Nhiều người Hàn không dám đi tàu điện ngầm sau thảm kịch ở Itaewon

Thảm kịch khiến hơn 150 người thiệt mạng tại Itaewon khiến nhiều người Hàn có tâm lý lo sợ đám đông, e ngại khi phải chen chúc trên tàu điện ngầm vào giờ cao điểm.

 Ga tàu điện ngầm đông đúc vào giờ cao điểm ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Nikkei.

Ga tàu điện ngầm đông đúc vào giờ cao điểm ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Nikkei.

Nhân viên văn phòng 30 tuổi họ Lee, người thường đi tuyến tàu điện ngầm Seoul số 9 từ ga Dangsan đến ga Sinnonhyeon, đã xuống tàu giữa chừng vào sáng 31/10 vì cảm thấy khó thở, theo The Korea Times.

"Tôi không thể thở được. Đây không phải là lần đầu tiên tôi cảm thấy như nghẹt thở khi đi tàu điện ngầm buổi sáng. Nhưng giờ nó nghiêm trọng đến mức giống như cơn hoảng loạn", cô nói.

Tuyến tàu điện ngầm số 9 nổi tiếng vì tình trạng quá tải trong giờ cao điểm. Khi mọi người cố nhét mình vào chuyến tàu đã chật cứng, Lee không ngừng tưởng tượng đến hình ảnh đám đông chen chúc dẫn đến thảm kịch ở Itaewon vài ngày trước đó.

"Mặc dù không ở Itaewon vào hôm xảy ra thảm kịch, tôi vẫn có cảm giác một điều gì đó khủng khiếp tương tự cũng có thể xảy ra trên tàu điện ngầm".

"Địa ngục trần gian"

Tối 29/10, thảm kịch đã xảy ra với những người chen chúc trong một con hẻm hẹp, dốc ở khu phố Itaewon của Seoul, dẫn đến ít nhất 156 người chết và 151 người bị thương, tính đến hôm 1/11.

Hàng nghìn người tham dự lễ hội Halloween đã bị mắc kẹt trong con hẻm chật hẹp. Đám đông chen lấn dẫn tới thảm kịch chết chóc nhất trong lịch sử Hàn Quốc dường như đang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân xứ kim chi.

Người Hàn Quốc, những người đã quá quen với mật độ đô thị và tình trạng đông đúc trên đường phố, giờ đây đột nhiên chú ý đến mức độ nguy hiểm của những đám đông, có tâm lý lo ngại khi phải chen chúc trên tàu điện ngầm vào giờ cao điểm.

 Người Hàn từng không mấy bận tâm đến sự đông đúc trên các tuyến tàu điện ngầm. Ảnh: AP.

Người Hàn từng không mấy bận tâm đến sự đông đúc trên các tuyến tàu điện ngầm. Ảnh: AP.

Theo dữ liệu năm 2021 từ Seoul Metro, mật độ trung bình trong giờ cao điểm buổi sáng giữa các ga Noryangjin và Dongjak trên tuyến số 9, một trong những khu vực đông đúc nhất, được đo là 185%. Nếu mật độ vượt quá 150%, hành khách không thể di chuyển tự do trong tàu.

Người đi làm gọi đây là "địa ngục trần gian". Hành khách chật cứng bị dồn ép vào nhau, không thể cử động cơ thể. Nhiều cuộc ẩu đả xảy ra khi đám đông chen lấn để lên hoặc xuống tàu, trong khi một số người thậm chí không xuống được tại điểm dừng mong muốn.

Park Cheong-woong, giáo sư quản lý an toàn tại Đại học Sejong Cyber, cho biết: "Các tàu điện ngầm ở Seoul chật cứng đến mức có thể dẫn đến khó thở hoặc hoảng sợ cho một số hành khách. Nhưng chúng ta vốn đã quen với mật độ dày đặc trong cuộc sống hàng ngày".

Lee Song-kyu, người đứng đầu hiệp hội chuyên gia an toàn Hàn Quốc, cảnh báo rằng thảm họa đám đông bất ngờ có thể xảy ra tại bất kỳ sự kiện hoặc tụ điểm lớn nào.

"Tôi không nói rằng có khả năng lớn tàu điện ngầm chật cứng sẽ dẫn đến một tai nạn nghiêm trọng. Nhưng tôi nghĩ rằng thảm kịch Itaewon đã cho chúng ta thấy rằng những sự cố có thể xảy ra bất ngờ ở những nơi quen thuộc hàng ngày và do đó chính quyền địa phương, cũng như những người thường xuyên lui tới các nơi này cần nâng cao cảnh giác", ông Lee nói.

Nỗi sợ đám đông

Sau những gì xảy ra tại Itaewon, nỗi sợ đám đông bắt đầu nhen nhóm. Người dân kêu gọi chính phủ kiểm tra các khu vực quá đông đúc trong thành phố như tàu điện ngầm, sự kiện âm nhạc và đề ra các biện pháp toàn diện.

"Tôi đi tàu điện ngầm tuyến số 9, nơi đông đúc người vào giờ cao điểm, nhưng sau khi nghe tin về thảm kịch ở Itaewon, đó là lần đầu tiên tôi nghĩ rằng mình thực sự có thể bị đè chết", Lee Yoo-mi, nhân viên văn phòng ở Yeouido 31 tuổi, nói với Hankyoreh.

"Cũng giống như thang máy, cần phải đưa ra giới hạn về số lượng hành khách hoặc trọng lượng trong tàu điện ngầm", Lee nói thêm.

Trong khi đó, Kim So-hyeon (30 tuổi) kể rằng cô đã không thể thở được khi chen chúc tại concert của thần tượng Kpop. "Tôi đã xem buổi hòa nhạc từ hàng ghế đầu tiên. Bất cứ khi nào ca sĩ đến gần, tôi sẽ bị khán giả đẩy từ phía sau, gây áp lực lên ngực và thấy khó thở".

Một số chuyên gia cho rằng Hàn Quốc cần phải học hỏi giải pháp của các quốc gia khác, những nơi từng hứng chịu thảm kịch tương tự.

Ví dụ, Anh đã ban hành Football Spectators Act (tạm dịch đạo luật khán giả xem bóng đá) vào năm 1989 để quản lý an toàn tại các sân vận động sau sự cố chết chóc trên sân vận động Hillsborough. Luật yêu cầu cấp giấy phép cho các câu lạc bộ bóng đá kiểm soát việc tiếp nhận khán giả và thành lập một cơ quan giám sát để quản lý các giấy phép liên quan.

Sau những vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trong các chuyến hành hương đến thánh địa Mecca, Saudi Arabia cũng đã tuyên bố thiết lập các biện pháp đối phó đặc biệt vào năm 2016. Thời gian thực hiện các chuyến hành hương bị giới hạn và mọi người phải đeo vòng tay điện tử có gắn chip GPS khi vào nhà thờ Hồi giáo.

 Hiện trường hơn 150 người thiệt mạng ở Itaewon. Ảnh: Yonhap.

Hiện trường hơn 150 người thiệt mạng ở Itaewon. Ảnh: Yonhap.

Tương tự, sau vụ tai nạn chết người ở Akashi, tỉnh Hyogo năm 2001 trong một buổi bắn pháo hoa, Nhật Bản đã sửa đổi các quy tắc của Ủy ban An toàn Công cộng Quốc gia và dự luật an ninh để thêm điều khoản "an toàn đám đông".

Ngoài ra, tại Thượng Hải, Trung Quốc, một sắc lệnh đã được ban hành liên quan đến việc quản lý an toàn những nơi công cộng như điểm du lịch và công viên sau khi một vụ tai nạn xảy ra khiến 36 người thiệt mạng trong lễ đón năm mới năm 2014. Sắc lệnh kêu gọi chia sẻ thông tin có hệ thống giữa các cơ quan liên quan và tăng cường quan sát tại chỗ khi đám đông lớn tụ tập.

Các chuyên gia trong và ngoài nước đều nhấn mạnh rằng việc "dự đoán" quan trọng hơn bất cứ điều gì khác để ngăn ngừa tai nạn xảy ra trong các đám đông.

"Việc phòng ngừa và chuẩn bị chỉ có thể thực hiện được nếu mọi thứ được dự đoán đúng", Jeon Chan-ki, giáo sư tại Đại học Quốc gia Incheon, nhấn mạnh.

Kim Tae-hwan, giáo sư tại khoa nghiên cứu an ninh của Đại học Yong In, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các cơ quan để cùng ngăn chặn thảm kịch.

"Ở Nhật Bản, sau vụ tai nạn trong lễ hội pháo hoa Akashi, ngay cả khi không có người tổ chức sự kiện, cảnh sát, lính cứu hỏa và chính quyền địa phương đều phối hợp để thiết lập kế hoạch an toàn của riêng họ khi đám đông tụ tập, chẳng hạn như vào Giáng sinh và Tết Nguyên đán. Năm nay không phải là lần đầu tiên đám đông tụ tập ở Itaewon trong dịp Halloween, nhưng không có biện pháp đối phó nào từ bộ phận phụ trách an toàn, chẳng hạn như lắp đặt dải phân cách", Kim giải thích.

Một số chuyên gia cũng khuyên rằng người dân và các tổ chức nên có nhận thức nhiều hơn về sự nguy hiểm của tình trạng quá tải.

"Có nhiều thiết bị an toàn trong tàu điện ngầm và phòng hòa nhạc, nhưng đôi khi mọi người chấp nhận rủi ro nguy hiểm để đi nhanh hơn hoặc vì họ muốn thưởng thức buổi biểu diễn nhiều hơn", Lee Young-joo, giáo sư phòng chống hỏa hoạn và thiên tai tại Đại học Seoul, cho hay.

"Việc bổ sung các biện pháp an toàn là quan trọng, nhưng người dân cũng cần nhận thức và chuẩn bị cho những tình huống nguy hiểm liên quan đến đám đông", giáo sư Lee nói thêm.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-nguoi-han-khong-dam-di-tau-dien-ngam-sau-tham-kich-o-itaewon-post1371153.html
Zalo