Nhiều kết quả về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới
Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước, sáng 20-9, đã chủ trì hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 5 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TW, ngày 7-1-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về 'Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới'.
Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các ban, sở, ngành, các huyện, thị, thành ủy.
Thực hiện Nghị quyết số 25 của Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết, nhằm giúp các đảng bộ trực thuộc, các cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên hiểu, nắm vững các nội dung cơ bản và mới trong nghị quyết. Trên cơ sở đó 100% các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị quán triệt, học tập nghị quyết cho các chi, đảng bộ trực thuộc. Tỉnh ủy đã ban hành 191 văn bản quan trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận.
Việc kiểm tra, giám sát triển khai, thực hiện Nghị quyết số 25, Kết luận số 43 luôn được Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát. Từ năm 2013 đến nay, Tỉnh ủy đã giao Ban Dân vận Tỉnh ủy thành lập 76 đoàn kiểm tra, giám sát, khảo sát đánh giá việc thực hiện công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.Việc phối hợp của các cấp, ngành trong triển khai, quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 25, Kết luận số 43 và các văn bản về công tác dân vận được thực hiện tốt, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ sở. Tỉnh ủy thuận chủ trương để Ban dân vận cấp ủy phối hợp mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận, từ năm 2013 đến nay đã mở được 78 lớp. 10 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng được 5.527 mô hình dân vận khéo trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị. Nhiều mô hình, điển hình dân vận khéo đã được nhân rộng, lan tỏa tích cực trong xã hội góp phần quan trọng hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng đánh giá cao việc thực hiện Nghị quyết số 25 và Kết luận số 43 của Bình Phước, đặc biệt sự chủ động của Tỉnh ủy trong việc ban hành nhiều văn bản thực hiện.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh: Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, do đó công tác dân vận của đảng và hệ thống chính trị càng có ý nghĩa quan trọng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, Bình Phước cần xác định các giải pháp khả thi, đột phá trong thực hiện công tác dân vận. Các cấp trong tỉnh cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ, gần dân, sát dân, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng; thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền, dân vận ở cơ sở; phát huy vai trò của mặt trận các cấp, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong việc thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng đội ngũ làm công tác có trình độ, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn MạnhCường nhấn mạnh: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25, 5 năm thực hiện Kết luận số 43, công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Bình Phước đã ngày càng đi vào nề nếp, không ngừng đổi mới cả về nội dung, phương thức hoạt động, tạo ra những khởi sắc và chuyển biến tích cực trên các mặt công tác. Nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và trách nhiệm công tác dân vận của các tổ chức trong hệ thống chính trị được nâng lên rõ rệt; việc phân công và phát huy vai trò cán bộ phụ trách công tác dân vận ngày càng được quan tâm.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về quan điểm đổi mới công tác dân vận của Đảng. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành tốt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tập trung hướng mạnh về cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn viên, hội viên, xây dựng tổ chức vững mạnh, hoạt động hiệu quả.
Chính quyền các cấp tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, trong đó, đặc biệt chú trọng việc mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác dân vận trong tình hình mới. Ngành dân vận luôn phải đổi mới, nâng cao chất lượng trong nghiên cứu, đề xuất, tham mưu giúp Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp có chủ trương, giải pháp, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận.