Làm gì để người dân đi bộ 800 m đến nhà ga metro?

Chuyên gia cho rằng yêu cầu quan trọng khi làm quy hoạch là đặt người dân lên hàng đầu, người dân đi bộ trong 800 m đến được nhà ga metro...

Sáng ngày 5-7, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật đã tổ chức Hội thảo "Tích hợp quy hoạch để phát triển đô thị theo mô hình giao thông công cộng (TOD) tại TP.HCM".

Quy hoạch cần ưu tiên con người

 Các chuyên gia cho rằng TP.HCM khi quy hoạch cần ưu tiên con người lên hàng đầu. Ảnh: ĐT

Các chuyên gia cho rằng TP.HCM khi quy hoạch cần ưu tiên con người lên hàng đầu. Ảnh: ĐT

Tại hội thảo, PGS.TS Hồ Quốc Chính - Giảng viên Đại học Sydney đặt vấn đề, TP.HCM cần thí điểm TOD và học hỏi mô hình này TP Sydney để thành công. Bởi làm TOD không chỉ nằm ở các nhà khoa học, mà còn liên quan đến chính sách, công nghệ và tiền để làm được nó.

Kinh nghiệm cho thấy, TOD nếu được quy hoạch bền vững sẽ thu hút người dân tới tham gia sinh hoạt, vui chơi. Sydney cũng từng biến khu đất, bãi container bị bỏ trống nhiều năm, thậm chí không ai lui tới thành một khu vui chơi, tour du lịch hấp dẫn.

Theo TS. Chính để làm được điều này cần có quy hoạch bền vững và thiết kế tạo ra không gian kết nối. Trong đó, cần thay đổi mạnh mẽ trong quan điểm quy hoạch và chính sách. Đồng thời, khi quy hoạch cần tạo ra không gian ưu tiên con người. Do vậy, cần lựa chọn mô hình phù hợp dựa trên nguyên tắc quy hoạch và giao thông đô thị để tạo ra cộng đồng phức hợp.

Áp dụng vào TP.HCM, có thể phát triển TOD khu vực các nhà ga metro số 1, song TP còn một số trở ngại trước mắt. Đó là Chính phủ giao TP.HCM thí điểm mà không có một bộ tiêu chí hướng dẫn đánh giá. Đây vừa là cơ hội cũng là thách thức.

Vì vậy, TP cần phải phát triển mục tiêu trước khi triển khai thí điểm. TP.HCM cũng có nhiều khó khăn khi tuyến TOD như metro số 1 và metro số 2 đã có sẵn bao gồm vị trí các nhà ga metro và vị trí tuyến.

TP đã bỏ lỡ cơ hội và giá đất đã tăng gấp nhiều lần so với trước đó, từ việc đầu tư metro. Như vậy, hiện nay TP đang tạo áp lực tài chính trong việc xây dựng thêm ga mới và phát triển vùng lân cận ga.

 Người dân đi bộ trong 800 m đến được nhà ga metro mới thu hành khách. Ảnh: ĐT

Người dân đi bộ trong 800 m đến được nhà ga metro mới thu hành khách. Ảnh: ĐT

Phân tích không gian và tận dụng quy hoạch, TP có đến 0,72 triệu lượt (8%) hành khách đi lại từ hệ thống metro, số còn lại sẽ không sử dụng giao thông công cộng.

Ông Chính phân tích thêm, chúng ta cần chọn vị trí làm TOD để gắn kết với nhau, người dân có thể đi bộ trong 800 m là tới được khu vực nhà ga metro. TP đã bỏ lỡ khi thông báo vị trí các nhà ga metro, còn người dân đã mua đất thành công. Đây thực sự là bài học cho các dự án sau này.

"Hiện trung tâm TP có quá nhiều tòa nhà cao tầng, trong khi ở các nước, trung tâm TP chỉ là nơi làm việc. Để thực hiện thành công, TP cần nhiều dữ liệu chất lượng tốt, chọn điểm làm thí điểm TOD, cân nhắc kỹ khi chọn mục tiêu" - PGS.TS Hồ Quốc Chính gợi ý.

Thuê quyền sử dụng đất để làm quy hoạch

TS Phạm Trần Hải - Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, để phát triển TOD cần làm hai việc. Thứ nhất là tổ chức không gian trong khu vực TOD gồm trong nội thành hay ngoại thành. Đơn cử như nghiên cứu lại đất đai, tổ chức không gian và tái điều chỉnh đất.

Nhà nước có thể vận dụng quyền sử dụng đất lấy diện tích sàn xây dựng có giá trị tương đương hoặc lớn hơn giá trị sử dụng đất hoặc cho thuê quyền sử dụng đất trong một khung thời gian nhất định. Việc chuyển quyền phát triển không gian cũng đã thực hiện ở nhiều nước, vì vậy cần sớm công nhận quyền sử dụng không gian để thu hút người dân.

Thứ hai là điều tiết giá trị tăng từ đất. Bao gồm các phí cải thiện, phí tác động và chuyển nhượng quyền phát triển không gian đối với khu vực TOD, áp dụng mức phí sàn m2 cho khu vực tăng thêm và thu một lần. Đồng thời, đấu giá trước khi phê duyệt quy hoạch chi tiết hoặc cấp phép xây dựng.

TS Hải nhìn nhận, để người dân đi bộ đến các nhà ga metro là vô cùng quan trọng. Vì vậy, khi phát triển đô thị theo mô hình TOD cần đánh giá tổng thể để thu hút người dân tham gia vào hệ thống giao thông công cộng có sức chở lớn.

GS.TS Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật TP.HCM đánh giá, việc tích hợp không gian, giao thông sẽ giúp tạo giá trị gia tăng xung quanh các nhà ga metro và các tuyến metro.

Tuy nhiên, việc phát triển TOD vẫn còn khá nhiều mới mẻ, hạn chế và cả thách thức. Vì vậy, dưới sự đề xuất của các đơn vị tiến hành tổ chức Hội thảo này.

Từ hội thảo sẽ có nhiều kiến nghị, giá trị thiết thực để giúp TP.HCM, sở ngành có tầm nhìn, nhận định rõ ràng hơn để triển khai thành công TOD theo Nghị quyết 98 của Quốc hội.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/lam-gi-de-nguoi-dan-di-bo-800-m-den-nha-ga-metro-post798987.html
Zalo