Nhiều hạn chế trong thực thi pháp luật về cấp, thoát nước và xử lý nước thải

Bộ Xây dựng cũng chỉ ra rằng nguồn vốn đầu tư cho thoát nước và xử lý nước thải chủ yếu từ nguồn ODA, chưa tương xứng với nhu cầu thực tế do vốn đầu tư rất lớn (gấp từ 3 đến 10 lần so với đầu tư công trình cấp nước)...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngày 9/1, Bộ Tư pháp tổ chức họp Hội đồng thẩm định Dự án Luật Cấp, thoát nước.

Báo cáo tại phiên họp, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Xây dựng cho biết hiện nay, điều chỉnh hoạt động cấp nước sạch, thoát nước (bao gồm thoát nước mưa, thoát nước thải và xử lý nước thải) chưa được quy định trong các văn bản Luật hiện hành; chỉ được quy định bằng văn bản dưới Luật là các Nghị định (quy định trực tiếp).

Tuy nhiên, quá trình thực thi pháp luật về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải đã đạt được một số kết quả về phát triển cấp, thoát nước; về quản lý vận hành, bảo đảm an toàn dịch vụ cấp, thoát nước; chuyển đổi số, quản lý nước thông minh, khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực cấp, thoát nước.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, quá trình tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện. Do đó, việc xây dựng Luật Cấp, thoát nước là cần thiết.

Dự thảo Luật Cấp, thoát nước gồm 8 chương, 65 điều.

Nội dung cơ bản của dự thảo Luật gồm những quy định chung; chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển cấp, thoát nước; đầu tư phát triển hệ thống cấp, thoát nước; quản lý vận hành và khai thác hệ thống cấp, thoát nước; dịch vụ cấp, thoát nước; giá nước sạch và giá dịch vụ thoát nước…

Tờ trình của Bộ Xây dựng cho thấy đối với khu vực đô thị trên cả nước có khoảng hơn 250 doanh nghiệp cấp nước, vận hành trên 1.000 nhà máy nước và mạng đường ống cấp nước bao phủ khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn lân cận. Ở khu vực nông thôn có khoảng 18.000 công trình cấp nước sạch tập trung, 10 triệu công trình cấp nước quy mô hộ gia đình…

Tính đến tháng 12/2024, toàn quốc có 83 nhà máy xử lý nước thải đô thị đang vận hành ở hơn 50 đô thị với tổng công suất thiết kế khoảng 2,064 triệu m3/ngày, công suất thực tế khoảng 1,063 triệu m3/ngày.

Đối với khu vực nông thôn, thoát nước và xử lý nước thải hầu như chưa có công trình xử lý nước thải tập trung; riêng một số khu vực làng nghề, nước thải sản xuất được thu gom, xử lý sơ bộ; còn lại hầu hết nước thải sinh hoạt nông thôn xả trực tiếp ra môi trường.

Theo Bộ Xây dựng, pháp luật quản lý lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải hiện chưa có luật chuyên ngành, đang thực hiện theo các Nghị định được ban hành từ 10-15 năm trước đây, nhiều nội dung trong Nghị định đã ban hành đến nay chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển ngành cấp, thoát nước và đang bị chi phối bởi nhiều Luật có liên quan khác; đã và đang tác động trực tiếp đến quá trình đầu tư, vận hành; hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ và kiểm soát rủi ro.

Ngoài ra, theo Luật Quy hoạch 2017, nội dung quy hoạch cấp, thoát nước trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chỉ mang tính định hướng, chưa được quy định cụ thể. Trong thời gian qua, nhiều quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được phê duyệt nhưng nội dung quy hoạch cấp, thoát nước chưa đầy đủ các nội dung để làm cơ sở cho các quy hoạch cấp dưới triển khai và khó khăn cho việc lập, triển khai các dự án đầu tư xây dựng. Trong thời gian tới sẽ gặp khó khăn khi đầu tư xây dựng các dự án cấp nước, thoát nước mang tính vùng.

Trong thời gian qua, từ việc phân giao quản lý, nội dung quy hoạch cấp nước thiếu tính gắn kết khu vực đô thị, nông thôn, thiếu tính vùng; chủ yếu tập trung huy động nguồn lực tư nhân đầu tư lấp kín khu vực cấp nước còn thiếu. Điều này dẫn đến phát triển cấp nước manh mún, nhỏ lẻ thiếu bền vững, hạn chế hỗ trợ phát triển cấp nước nông thôn.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, cần thiết đầu tư công trình cấp nước quy mô vùng liên tỉnh, dẫn nguồn nước từ xa, có chi phí đầu tư lớn, hiệu quả đầu tư thấp. Hiện nay chưa có cơ chế chính sách hướng dẫn về hỗ trợ đầu tư, quản lý vận hành và sự tham gia của các Bộ ngành, địa phương.

Bộ Xây dựng cũng chỉ ra rằng nguồn vốn đầu tư cho thoát nước và xử lý nước thải chủ yếu từ nguồn ODA, chưa tương xứng với nhu cầu thực tế do vốn đầu tư rất lớn (gấp từ 3 đến 10 lần so với đầu tư công trình cấp nước).

Giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thấp chưa tạo động lực cho huy động tư nhân đầu tư. Đầu tư không đồng bộ giữa mạng lưới thoát nước và nhà máy xử lý nước thải nên không khai thác hết công suất thiết kế nhà máy xử lý nước thải, giảm hiệu quả đầu tư công trình. Nhiều hệ thống thoát nước mặt (nước mưa) tại các đô thị bị vượt tải, khả năng thoát nước không theo kịp thực tiễn của tác động biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết cực đoan.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, đây là một luật khó, liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp và là luật mới trong bối cảnh các luật khác có liên quan đã đã được ban hành.

Khi xây dựng luật, Bộ Xây dựng bám sát đặc thù của nước bởi ngành nước là ngành an sinh, an ninh, an toàn để xây dựng chính sách giá phù hợp, vừa có hỗ trợ, vừa có khuyến khích tiết kiệm, phát triển; đảm bảo cấp nước sạch, cấp nước an toàn; lập quy hoạch việc cấp thoát nước; cơ chế thu hút đầu tư trong lĩnh vực cấp, thoát nước; cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải trong các khu công nghiệp, khu chế suất và vấn đề xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, thoát nước…

Đỗ Mến

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhieu-han-che-trong-thuc-thi-phap-luat-ve-cap-thoat-nuoc-va-xu-ly-nuoc-thai.htm
Zalo