Nhiều hoạt động ý nghĩa

Trong phong trào thi đua 'Cựu chiến binh gương mẫu' giai đoạn 2019 – 2024, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện A Lưới là điểm sáng trong phát triển kinh tế địa phương và hoạt động đối ngoại với nước bạn Lào.

 Hội Cựu Chiến binh huyện A Lưới thăm, tặng quà cho quân tình nguyện Việt Nam - Lào. Ảnh: Nguyễn Văn Út

Hội Cựu Chiến binh huyện A Lưới thăm, tặng quà cho quân tình nguyện Việt Nam - Lào. Ảnh: Nguyễn Văn Út

Tôi có dịp đến thăm mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy điện của CCB Hồ Văn Phúc tại xã Hồng Thái. Từ năm 2018 đến nay, mô hình của ông đã phát triển ổn định với 14 lồng cá, đem lại lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm. “Sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự và xuất ngũ trở về địa phương, tôi nhận thấy địa phương có lợi thế về nuôi trồng thủy sản nhờ lòng hồ thủy điện A Lưới có mặt nước rộng. Với sự động viên của gia đình, bạn bè và các anh, các chú trong Hội CCB huyện, tôi mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện để đầu tư nuôi thả cá trắm cỏ, cá trê, cá rô phi và cá lóc”, ông Hồ Văn Phúc chia sẻ.

Ông Phúc còn tham gia các đợt tham quan, học tập các mô hình trong và ngoài tỉnh do Hội CCB huyện tổ chức. Nhờ sự cần cù, chịu khó, dần dần các sản phẩm cá lồng của gia đình ông được khách hàng biết đến và ưa chuộng bởi giá cả phải chăng và chất lượng tốt. Mô hình cũng giúp hơn 20 người lao động trên địa bàn huyện có việc làm ổn định. Ông Phúc là một trong những trường hợp vượt khó thoát nghèo tiêu biểu trong phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế chính đáng” do Hội CCB huyện A Lưới phát động.

Dù nằm ở khu vực nhiều đồi núi, khó khăn trong trồng trọt, chăn nuôi nhưng nhờ sự vận động của Hội CCB huyện, nhiều hội viên đã có niềm tin, nỗ lực làm lụng để quyết tâm thoát nghèo. Hiện nay Hội CCB huyện có 35 mô hình làm kinh tế các loại do CCB làm chủ, đã giúp 289 lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập bình quân 3-6 triệu đồng/người/tháng; trong đó có CCB và con em CCB, gia đình chính sách.

Để hỗ trợ cho CCB trong việc vay vốn phát triển kinh tế, Hội CCB huyện đã xây dựng quỹ hội với số tiền hơn 500 triệu đồng, giúp hội viên vay tiền với lãi suất thấp, đồng thời tín chấp với Ngân hàng CSXH hơn 67 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả của CCB ra đời như: Nuôi keo hữu cơ; hợp tác xã trồng sâm Bố Chính, cây Sachi, cây chuối già lùn; hoa tươi bốn mùa, rau sạch quanh năm; chăn nuôi thủy sản; vườn ao chuồng… mang lại nhiều thu nhập cho hội viên.

“Phong trào CCB giúp nhau làm kinh tế đã phát huy hiệu quả về quy mô và số lượng. Nhiều hội viên phát huy tinh thần, phẩm chất người “Bộ đội Cụ Hồ”, không ngại khó, ngại khổ, cầu tiến, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế hộ gia đình để thoát nghèo bền vững. Đời sống của hội viên không ngừng được nâng lên, tạo được việc làm cho hàng trăm lao động”, ông Lê Anh Miêng, Chủ tịch Hội CCB huyện A Lưới cho biết.

“Năm 2017, Hội CCB huyện kết nghĩa với Hội CCB huyện Sá Muội (tỉnh Salavan, Lào) và đã tổ chức được 3 cuộc giao ban để chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Hội CCB. Năm 2023, 3 Chi hội CCB thôn A Tin (xã Lâm Đớt), thôn A Bả (xã Quảng Nhâm) và thôn Pi Reeh (xã Hồng Thủy) đã ký kết nghĩa với các bản giáp giới của Lào. Hằng năm vào dịp lễ, tết cổ truyền của Việt Nam và lễ, tết truyền thống của Lào, hai bên đều sang thăm hỏi, tặng quà và tổ chức những cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao như bóng đá, bóng chuyền, tạo khí thế đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, bà con nhân dân của hai bên”, ông Lê Anh Miêng cho hay.

ĐĂNG TRÌNH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/nhieu-hoat-dong-y-nghia-146523.html
Zalo