Nhiều hãng ô tô bất ngờ tái đầu tư phát triển xe động cơ đốt trong
Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt ông lớn trong ngành công nghiệp ô tô tuyên bố tái đầu tư vào phát triển động cơ đốt trong.

Nhu cầu xe với động cơ đốt trong vẫn rất cao ở các thị trường ô tô lớn. Ảnh: Hoàng Linh
Mới nhất, Mercedes-Benz công bố ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho xe chạy xăng và diesel so với xe điện trong kế hoạch phát triển sản phẩm mới. Theo đó, hãng sẽ ra mắt 19 xe động cơ đốt trong mới từ nay tới năm 2027, nhiều hơn con số 17 xe điện mới trong cùng kỳ. Một số mẫu xe cao cấp như S-Class sẽ “bảo lưu” cả khối động cơ V12 - tùy chọn đi ngược hoàn toàn xu thế điện hóa hiện nay.
Lý do hãng xe Đức đưa ra là mong muốn khôi phục tỷ suất lợi nhuận sau khi ghi nhận doanh thu năm 2024 giảm tới 30% và 40% riêng trong phân khúc ô tô du lịch. Trong khi đó, doanh số xe điện Mercedes-Benz giảm tới 25% trong năm 2024.
Bên cạnh xe du lịch, Mercedes-Benz cũng cho biết sẽ phát triển nền tảng xe VAN mới sử dụng động cơ đốt trong. Quyết định này khác hẳn quan điểm trước đó, khi hãng xe Đức hoàn toàn tập trung vào mục tiêu sản xuất xe VAN dựa trên nền tảng điện hóa VAN.EA kể từ năm 2026.
Tương tự đồng hương, BMW cũng vừa có thông báo, tái khẳng định cam kết gắn bó với động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu hóa thạch “chừng nào quy định còn cho phép”. Lãnh đạo bộ phận hiệu năng cao của BMW cũng nhấn mạnh, các dòng xe M trong tương lai vẫn có song song phiên bản điện hóa và phiên bản thuần xăng.
Porsche cũng sẽ tiếp tục giới thiệu các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong, bao gồm cả phiên bản xăng của Macan - mẫu SUV hãng từng tuyên bố sẽ tiến tới chỉ bán ra bản thuần điện. Thông tin về động cơ V8 trên các thế hệ Panamera và Cayenne mới cũng đã xuất hiện.
Việc nhà sản xuất ô tô thể thao lừng danh nước Đức thay đổi ý kiến là dễ hiểu, bởi doanh số xe điện đang trên đà sụt giảm. Năm 2024, lượng xe điện Porsche bán ra tại Trung Quốc (thị trường xe điện lớn nhất thế giới) giảm tới 28%. Mặc dù vậy, Porsche sẽ phải trả giá không rẻ cho quyết định mới, khi ước tính biên độ lợi nhuận năm 2025 chỉ vào khoảng 10-12%, thấp hơn nhiều mốc 20% theo kế hoạch ban đầu.

Mẫu xe mang tính biểu tượng 911 vẫn sử dụng động cơ boxer 6 xy lanh đối xứng kết hợp công nghệ điện hóa. Ảnh: Porsche
Tại Mỹ, xu hướng xe điện thoái trào một phần do những chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc đẩy các nhà sản xuất cân nhắc lại chiến lược sản phẩm.
General Motors (GM) đã đầu tư hơn 500 triệu USD vào nhà máy Arlington Assembly ở Texas, nhằm củng cố danh mục sản phẩm sử dụng động cơ đốt trong, đặc biệt là các dòng SUV cỡ lớn. Trước đó, hãng cũng đã đầu tư 1 tỷ USD vào hai nhà máy sản xuất tại Flint (bang Michigan). Động thái này cho thấy GM vẫn đặt niềm tin vào tương lai của động cơ đốt trong, đồng thời tiếp tục phát triển song song với các dòng xe điện.
Về phần mình, tình trạng lỗ nặng trong mảng xe điện được dự báo sẽ kéo sang cả năm 2025, Ford từ bỏ ý định chỉ tập trung phát triển xe điện, trong đó dừng sản xuất F-150 Lightning và hủy dự án phát triển SUV điện cỡ lớn với 3 hàng ghế. Hãng cũng cho biết, sẽ tiếp tục cung cấp xe xăng - dầu ở những thị trường có nhu cầu hoặc có hạ tầng xe điện chưa phát triển nhằm đáp ứng đúng yêu cầu của khách hàng và bảo đảm lợi nhuận.
Tại Nhật Bản, Toyota cùng các đối tác Mazda và Subaru đã công bố kế hoạch tiếp tục phát triển động cơ đốt trong, đồng thời nghiên cứu các giải pháp nhiên liệu trung hòa carbon. Mục tiêu của nhóm này là duy trì sự linh hoạt trong khả năng cung cấp xe, đáp ứng đa dạng nhu cầu của thị trường và thích ứng với các quy định môi trường khác nhau trên toàn cầu.
Không chỉ nhóm xe du lịch, hàng loạt hãng siêu xe như Lamborghini và Aston Martin cũng đã tuyên bố tiếp tục đầu tư vào động cơ đốt trong, đặc biệt là động cơ V12. Lamborghini đã giới thiệu mẫu Revuelto với động cơ V12 6.5L hút khí tự nhiên, công suất 818 mã lực. Aston Martin cũng thiết kế lại động cơ V12 tăng áp kép dung tích 5.2L cho xe DBS 770 Ultimate. Các động cơ hiệu suất cao này được cho là nhằm đảm bảo trải nghiệm lái xe độc đáo.

Lamborghini Revuelto ra mắt tại Việt Nam năm 2024. Ảnh: Hoàng Linh
Những diễn biến mới trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu xảy ra trong bối cảnh xe điện đang dần trở lại vị trí là một trong các lựa chọn phương tiện đi lại, thay vì “tương lai tất yếu” như nhiều quan điểm trước đây.
Khảo sát của McKinsey tại 15 quốc gia cho thấy, có tới 46% chủ nhân xe điện có kế hoạch trở lại mua xe động cơ đốt trong, do vấp phải những trở ngại trong sạc điện và chi phí sở hữu dài hạn quá cao, lại chịu nhiều hạn chế khi thực hiện các chuyến đi đường dài.