Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm sâu sắc đến thị trường Việt Nam
Các doanh nghiệp Trung Quốc bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong phát triển AI ứng dụng trong công nghiệp sản xuất, giải pháp IoT trong đô thị thông minh; nghiên cứu triển khai các mô hình hợp tác y dược sinh học, xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị…
Tọa đàm Xúc tiến đầu tư, thương mại, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam - Trung Quốc do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu tổ chức mới đây, thu hút sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp, tổ chức và chuyên gia đến từ tỉnh Quảng Đông và các địa phương lân cận hoạt động trong các lĩnh vực then chốt như sản xuất chế tạo, năng lượng mới, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), y dược sinh học và xây dựng hạ tầng…
Phát biểu tại tọa đàm, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh, năm 2025 là dấu mốc quan trọng, kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc; năm giao lưu nhân văn Việt - Trung. Trong bối cảnh đó, tỉnh Quảng Đông và thành phố Thâm Quyến giữ vai trò chiến lược trong việc thúc đẩy hợp tác thực chất, toàn diện và cùng có lợi giữa hai nước.

Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu
Ông Dũng cho biết, trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Việt Nam đang tập trung triển khai các chiến lược trọng điểm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Cụ thể là Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến 2030, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Chiến lược năng lượng quốc gia đến 2045 và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến 2050 với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2024, Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia, nằm trong top 5 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hàng đầu ASEAN và thứ 12 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Dũng kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc mở rộng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, IoT, chuyển đổi số và năng lượng sạch, đồng thời đề xuất tổ chức các hội thảo chuyên đề, kết nối giữa viện nghiên cứu – trường Đại học – doanh nghiệp hai nước, cũng như mời đoàn chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong chuyển giao công nghệ, xây dựng hạ tầng thông minh và giảm phát thải carbon.
Đại diện các doanh nghiệp tham dự đã bày tỏ quan tâm sâu sắc đến thị trường Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ số và đổi mới sáng tạo. Một số doanh nghiệp công nghệ tại Thâm Quyến bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong phát triển AI ứng dụng trong công nghiệp sản xuất, giải pháp IoT trong đô thị thông minh, cũng như nghiên cứu triển khai các mô hình hợp tác y dược sinh học trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng. Các tập đoàn xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị cũng đánh giá cao tiềm năng hợp tác với Việt Nam, trong xây dựng hạ tầng giao thông thông minh và phát triển các khu công nghiệp xanh.

Tọa đàm Xúc tiến đầu tư, thương mại, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam – Trung Quốc - Ảnh: Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu
Theo Tổng Lãnh sự Nguyễn Việt Dũng, năm 2024, kim ngạch thương mại song phương Việt - Trung đạt 260,65 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2023. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong 20 năm liên tiếp. Trong đó, riêng tỉnh Quảng Đông đóng góp 21% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, đạt 56,3 tỷ USD, giữ vững vị trí là địa phương Trung Quốc có quan hệ thương mại lớn nhất với Việt Nam trong khu vực ASEAN.
Về đầu tư, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 6 tại Việt Nam trong năm 2024 và dẫn đầu về số lượng dự án. Xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc đang dịch chuyển rõ rệt sang các lĩnh vực công nghệ cao, như sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, công nghiệp ô tô và năng lượng sạch.