Nhiều người 'ngại' vào bến vì xe ôm liên tục đeo bám, làm phiền

Một bộ phận người dân thừa nhận 'ngại' ra/vào bến xe vì luôn bị một đội ngũ xe ôm hùng hậu tiếp cận để hỏi thăm, mời chào.

Ghi nhận của PV Báo Sức khỏe & Đời sống tại 1 số bến xe khách trên địa bàn Hà Nội, có thể thấy đây vẫn là những địa điểm tập trung đội ngũ xe ôm đông đảo nhất, bởi tại đây nhu cầu đi lại của người dân rất lớn, trong đó có không ít là người ngoại tỉnh.

Theo đó, tại bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), sẽ luôn có vài chục xe ôm thường trực bên ngoài cổng, xe máy dựng la liệt trên vỉa hè, một số tài xế xe ôm còn nhiệt tình vào tận bên trong bến, mời chào từng hành khách (đặc biệt là những người tay xách nách mang lỉnh kỉnh đồ đạc).

Đây cũng là nơi tập trung đủ các loại hình xe ôm như xe ôm công nghệ các hãng, xe ôm truyền thống, thậm chí xe taxi cũng thường xuyên dừng đỗ, đi chậm để đón khách.

Việc các tài xế xe ôm quá 'nhiệt tình' cũng khiến người dân ngại qua lại các bến bãi.

Việc các tài xế xe ôm quá 'nhiệt tình' cũng khiến người dân ngại qua lại các bến bãi.

Quan sát tại các bến xe, không khó để bắt gặp cảnh tượng nhiều tài xế xe ôm tiếp cận 1 người khách để mời chào, chèo kéo. Thậm chí khi các nhà xe vừa vào bến, các tài xế xe ôm đã đứng chắn tại cửa, xô đẩy hoặc thậm chí có những hành động đụng chạm, kéo tay cản trở hành khách xuống xe.

Chia sẻ với PV, chị Cao Thị Như Quỳnh (Ninh Thuận) cho biết, thường khi đến bến, chị sẽ đặt xe ôm công nghệ trước. Khi tài xế gần đến nơi chị mới đi từ trong bến ra ngoài.

"Tôi ngại ra sớm vì các chú xe ôm ở cổng bến hay chèo kéo khá là phiền. Nếu đặt trên app tôi biết rõ thông tin của tài xế, lộ trình di chuyển, giá tiền nên sẽ ưu tiên lựa chọn", chị Quỳnh chia sẻ.

Trong khi đó, anh Bùi Sỹ Anh Hào (Thanh Hóa) cho biết bản thân đang là sinh viên đại học, cứ mỗi 2 - 3 tháng anh lại đi từ Thanh Hóa - Hà Nội và ngược lại. Tuy nhiên, bản thân anh Hào ít khi vào bến mà sẽ lên xe ngay khi xe xuất bến. Điều này được anh Hào lí giải là do anh ngại khi bị quá nhiều tài xế xe ôm tiếp cận ngay khi vừa bước vào bến, đôi khi 3, 4 người hỏi và cứ hết người này lại có người khác lại gần bắt chuyện. Nếu trả lời không khéo có thể sẽ bị gây khó dễ.

"Nếu cần tôi sẽ chủ động tiếp cận các tài xế xe ôm tại bến, có thể là hỏi đường hoặc đặt 1 chuyến xe. Tuy nhiên việc bị họ vây kín lại và hỏi dồn dập lại khiến tôi cảm thấy không thoải mái", anh Bùi Sỹ Anh Hào chia sẻ.

các tài xế xe ôm tại bến xe Giáp Bát chỉ được đứng trong khu vực quy định để mời chào hành khách.

các tài xế xe ôm tại bến xe Giáp Bát chỉ được đứng trong khu vực quy định để mời chào hành khách.

Thực tế, nếu so với cách đây 9 - 10 năm, an ninh trật tự tại các bến xe đã được cải thiện rất nhiều. Trong đó, việc cấm hoặc hạn chế đội ngũ xe ôm đi vào trong khuôn viên của bến mang lại sự thoải mái cho hành khách.

Có mặt tại Bến xe Giáp Bát, hàng chục tài xế xe ôm mặc đồng phục được phép hoạt động bên trong bến. Đây là đội ngũ xe ôm chịu sự quản lý của một doanh nghiệp có liên kết với Ban quản lý Bến xe Giáp Bát để phục vụ hành khách.

"Mỗi tài xế đều có áo đồng phục, đằng sau áo có in tên tài xế, số xe, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị quản lý. Ngoài ra, mỗi tài xế còn có một thẻ đeo ở ngực có dán ảnh nhận diện", ông Trần Văn Long, Tổ trưởng Tổ giám sát hoạt động của xe ôm Bến xe Giáp Bát cho hay.

Đặc biệt, đơn vị quản lý nghiêm cấm tài xế có hành vi chèo kéo khách, ép giá, đứng đón khách tại những vị trí ngoài quy định hoặc có những hành vi thiếu tôn trọng hành khách.

Chia sẻ với PV, ông Trần Mạnh Hà - Phó giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết, từ khi triển khai mô hình trên, hành khách có thêm lựa chọn về phương tiện di chuyển văn minh, lịch sự, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh trật tự khu vực trong và ngoài bến.

Người dân không muốn bị các tài xế xe ôm bủa vây tại các bến xe.

Người dân không muốn bị các tài xế xe ôm bủa vây tại các bến xe.

Trước đề xuất xe ôm phải có "thẻ hành nghề" khi hoạt động mà UBND thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến, ông Trần Mạnh Hà hoàn toàn đồng ý và cho rằng nên sớm triển khai.

"Nếu chúng ta quản lý tốt được hoạt động của đội ngũ xe ôm thì người dân sẽ được hưởng lợi, an tâm khi đi trên những chuyến xe mà biết rõ tài xế là ai, đơn vị nào quản lý... Bên cạnh đó, việc quy định rõ điểm đón khách còn giúp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, thuận lợi cho hành khách khi có nhu cầu, tránh được cảnh chèo kéo...", ông Trần Mạnh Hà chia sẻ.

Quy định về việc xe ôm phải có "thẻ hành nghề" khi hoạt động dự kiến được xem xét ban hành trong năm 2024 và có hiệu lực ngay khi được ký. Tuy nhiên, hiện dự thảo chưa đưa ra chế tài hay biện pháp xử phạt với những lái xe không chấp hành việc đăng ký thẻ.

Cũng liên quan đến hoạt động vận tải hành khách, mới đây Sở GTVT Hà Nội cho biết đã không đồng ý với đề xuất xin điều chỉnh bổ sung hành trình các tuyến xe khách đi xuyên qua trung tâm thành phố.

Cụ thể, theo Sở GTVT Hà Nội, vừa qua các đơn vị vận tải và một số Sở GTVT đã có văn bản đề nghị điều chỉnh hành trình tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh có hành trình mang tính xuyên tâm qua địa phận Hà Nội. Tuy nhiên, khu vực trung tâm có nguy cơ cao sẽ xảy ra ùn tắc và mất trật tự an toàn giao thông.

Từ thực tế này, Sở GTVT Hà Nội đề nghị Vụ Vận tải - Bộ GTVT và Cục Đường bộ Việt Nam không chấp thuận đề xuất điều chỉnh bổ sung hành trình tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh có hành trình xuyên tâm qua thành phố Hà Nội.

Khám phá bên trong Trung tâm điều hành giao thông thành phố Hà Nội.

Thành Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-nguoi-ngai-vao-ben-vi-tai-xe-xe-om-lien-tuc-deo-bam-lam-phien-169241202180001617.htm
Zalo