Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết án dân sự

Án dân sự thường chứa đựng những khó khăn, phức tạp đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Tuy nhiên, với việc áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, Tòa án Nhân dân hai cấp tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác xét xử và giải quyết các vụ án dân sự.

Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức một phiên tòa xét xử án dân sự.

Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức một phiên tòa xét xử án dân sự.

Theo ông Hoàng Quý Sửu, Phó Chánh tòa phụ trách Tòa Dân sự, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, đặc thù của các vụ việc dân sự cơ bản là những mâu thuẫn, tranh chấp về quyền lợi nên thường rất phức tạp. Trong quá trình giải quyết, tòa án thường gặp khó khăn như: Đương sự không hợp tác, cố tình kéo dài thời gian giải quyết vụ án bằng cách chậm cung cấp chứng cứ, không chấp hành giấy triệu tập, hoặc không có mặt tại các buổi xem xét, thẩm định, định giá tài sản. Một số trường hợp cá biệt còn cản trở việc thẩm định tại chỗ, khiến thời gian giải quyết bị kéo dài.

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khách quan khác, như: Việc cung cấp tài liệu, chứng cứ từ các cơ quan chức năng không đúng hạn, hoặc có sai sót trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những yếu tố này gây ra khó khăn trong việc phân xử các tranh chấp về đất đai, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, và các tranh chấp phức tạp khác. - ông Hoàng Quý Sửu

Trước những khó khăn trên, TAND hai cấp tỉnh Thái Nguyên đã áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ. Đầu tiên, đội ngũ thẩm phán và thư ký được tham gia các lớp tập huấn để nâng cao chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ. Các đơn vị cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ và tổ chức xét xử trực tuyến, đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động xét xử. Đặc biệt, TAND chú trọng công tác hòa giải, xem đây là giải pháp ưu tiên trong các vụ việc dân sự. Nhiều vụ tranh chấp đã được giải quyết thành công thông qua hòa giải, kể cả tại cấp phúc thẩm.

Điển hình là vụ hòa giải tranh chấp đất đai ở TP. Phổ Yên giữa nguyên đơn là hai ông T.V.P (ở phường Tân Phú) và Đ.M.T (ở phường Trung Thành) với bị đơn là Đ.T.S (ở phường Trung Thành). Sau khi TAND tỉnh tiếp nhận giải quyết đã nghiên cứu hồ sơ, tài liệu chứng cứ liên quan cũng như tâm tư nguyện vọng của các bên, các thẩm phán đã phân tích luận cứ, giải thích về trách nhiệm cũng như mặt được - mất, các bên đã nhất trí tự thỏa thuận.

Nhờ những nỗ lực này, trong năm 2024, TAND hai cấp tỉnh đã giải quyết 4.042/4.295 vụ việc, đạt tỷ lệ 94,1%. Trong đó, có 2.171 vụ được công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự, chiếm tỷ lệ 56,4%. Những kết quả này không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân mà còn góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Ích Yên, Phó Chánh án TAND tỉnh Thái Nguyên: để tiếp tục nâng cao hiệu quả giải quyết án dân sự, các đơn vị tòa án cần thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và nâng cao trách nhiệm của đội ngũ thẩm phán, thư ký trong việc tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để thu thập chứng cứ chính xác, phục vụ tốt nhất cho công tác giải quyết vụ án.

Bên cạnh đó, các thẩm phán cần đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng, trau dồi kiến thức pháp luật, rút kinh nghiệm sau mỗi vụ án, và đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật để nâng cao nhận thức của người dân. Những định hướng này không chỉ góp phần giải quyết hiệu quả các vụ án dân sự mà còn khẳng định vai trò của TAND trong việc bảo vệ công lý và quyền lợi hợp pháp của công dân…

Hoàng Anh

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/phap-luat/202412/nhieu-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-giai-quyet-an-dan-su-1d817b6/
Zalo