Nhiều giải pháp tạo việc làm mới cho lao động

Đa dạng hình thức kết nối cung - cầu lao động, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm (GQVL), thúc đẩy công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài... là những giải pháp được tỉnh Thanh Hóa triển khai nhằm GQVL, duy trì và mở rộng việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động.

Công nhân Công ty TNHH JASAN Việt Nam đóng trên địa bàn xã Định Liên (Yên Định) trong ca sản xuất.

Công nhân Công ty TNHH JASAN Việt Nam đóng trên địa bàn xã Định Liên (Yên Định) trong ca sản xuất.

Xác định công tác dạy nghề, giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, huyện Yên Định đã tập trung các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định Lê Xuân Thành cho biết: “Để có thêm nhiều việc làm mới cho lao động địa phương, các cấp chính quyền trên địa bàn huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; liên kết giữa cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp để đào tạo nghề gắn với GQVL tại chỗ và xuất khẩu lao động cho lao động nông thôn”.

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, từ năm 2011 đến nay Yên Định đã tổ chức trên 1.800 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đào tạo nghề. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa, các doanh nghiệp uy tín trong và ngoài huyện tổ chức 6 chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 2.000 lao động, trong đó ưu tiên đối tượng lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo... Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo tại huyện Yên Định đạt tỷ lệ 80,88%, tăng 36,88% so với năm 2011 và tăng 27,88% so thời điểm huyện đạt chuẩn NTM năm 2015. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ toàn huyện đạt 32,86%, tăng 11,3% so với năm 2015 và tăng 15,21% so với năm 2011, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Giai đoạn 2021-2023, huyện GQVL mới cho 12.132 lao động. Dự kiến đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 0,75% (đạt 100% chỉ tiêu tỉnh giao).

Để hoàn thành mục tiêu GQVL mới cho trên 3 nghìn lao động trong năm 2024, ngay từ đầu năm huyện Thọ Xuân đã chỉ đạo các xã, thị trấn thống kê, phân loại lao động, rà soát số người có nhu cầu học nghề, tìm việc làm để xây dựng kế hoạch đào tạo, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn huyện. Đồng thời, triển khai các giải pháp phát triển doanh nghiệp, mở rộng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống nhằm tạo việc làm mới cho lao động nông thôn. Đến nay, huyện duy trì việc làm thường xuyên cho hơn 109 nghìn lao động. Trong đó, hơn 2 nghìn lao động tại các làng nghề và nghề truyền thống; hơn 20 nghìn lao động nghề may, da giày; còn lại làm việc trên các lĩnh vực xây dựng, dịch vụ, nông, lâm, thủy sản... Toàn huyện phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm đạt 96% trở lên, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ lao động trong công nghiệp - xây dựng, thương mại và dịch vụ, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp còn 20%.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), 6 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho khoảng 30.600 lao động, đạt 52,8% kế hoạch năm và tăng 0,2% so với cùng kỳ năm; tổ chức 13 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và phiên lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố với 230 lượt doanh nghiệp, đơn vị và 8.156 lượt người lao động tham gia tuyển dụng; qua đó, cung cấp thông tin thị trường lao động cho trên 8.150 lượt người, kết nối việc làm thành công cho 1.195 lao động có nhu cầu tìm việc làm trong nước, đi làm việc ở nước ngoài và học nghề...

Nhằm giúp người lao động tìm kiếm việc làm ổn định, tỉnh tiếp tục thực hiện kế hoạch liên kết lao động với các tỉnh, trong đó đã ký hợp đồng với nhiều tỉnh để tuyển dụng lao động. Tổ chức phiên giao dịch việc làm, xây dựng website sàn giao dịch việc làm trực tuyến nhằm tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Đặc biệt, tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho sinh viên mới ra trường qua hình thức đến trực tiếp các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh để gặp gỡ, tư vấn, trao đổi thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời định hướng việc làm cho sinh viên mới ra trường.

Ngoài các hoạt động nêu trên, nhằm GQVL, tăng nguồn thu ngoại tệ cho gia đình và địa phương, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp chặt chẽ và thực hiện quyết liệt chương trình đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Vì vậy, công tác xuất khẩu lao động đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã đưa 7.414 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 123% kế hoạch năm và tăng trên 7% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ đạo tổ chức, hướng dẫn tiếp nhận đăng ký dự thi tiếng Hàn cho 10.497 người lao động, qua đó đưa tỉnh Thanh Hóa là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng thí sinh đăng ký dự thi.

Với mục tiêu GQVL mới cho 58.000 lao động trong năm 2024, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục xây dựng các mô hình đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động gắn với GQVL. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề, phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Đồng thời, kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động ở các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn. Đẩy mạnh việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao. Tăng cường nguồn vốn cho quỹ Quốc gia GQVL, tạo thuận lợi trong việc tiếp cận vốn, giải ngân nhanh cho người lao động, tăng hiệu quả nguồn vốn vay GQVL.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nhieu-giai-phap-tao-viec-lam-moi-cho-lao-dong-32522.htm
Zalo