Nhiều hoạt động trong Lễ hội 'Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo'

Tại Lễ hội, nhiều hoạt động đặc sắc, tiêu biểu được tổ chức như: thăm quan và Hội nghị 'Khởi nghiệp du lịch' – công bố kết nối tour du lịch trong và ngoài tỉnh...

Quang cảnh buổi thông tin các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Bù Đăng. Ảnh: K GƯỈH-TTXVN

Quang cảnh buổi thông tin các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Bù Đăng. Ảnh: K GƯỈH-TTXVN

Chiều 24/10, UBND huyện Bù Đăng tổ chức họp báo thông tin các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Bù Đăng (14/12/1974 – 14/12/2024).

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Nguyễn Văn Lưu cho biết, Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 8 – 10/11/2024) tại Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (thôn 1, xã Bình Minh) là hoạt động chính của Kỷ niệm.

Tại Lễ hội, nhiều hoạt động đặc sắc, tiêu biểu được tổ chức như: thăm quan và Hội nghị “Khởi nghiệp du lịch” – công bố kết nối tour du lịch trong và ngoài tỉnh; Triển lãm, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; Lễ hội “Kết bạn cộng đồng” của người S’tiêng; trình diễn hòa tấu 50 bộ đàn đá; tổ chức chạy việt dã với chủ đề “Đường về sóc Bom Bo” bao gồm các vận động viên đến từ Bình Phước, Đắk Nông, Bù Đăng; tổ chức lễ hội ẩm thực…

Trong đó, Đêm hội Bom Bo có sự chuẩn bị chương trình nghệ thuật công phu, hoành tráng, có sự tham gia của các ca sỹ, nghệ sỹ đến từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cùng hàng trăm diễn viên, sẽ tái hiện lại hình ảnh giã gạo nuôi quân, đánh giặc giữ nước của đồng bào dân tộc S’tiêng.

Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” không chỉ mang ý nghĩa quảng bá tiềm năng du lịch mà còn góp phần từng bước thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tại huyện; kêu gọi sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp…, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Các hoạt động của lễ hội cũng nhằm tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và tạo không khí vui tươi phấn khởi, cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Nguyễn Văn Lưu thông tin các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Bù Đăng. Ảnh: K GƯỈH-TTXVN

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Nguyễn Văn Lưu thông tin các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Bù Đăng. Ảnh: K GƯỈH-TTXVN

Huyện Bù Đăng là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế và quốc phòng, có Quốc lộ 14 nối liền vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bù Đăng là một trong những căn cứ địa cách mạng quan trọng, là nơi diễn ra trận đánh mở màn của Chiến dịch “Đường 14 – Phước Long” giành thắng lợi vào ngày 14/12/1974, khai thông hành lang chiến lược Đường 14, mở đầu cho những chiến thắng tiếp theo như: giải phóng Đồng Xoài, Phước Bình và tỉnh lỵ Phước Long, góp phần quan trọng vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với sự hy sinh to lớn và những thành tích xuất sắc mà Đảng bộ, quân và dân huyện Bù Đăng đã đạt được trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, huyện đã vinh dự được Chủ tịch nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 3 cá nhân được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là ông Điểu Ong, ông Đoàn Đức Thái và liệt sỹ Nguyễn Văn A.

K Gửi H/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhieu-hoat-dong-trong-le-hoi-vang-mai-tieng-chay-tren-soc-bom-bo/351219.html
Zalo