Nhiều khó khăn thách thức với ngành dệt may trong năm 2023
Nửa đầu năm 2022 đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may dồi dào, giá tăng sau thời gian dài các thị trường xuất khẩu chủ lực bị ảnh hưởng bởi dịch. Tuy nhiên, từ quý III trở đi, nhất là quý cuối cùng của năm 2022, thị trường lao dốc khiến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp quay đầu đi xuống.
Kết quả kinh doanh có sự phân hóa
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (mã Ck: VGT) gây bất ngờ với khoản lỗ sau thuế 5 tỷ đồng trong quý IV/2022, trong khi cùng kỳ năm trước đạt 450 tỷ đồng, từng là doanh nghiệp có lãi lớn nhất nhóm dệt may. Đây cũng là quý đầu tiên Vinatex ghi nhận thua lỗ kể từ khi hoạt động.
Thống kê 15 doanh nghiệp đầu ngành dệt may cho thấy, tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý IV/2022 đạt 440 tỷ đồng, giảm 63% so với quý IV/2021, tương ứng giảm 762 tỷ đồng lợi nhuận trước bối cảnh lạm phát cao và rủi ro suy thoái tại các thị trường xuất khẩu chính.
Vinatex lý giải kết quả thua lỗ kể trên là do ảnh hưởng từ chính sách Zero Covid của Chính phủ Trung Quốc dẫn đến nhu cầu của một số thị trường giảm vào thời điểm cuối năm, từ đó ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ và giá hàng tồn kho sợi. Các công ty sợi thành viên của tập đoàn đã phải trích đầy đủ dự phòng giảm giá hàng tồn kho để phù hợp với giá thị trường.
Việc trích lập dự phòng trên đã ảnh hưởng lớn đến kết quả quý IV/2022, nhất là khi sản lượng tiêu thụ cao, giá bán tốt do nhu cầu phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh thương mại và dịch bệnh. Tuy vậy, lũy kế cả năm 2022, Vinatex vẫn có lãi hơn 1.000 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ, nhờ khoản lãi lớn trong nửa đầu năm.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (mã Ck: GIL) IV/2022, Gilimex ghi nhận doanh thu đạt 261,93 tỷ đồng, giảm 81,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 9,92 tỷ đồng, giảm 92,1% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 17,4% về còn 16,1%. Lũy kế trong năm 2022, GIL ghi nhận doanh thu đạt 3.166,6 tỷ đồng, giảm 23,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 361,43 tỷ đồng, tăng nhẹ 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (mã Ck: GMC) cũng chịu lỗ sau thuế quý IV xấp xỉ 59 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 35 tỷ đồng. Theo giải trình từ phía công ty, doanh thu quý IV/2022 chỉ đạt gần 17 tỷ đồng - giảm mạnh 93,6% so với cùng kỳ từ giữa tháng 8/2022. Công ty đã phải ngừng sản xuất ở một số nhà máy để khắc phục chất lượng nên hầu hết hàng sản xuất ra phải lưu kho, lượng hàng tồn kho chưa được tiêu thụ. Đồng thời, công ty phải nhận đơn gia công số lượng nhỏ nên năng suất thấp, giá cạnh tranh không đủ bù đắp chi phí dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ.
Ở chiều ngược lại một số doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, Công ty cổ phần Dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công (mã Ck: TCM) gây ấn tượng khi lợi nhuận sau thuế quý IV đạt 60 tỷ đồng, mức tăng trưởng gần 140% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm 2022, Dệt may Thành Công ghi nhận 281 tỷ đồng lợi nhuận tăng 95%.
Một doanh nghiệp dệt may khác cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trong năm 2022 là May Việt Tiến (VGG). Dù giảm 14% lợi nhuận so với cùng kỳ trong quý IV, song công ty vẫn hoàn thành và vượt xa chỉ tiêu lãi trước thuế 150 tỷ đồng cả năm. Công ty đạt mức lợi nhuận trước thuế 218 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ.
Dự báo một năm đầy thách thức
Theo đanh giá của các chuyên gia, trong năm 2023 ngành dệt may Việt Nam vẫn đứng trước nhiều khó khăn thách thức khi phụ thuộc nhiều vào chi phí đầu vào, giá nhân công lao động và suy thoái kinh tế. Đáng lưu ý, suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay đẩy nhu cầu suy giảm trên cả thị trường trong nước lẫn các nước nhập khẩu lớn: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,…
Ngoài ra, trong bối cảnh tỷ giá leo thang, đồng tiền ở một số nước nhập khẩu đơn hàng lớn có xu thế mất giá cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu ngành dệt may tại Việt Nam.
Tại thị trường nội địa, ngành dệt may chứng kiến sự tham gia của nhiều thương hiệu, doanh nghiệp nước ngoài vào lĩnh vực thời trang. Từ các hãng bình dân đến các thương hiệu xa xỉ đều đang muốn sở hữu thị trường tiềm năng với gần 100 triệu dân.
Trong một báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán KIS, đội ngũ phân tích cho rằng, 2023 sẽ là một năm đầy thử thách cho ngành dệt may do nhu cầu thấp đối với các sản phẩm may mặc. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), đơn đặt hàng trước cho quý I/2023 đã giảm 25-27% so với cùng kỳ, báo hiệu một năm nhiều khó khăn phía trước.
Trong khi đó, báo cáo cập nhật cổ phiếu ngành dệt may năm 2023 vừa công bố, SSI Research cho rằng áp lực lạm phát sẽ tiếp tục thách thức thị trường. Ngoài sự khác biệt giữa thời trang cao cấp và các phân khúc khác trong ngành dệt may, sự khác biệt giữa các vùng cũng sẽ được thể hiện rõ. Nền kinh tế Mỹ, mặc dù dự kiến sẽ chậm lại, nhưng được dự báo vẫn sẽ là thị trường có quy mô lớn hơn các nền kinh tế lớn khác.
VITAS dự báo giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sẽ đạt 45 đến 47 tỷ USD (tăng 7 đến 11% so với cùng kỳ) trong năm 2023. Mục tiêu này khá thách thức do phân ngành sợi đã bắt đầu ghi nhận mức lỗ trong quý IV/2022 và Vinatex cũng dự báo đơn hàng may mặc sẽ giảm 25% so với cùng kỳ trong năm 2023.
Chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu và tiêu dùng nói chung được dự báo cũng sẽ giảm đi, và doanh thu bán lẻ sẽ được thúc đẩy bởi các chương trình khuyến mãi và giảm giá. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận gộp của toàn bộ chuỗi giá trị sẽ chịu áp lực, trong đó các nhà sản xuất sợi và hàng may mặc trong nước dễ bị tổn thương nhất do giá bán trung bình thấp hơn./.
Giá cổ phiếu ngành dệt may giảm 41% vào năm 2022, thấp hơn 10,3% so với kết quả của chỉ số VN-Index. Theo đánh giá của SSI Research, định giá có thể giảm xuống mức P/E thấp nhất trong lịch sử của ngành. Vì lợi nhuận của hầu hết các công ty đã đạt đỉnh trong quý III/2022 (về giá trị tuyệt đối), dự báo tăng trưởng lợi nhuận sẽ giảm mạnh nhất trong quý III/2023 và định giá sẽ dần phục hồi về mức P/E trung bình lịch sử của ngành là 8 lần, vì các dấu hiệu phục hồi sẽ xuất hiện từ quý IV/2023.