Nhiều giải pháp cải thiện chất lượng môi trường
Thời gian gần đây, Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng thường hứng chịu các đợt ô nhiễm không khí kéo dài nhiều ngày, với mức độ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe mọi người. Nhằm giảm thiểu tình trạng này, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp.
Ứng dụng kỹ thuật mới
Ô nhiễm bụi mịn không chỉ là một vấn đề về môi trường, mà còn là một mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Thủ đô Hà Nội là một trong những thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề từ ô nhiễm bụi, với mức độ ô nhiễm thường xuyên ở mức báo động đỏ theo tiêu chuẩn của tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Theo đánh giá, các nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu bao gồm: Xe máy, ô tô, xe buýt và các loại phương tiện giao thông khác thải ra lượng lớn khí CO2, NOx, SO2 và các hạt bụi nhỏ (PM2.5, PM10). Các nhà máy, xí nghiệp và cơ sở sản xuất tại Hà Nội và các khu vực lân cận thải ra nhiều chất khí và bụi. Việc xây dựng các công trình, dự án đô thị và hạ tầng giao thông cũng khiến gia tăng lượng bụi và khí thải vào không khí.
Trước tình trạng ô nhiễm không khí gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường và sức khỏe của người dân, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) đã tăng tần suất rửa đường, điều chỉnh thời gian rửa đường từ gần sáng đến trước giờ cao điểm, bổ sung lượt rửa đường vào giờ trưa... Đặc biệt, Công ty đề xuất áp dụng giải pháp sử dụng phương pháp “pháo xa sương mù” để giảm mạnh, giảm nhanh ô nhiễm do bụi mịn gây ra.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Urenco, cho biết, nhiều nước đã sử dụng giải pháp kỹ thuật này để dập bụi. Dung tích của xe phun sương hay còn gọi là “pháo xa sương mù” có thể chứa tới 10 tấn nước, phun sương liên tục trong 75 phút. Những hạt sương xe phun ra đạt kích cỡ micron, có thể phân giải những hạt phân tử bụi trong không khí hiệu quả. Nếu áp dụng, sử dụng xe phun sương, dập bụi với dung tích lớn, tầm phun cao hơn với khối lượng và tần suất phù hợp sẽ giảm lượng lớn khói bụi trong không khí tại các tuyến phố chính, các tuyến phố quan trọng của Hà Nội. Trước thực trạng mật độ giao thông ở Hà Nội dày đặc, đơn vị sẽ cân nhắc lựa chọn thời điểm phun sương phù hợp để tránh ảnh hưởng đến giao thông cũng như sinh hoạt của người dân.
Trong thời gian trước mắt, để giảm bụi trên địa bàn thành phố, Urenco đề nghị UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, UBND các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, UBND huyện Thanh Oai, Mỹ Đức xem xét, phê duyệt: Bổ sung tăng cường khối lượng, tần suất các tuyến duy trì tưới nước rửa đường vào các hợp đồng duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn các quận, huyện do công ty thực hiện.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Thời gian qua, Thủ đô Hà Nội đã triển khai các biện pháp nhằm từng bước giảm thiểu ô nhiễm không khí như: Giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các nguồn phát sinh; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, vận hành hệ thống quan trắc nhằm quản lý, kiểm soát chất lượng môi trường không khí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng. Thành phố cũng đã xóa bỏ được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong; giảm 80% hiện tượng đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp ở ngoại thành, đốt rác tự phát; chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công.
Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn các quận, thị xã đã trồng được hơn 147.500 cây bóng mát, 110.806 cây cảnh, khóm; 549.449m2 mảng cây, thảm cỏ. Để giải quyết việc xử lý rác thải, Thành phố đã chỉ đạo đảm bảo tiến độ và đưa Nhà máy điện rác Sóc Sơn với quy mô lớn và hiện đại, công suất xử lý 4.000 tấn/ngày, công suất phát điện 90MW vào hoạt động, việc làm này đã góp phần giảm thiểu việc chôn lấp. Thành phố cũng chỉ đạo sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động Dự án nhà máy điện rác Seraphin công suất 37MW trong quý I/2025 cũng như hoàn thiện thủ tục đầu tư một số dự án xử lý rác thải tại huyện Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ.
Nhằm triển khai Luật Bảo vệ môi trường, UBND các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm… đã triển khai thí điểm mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và đạt kết quả tích cực. Đến nay, từ việc thí điểm đồng bộ hóa thu gom, áp dụng tối đa cơ giới hóa, quận Hoàn Kiếm đã xóa 45 điểm chân rác vào ban ngày và người dân đã dần có ý thức trong việc bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Người dân 18/18 phường thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm đã được tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn.
Còn tại quận Ba Đình, công tác thu gom rác thải sinh hoạt luôn được đảm bảo thực hiện trong ngày, với khối lượng hơn 100.000 tấn, toàn địa bàn cũng đã giảm 13 điểm tập kết rác gây mất mỹ quan đô thị. Cùng với tuyên truyền, quận đã lắp đặt 1.500 camera theo dõi giám sát, sắp tới sẽ lắp thêm 2.850 camera để theo dõi, xử lý vi phạm.
Được biết, nhằm đảm bảo cho công tác bảo vệ môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng, về các giải pháp ưu tiên, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục vận hành ổn định hệ thống quan trắc chất lượng đồng thời thiết lập hệ thống giám sát, cảnh báo và dự báo ô nhiễm không khí để xác định các điểm nóng và có phương án xử lý kịp thời đồng thời triển khai các giải pháp cải thiện, giảm thiểu các nguồn chính ô nhiễm không khí, đặc biệt quản lý, giám sát, duy trì thường xuyên hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến giao thông chính phân cấp.