưa kéo dài khiến nhiều hộ nông dân trồng sầu riêng đối mặt với tình trạng chất lượng cơm sầu bị sượng, dư nước. Ảnh chụp màn hình trong một nhóm chuyên thu mua sầu riêng Tây Nguyên

Mưa kéo dài khiến nhiều hộ nông dân trồng sầu riêng đối mặt với tình trạng chất lượng cơm sầu bị sượng, dư nước. Ảnh chụp màn hình trong một nhóm chuyên thu mua sầu riêng Tây Nguyên

Tuy nhiên về lý do giá sầu riêng giảm, ông Côn cho rằng, không hẳn đến từ việc sầu riêng giảm chất lượng sau thu hoạch, mà là do vào vụ thu hoạch chính vụ, nguồn cung đã nhiều hơn so với hồi đầu tháng 7, nên giá về đúng so với thực tế. Hiện giá trung bình đối với Monthong loại 1 trên dưới 70.000 đồng/kg.

Ngoài ra các thương lái sẽ căn cứ vào chất lượng cơm của sầu riêng để thỏa thuận với nhà vườn, từ đó đưa ra mức thu mua hợp lý.

Anh Nguyễn Ngọc Sơn (Đắk Lắk), thương lái thu mua sầu riêng tại các tỉnh Tây Nguyên cũng cho biết, vựa anh vẫn đang thu Monthong hàng loại 1 (2.7 hộc, cân nặng từ 1,9- 5.2 kg) cao hơn so với mặt bằng chung, với giá 82.000 - 85.000 đồng/kg.

Với những hàng bị sượng, dư nước (hay còn gọi là sầu dạt) thì giá thu mua hiện nay chỉ dao động mức 30.000 - 40.000 đồng/kg đối với sầu riêng Monthong. Thậm chí một số vựa thu mua hàng "kem Thái, kem Ri 6", tức loại sầu riêng bị cắt non, sầu riêng bị rụng do bão, lấy cơm sầu làm kem, với giá từ 13.000 - 20.000 đồng/kg.

Đẩy mạnh sầu riêng sau chế biến

Theo ông Vũ Đức Côn, tác động của thiên nhiên đối với quá trình làm nông nghiệp là điều không thể tránh khỏi.

Về lâu dài, để khắc phục tình trạng sầu riêng bị dư nước, bị sượng, ảnh hưởng tới chất lượng hàng hóa xuất khẩu, theo ông Côn cần có sự chung tay của nhiều bên từ cơ quan chức năng, đơn vị nông nghiệp tới nông dân. Theo đó, cần tính tới công tác cải tiến giống, chất lượng canh tác, kỹ thuật chăm sóc, hoặc việc tính toán cho quả ra sớm hoặc muộn hơn thời điểm mưa của Tây Nguyên.

"Dù vậy, để tạo ra giá trị kinh tế bền vững đối với sầu riêng, theo tôi cần đẩy mạnh sầu riêng chế biến, cụ thể là sầu riêng cấp đông, phục vụ các yêu cầu chế biến chuyên sâu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Khi đó chúng ta sẽ không còn bị lệ thuộc vào thời gian mùa vụ, từ đó sầu riêng Đắk Lắk càng có ưu thế cạnh tranh với thị trường"- ông Côn bày tỏ.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết sầu riêng đang đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu rau quả. Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 1,3 tỉ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 65% tỉ trọng trong nhóm quả xuất khẩu.

Vụ mùa ở Tây Nguyên từ tháng 7 đến tháng 10 dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu loại quả này bứt phá hơn trong năm nay. Đến cuối năm, xuất khẩu sầu riêng có thể đạt khoảng 3 tỷ USD, mang lại nguồn thu lớn cho Việt Nam và cải thiện đời sống nông dân.

Hiện cơ quan chức năng Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất đàm phán kỹ thuật, dự tính sẽ sớm ký kết Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, mở ra thêm nhiều cơ hội cho loại nông sản này.

THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-nguoi-trong-sau-rieng-meo-mat-kem-vui-vi-ly-do-nay-post804937.html
Zalo