Nhiều dự án hối hả về đích

Nỗi phiền phức do ùn tắc, thiếu an toàn, mất thời gian… tại nhiều cửa ngõ TP HCM sắp được giải tỏa khi nhiều dự án băng băng về đích

Có mặt tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) ngày 14-8, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận lượng xe các tỉnh miền Tây đổ về TP HCM thông qua đường Nguyễn Văn Linh không ngớt, đa số là container, ô tô tải chở hàng hóa, nông sản. Ở chiều ngược lại, hình ảnh phương tiện như mắc cửi diễn ra tương tự.

Trải nghiệm không dễ chịu

Do gánh lượng lớn xe tải nặng nên một số đoạn trên đường Nguyễn Văn Linh gần khu vực thi công dự án nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ có tình trạng xuống cấp, mặt đường bong tróc, xuất hiện ổ gà. Phương, một tài xế trẻ, cho hay mới nhận công việc chuyên chở ít tuần nhưng đã có vài trải nghiệm không mấy dễ chịu bởi ùn ứ hoặc dằn xóc.

Nhánh hầm chui HC1 thuộc dự án xây dựng nút giao An Phú sẽ được đưa vào sử dụng cuối năm 2024

Nhánh hầm chui HC1 thuộc dự án xây dựng nút giao An Phú sẽ được đưa vào sử dụng cuối năm 2024

"Nhiều khi phải tập trung tinh thần vào tay lái gấp đôi bình thường, rồi còn bị áp lực về thời gian giao hàng nữa, mệt mỏi lắm…" - người này bỏ lửng câu nói, đạp phanh và theo thói quen ấn còi trước một vết lõm mặt đường.

Ở cửa ngõ phía Đông, khu vực nút giao An Phú (TP Thủ Đức) dẫn lên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây tình trạng trên không khá hơn khi các tuyến đường Mai Chí Thọ, Đỗ Xuân Hợp, Võ Chí Công thường xuyên quá tải.

Anh Nguyễn Văn Hiếu (quận 12), thường xuyên di chuyển qua cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, kể trong ngao ngán thường chở vợ con đi du lịch Vũng Tàu, Phan Thiết. Tưởng đi cao tốc để rút ngắn thời gian nhưng không ít lần anh mất cả 30-45 phút mới qua được đoạn Mai Chí Thọ. Khi lên cao tốc lại ùn tiếp, có khi mất đến 3 giờ mới có thể rẽ vào Quốc lộ 51.

"Ai cũng mong chờ nút giao An Phú sớm hoàn tất để giảm tải cho khu vực cửa ngõ phía Đông. Được như vậy, việc du lịch hay giao thương hàng hóa giữa TP HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ thuận lợi hơn" - anh Hiếu bày tỏ.

Còn quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), nhiều người lắc đầu khi nhắc tới "3 con đường ám ảnh" Trường Chinh, Cộng Hòa và Cách Mạng Tháng Tám. Do nằm ở cửa ngõ dẫn vào sân bay, kết nối các quận, huyện ngoại thành với khu trung tâm thành phố nên 3 tuyến đường này luôn quá tải trong khung giờ cao điểm.

Bức tranh dần sáng

Do là trung tâm kinh tế của cả nước với hàng loạt cảng hàng hóa lớn nên hoạt động vận tải tại TP HCM luôn sôi động, điều đó đồng nghĩa các tuyến đường cửa ngõ kết nối TP HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên trong tình trạng quá tải. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ thay đổi vào cuối năm 2024 khi nhiều dự án trọng điểm hoàn thành.

Nhìn nhận về bức tranh giao thông trong năm 2024, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (gọi tắt Ban Giao thông), khẳng định cùng với nỗ lực bảo đảm tiến độ đường Vành đai 3, cao tốc TP HCM - Mộc Bài… thì nhiều dự án đang thi công khác sẽ được đưa về đích như kế hoạch đề ra.

Trong đó, nhóm dự án giảm tải cho cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất như xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, xây dựng cầu Tân Kỳ Tân Quý; mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý xong vào tháng 12-2024. Nhóm công trình này khi hoàn thành sẽ góp phần giảm tải các tuyến đường cửa ngõ sân bay gồm đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Cách Mạng Tháng Tám…

Nhóm dự án giảm tải cho cửa ngõ phía Nam có công trình xây dựng hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ hoàn thành, thông xe ngày 31-12-2024. Song song đó, thông xe đoạn 4,3 km đường song hành Quốc lộ 50 thuộc Dự án Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50. Cầu Rạch Đỉa (nối quận 7 và huyện Nhà Bè) cũng sẽ thông xe ngày 31-12-2024.

Đoạn 4,3 km song hành Quốc lộ 50 thời điểm hiện tại

Đoạn 4,3 km song hành Quốc lộ 50 thời điểm hiện tại

Ở cửa ngõ phía Đông, nhóm dự án giảm tải cho khu vực như cầu Nam Lý; 1 đơn nguyên công trình xây dựng cầu Tăng Long sẽ được đưa vào sử dụng. Đặc biệt, hầm chui HC1 dự án Xây dựng nút giao An Phú cũng hoàn tất trong tháng 12-2024.

Theo ông Lương Minh Phúc, không đợi đến khi toàn dự án hoàn thành mà những hạng mục nào xong sẽ đưa vào sử dụng ngay. Điển hình, ngày 10-8, Ban Giao thông đã đưa vào sử dụng hầm chui Phan Thúc Duyện, hướng từ đường Hoàng Văn Thụ về Thăng Long, thuộc Dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, hầm chui góp phần giảm lưu lượng xe từ sân bay Tân Sơn Nhất ra vòng xoay Lăng Cha Cả.

"Nhiều dự án, hạng mục hoàn thành sẽ giúp việc đi lại của người dân ở các cửa ngõ thuận tiện hơn. Qua đó góp phần kết nối giao thương, phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM với các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ" - ông Phúc cho hay.

Sớm quyết định với cầu Thủ Thiêm 4

Với khu vực trung tâm, UBND TP HCM vừa có văn bản khẩn gửi Bộ GTVT về triển khai dự án Đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, trên cơ sở hiện trạng, định hướng quy hoạch và nhu cầu lưu lượng, cầu Thủ Thiêm 4 được tư vấn nghiên cứu đề xuất đầu tư có tổng chiều dài toàn tuyến trên 2,1 km (phần cầu chính hơn 1,6 km), quy mô mặt cắt ngang 6 làn xe, phương án tĩnh không thông thuyền BxH=80mx15m… Khi cầu hoàn thành, các lợi ích có thể thấy là khai thác hiệu quả khu cảng Nhà Rồng, Khánh Hội; không gian sông Sài Gòn khu vực có công trình cầu thoáng hơn, phát huy hiệu quả kiến trúc, mỹ quan đô thị...

UBND TP HCM báo cáo và đề nghị Bộ GTVT quan tâm, xem xét, có ý kiến để có cơ sở hoàn thiện hồ sơ Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi dự án. Từ đó, sớm trình cấp thẩm quyền thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư.

Ph.Anh

Bài và ảnh: THU HỒNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhieu-du-an-hoi-ha-ve-dich-196240814213020762.htm
Zalo