Nhiều khó khăn thách thức trong công tác dân tộc ở Điện Biên
Công tác dân tộc luôn được tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm, đạt nhiều kết quả quan trọng song nhìn chung công tác này vẫn còn nhiều gian nan.
Khó khăn chồng chất...
Trong những năm qua, mặc dù đã được Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương quan tâm tập trung ưu tiên các nguồn lực để đầu tư, song hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh Điện Biên vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống cấp điện sinh hoạt (trên địa bàn tỉnh còn khoảng 5.868,2 km đường cấp phối, đường đất, chiếm 59,1% và khoảng 8,2% số hộ toàn tỉnh chưa được sử dụng điện lưới quốc gia).
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP (theo giá so sánh 2010) năm 2023 đạt khoảng hơn 15.300 tỷ đồng; số người trong độ tuổi lao động chiếm 57,8% dân số toàn tỉnh, trong đó lực lượng lao động có việc làm đạt 99,6%; thu nhập bình quân đầu người còn thấp (đạt 45,88 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo còn cao đến cuối năm 2023 là 25,68%.
Dù công tác dân tộc luôn được tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm song trên thực tế, địa phương này vẫn gặp không ít khó khăn. Có thể kể đến như: Các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế; hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ; địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, phân bố dân cư không đồng đều, thiên tai, dịch bệnh xảy ra thường xuyên...
Không những thế, các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo đẩy mạnh hoạt động chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tình trạng buôn bán ma túy, dân di cư tự do còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội...
Bên cạnh đó, kinh tế của tỉnh Điện Biên còn gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào liên kết sản xuất còn chưa nhiều, liên kết với nông dân chưa bền vững, năng lực quản lý, kỹ thuật sản xuất và khả năng tài chính còn hạn chế; Một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở vùng nông thôn, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa phát triển.
Đồng thời, địa bàn triển khai thực hiện các chính sách dân tộc đều thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuộc diện khó khăn, đặc biệt khó khăn; trình độ, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số và một bộ phận cán bộ cơ sở còn hạn chế; đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị đã được quan tâm, song ở một số nơi còn chưa được đảm bảo theo yêu cầu do năng lực, trình độ còn hạn chế; việc thực hiện một số chủ trương, chính sách cho vùng đồng bào các dân tộc còn thiếu đồng bộ, nhiều tiềm năng lợi thế chưa được phát huy khai thác; công tác bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống ở các vùng dân tộc thiểu số còn thiếu nguồn lực đầu tư.
Nhiều vấn đề đặt ra...
Việc khó khăn trong thực hiện công tác dân tộc tại Điện Biên thì có nhiều nhưng được xác định chủ yếu bởi đây là tỉnh vùng cao, xa các trung tâm kinh tế lớn; kinh tế của tỉnh có xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, các dịch vụ, điều kiện sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu.
Bên cạnh đó, ngân sách của Tỉnh chủ yếu do Trung ương cấp, nguồn vốn để triển khai thực hiện việc đầu tư kết cấu hạ tầng còn hạn chế. Việc huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng từ các thành phần kinh tế gặp khó khăn do suất đầu tư cao; cơ chế chính sách, ưu đãi đầu tư còn chưa hấp dẫn nhà đầu tư.
Một số chính sách dân tộc chưa được cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tế của địa phương; trình độ dân trí của người dân không đồng đều, nhận thức về vai trò chủ thể của người dân chưa đầy đủ; chưa mạnh dạn đổi mới, một bộ phận vẫn còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Trong những năm qua, công tác phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số những vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian tới. Có thể kể đến như: Trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số không đều và tương đối thấp; một bộ phận nhân dân và cán bộ xã, bản còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo; khả năng tiếp thu và vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; năng suất và hiệu quả sản xuất chưa cao.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng còn nhiều nhiều khó khăn, chưa đồng bộ; công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các vùng trong tỉnh, giữa các dân tộc có xu hướng gia tăng. Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn có mặt còn hạn chế...
Trước tình hình trên cho thấy nhiệm vụ công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc trong những năm tới còn rất nhiều, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, đồng bào các dân tộc và chiến sĩ các lực lượng vũ trang trên địa bàn phải đoàn kết, quyết tâm, năng động, sáng tạo và nỗ lực cao trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Theo quan điểm của lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về công tác dân tộc, chính sách dân tộc phải triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ trọng tâm để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đề ra. Trọng tâm là tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu; đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, ổn định dân cư; thúc đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp nông thôn, tạo sản phẩm hàng hóa có thu nhập cao.
Không những thế, phải nỗ lực cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn; giải quyết có hiệu quả những bức xúc trong đời sống nhân dân.