Nhiều nghệ sĩ dính án ma túy, khung xử phạt thế nào?
Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng bị điều tra và xử phạt do liên quan đến ma túy đặt ra nhiều câu hỏi, không chỉ là vi phạm pháp luật mà cả về giá trị đạo đức của những người hoạt động nghệ thuật.
Nhiều nghệ sĩ dính đến ma túy
Ngày 10/11, showbiz Việt rung chuyển bởi tin ca sĩ Chi Dân và người mẫu Andrea Aybar bị Phòng CSĐT tội phạm về ma túy - Công an TPHCM giữ để điều tra vì liên quan đến ma túy.
Điểm lại các vụ việc tương tự, báo VietNamNet cho hay, tháng 6 vừa qua, ca sĩ Chu Bin bị Công an Quận 10, TPHCM giữ để điều tra về hành vi tổ chức, sử dụng trái phép chất ma túy; người mẫu Nhikolai Đinh bị bắt giữ trong quá trình Công an Quận 1 triệt phá ổ ma túy trong khu Mả Lạng ở TPHCM.
Tháng 3/2024, diễn viên Lệ Hằng bị Đội Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Công an quận Đống Đa, TP Hà Nội bắt giữ tối về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Trước nữa, tháng 6/2022, diễn viên Hữu Tín bị Công an Quận 8 bắt khi đang sử dụng ma túy trong căn hộ ở TPHCM, sau đó bị tuyên phạt 7 năm 6 tháng tù.
Tháng 3/2018, ca sĩ Châu Việt Cường bị bắt khẩn cấp do sử dụng ma túy, gây ra cái chết của một phụ nữ 20 tuổi. Anh bị tuyên án 11 năm tù. Vụ việc gây chấn động dư luận thời gian dài.
Năm 2008, diễn viên Minh Quốc cũng từng bị bắt do hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, phải chấp hành hình phạt tù trong 2 năm.
Năm 2007, diễn viên hài Hiệp "gà" bị bắt vì tàng trữ ma túy, sau đó nhận án phạt 2 năm tù.
Diễn viên Thương Tín, cố diễn viên Hồng Sơn, tài tử Nguyễn Huỳnh, ca sĩ Trịnh Tuấn Vỹ... cũng từng sa vào con đường sử dụng chất kích thích.
Khung hình phạt liên quan ma túy thế nào?
Trả lời báo chí, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, việc các nghệ sĩ, những người được công nhận và ngưỡng mộ lao vào vòng xoáy tiêu cực đã tạo ra tác động đáng kể đến hình ảnh và nhận thức của xã hội.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, có quy định cụ thể về các mức phạt liên quan đến ma túy như sau.
Về xử lý vi phạm hành chính:
Giả sử trong trường hợp chủ thể thực hiện hành vi vi phạm tàng trữ, vận chuyển trái phép, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; sản xuất, hoặc sử dụng trái phép chất ma túy, trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa, cây coca, cây khát và các loại cây khác có chứa chất ma túy mà chưa đến mức bị xử lý hình sự thì có thể sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng – 10.000.000 đồng.
Ngoài ra còn bị áp dụng hình phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, đối với người nước ngoài thì sẽ trục xuất theo quy định tại Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn, xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình.
Luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh: "Để giảm thiểu tình trạng này, cần có một giải pháp toàn diện, kết hợp giữa giáo dục, hỗ trợ sức khỏe tâm lý, quản lý nghệ sĩ và các chính sách pháp luật phù hợp. Việc xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, thông cảm và hiểu biết sẽ giúp nghệ sĩ tránh xa những cám dỗ tiêu cực, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững trong sự nghiệp. Điều này không chỉ bảo vệ cá nhân nghệ sĩ mà còn góp phần duy trì an ninh trật tự và phát triển cộng đồng, xã hội."
Về xử lý hình sự:
Giả sử trong trường hợp chủ thể thực hiện hành vi vi phạm đã thực hiện hành vi vi phạm vượt quá mức xử lý vi phạm hành chính thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 1 hoặc nhiều tội trong những tội danh được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
(1) Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 247) với mức phạt tù thấp nhất là 06 tháng – mức cao nhất là 03 năm, ngoài ra Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
(2) Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248) với mức phạt tù thấp nhất là 02 năm – mức cao nhất là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
(3) Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249) với mức phạt tù thấp nhất là 01 năm – mức cao nhất là từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
(4) Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250) với mức phạt tù thấp nhất là 02 năm – mức cao nhất là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
(5) Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251) với mức phạt tù thấp nhất là 02 năm – mức cao nhất là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
(6) Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252) với mức phạt tù thấp nhất là 01 năm – mức cao nhất là từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
(7) Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 253) với mức phạt tù thấp nhất là 01 năm – mức cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
(8) Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 254) với mức phạt tù thấp nhất là 01 năm – mức cao nhất là 10 năm, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
(9) Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255) với mức phạt tù thấp nhất là 02 năm – mức cao nhất là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
(10) Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 256) với mức phạt tù thấp nhất là 02 năm – mức cao nhất là 15 năm ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
(11) Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 257) với mức phạt tù thấp nhất là 02 năm – mức cao nhất là 20 năm, tù chung thân, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
(12) Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 258) với mức phạt tù thấp nhất là 01 năm – mức cao nhất là từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Muôn vàn lý do
Trước câu hỏi vì sao sử dụng chất kích thích, các nghệ sĩ nêu muôn vàn lý do. Ca sĩ Chi Dân thừa nhận phạm sai lầm sau cú sốc mất mẹ và tình yêu đổ vỡ.
Tương tự, diễn viên Thương Tín từng nói sa vào chất cấm vì sự ra đi đột ngột của người vợ đầu. Ông sốc nên lao vào ma túy tìm quên, nghiện ngập hơn 10 năm.
Ca sĩ Trịnh Tuấn Vỹ - con trai nghệ sĩ Nguyễn Sanh - "chơi" thuốc lắc, ma túy đá do "tuổi trẻ bồng bột, bị bạn bè xúi giục".
Cố diễn viên Hồng Sơn thú nhận đi sai đường vì giàu có, kinh doanh thành công. Ông làm quán bar quá lãi, quen "tiêu tiền như rác", dần không hào hứng với những thú chơi bình thường nên đi tìm cảm giác mới lạ rồi nghiện ngập lúc nào không hay.
Trong khi đó, diễn viên Lệ Hằng không sử dụng ma túy, do hám lời nên mua ma túy bán lại, ăn tiền chênh lệch.
Một lý do phổ biến khiến nhiều nghệ sĩ tìm tới chất kích thích nói chung là tìm cảm giác hưng phấn, bay bổng, kích thích ý tưởng sáng tạo, hoạt động sáng tác, phát huy tiềm năng bản thân.
Các lý do được sử dụng phổ biến để biện minh còn có: lịch làm việc quá sức; tâm trạng căng thẳng, buồn phiền; thư giãn vì lo lắng khi đứng trước ống kính... hoặc đơn giản là "chơi cho biết, không lại nhà quê", theo VietNamNet.