Nhiều doanh nghiệp không dựa hoàn toàn vào bằng Giỏi hay Xuất sắc khi tuyển dụng

Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở các trường khối kỹ thuật chỉ dao động từ 1-2%, nhiều trường thậm chí tỉ lệ sinh viên xuất sắc chưa đến 1%.

Những năm gần đây, tỉ lệ sinh viên đại học tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi ở một số lĩnh vực ngày càng tăng cao. Nhiều trường tỉ lệ này chiếm khoảng từ 50-60%, thậm chí có trường lên tới hơn 80%. Tuy nhiên, ở khối trường kỹ thuật, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi cao nhất chỉ chiếm khoảng từ 20-30%.

Trong đó, theo báo cáo 3 công khai của một số trường đào tạo khối ngành kỹ thuật, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc chỉ dao động từ 1-2%, nhiều trường thậm chí tỉ lệ sinh viên xuất sắc chưa đến 1% như Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (0,17%), Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (0,5%), Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (0,61%),...

Vì sao tỷ lệ sinh viên khối ngành kỹ thuật tốt nghiệp loại xuất sắc không nhiều?

Lý giải nguyên nhân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khoát - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, đặc thù khối ngành kỹ thuật có yêu cầu rất cao và khắt khe về chuẩn đầu ra. Do vậy, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi thường thấp hơn các khối ngành như kinh tế, xã hội.

Song, thầy Khoát cũng nhấn mạnh, mỗi lĩnh vực đều có đặc thù riêng, vì vậy việc so sánh tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi giữa các khối ngành sẽ không đảm bảo được đầy đủ tính khách quan, chính xác.

 Trường Đại học Mỏ - Địa chất tổ chức Hội nghị Khoa học sinh viên lần thứ 37 (năm 2024). Ảnh: website nhà trường

Trường Đại học Mỏ - Địa chất tổ chức Hội nghị Khoa học sinh viên lần thứ 37 (năm 2024). Ảnh: website nhà trường

Phân tích thêm, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Mỏ - Địa chất nhận định, nền tảng học tốt các ngành kỹ thuật trong mấy năm đầu là phải học tốt các môn tự nhiên, tức là sự kế thừa nền tảng giáo dục ở bậc trung học phổ thông. Trong khi đó, hiện nay học sinh có xu hướng lựa chọn học khối khoa học xã hội ngày càng nhiều. Mà đặc thù khối khoa học xã hội hiện nay vẫn còn yếu tố học thuộc tương đối nhiều. Do đó đây là một trở ngại rất lớn khi học sinh học khối kỹ thuật. Theo thầy Khoát, đây cũng là một thách thức đối mà các trường đào tạo khối ngành kỹ thuật và khoa học tự nhiên đang phải đối mặt.

Bên cạnh đó, hiện nay phần lớn sinh viên đều đi làm thêm để có chi phí trang trải, cũng như tìm kiếm thêm các trải nghiệm. Tuy nhiên có không ít em bị cuốn vào vòng xoáy kiếm tiền mà chểnh mảng việc học, dẫn đến kết quả học tập bị ảnh hưởng.

Việc chuyển đổi từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ cùng với cách quy đổi từ thang điểm 10 sang thang 4 cũng góp phần làm tăng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi so với trước.

Cụ thể, học chế tín chỉ đánh giá theo thang điểm 4,0. Sinh viên chỉ cần đạt từ 3,2 điểm trở lên là đạt loại giỏi - mức này tương đương với 7,6 điểm theo hệ 10. Trong khi đó, với cách xếp loại theo niên chế, sinh viên phải đạt từ 8 điểm trở lên mới được xếp loại giỏi.

 Bảng: Doãn Nhàn

Bảng: Doãn Nhàn

Sinh viên tốt nghiệp loại gì không phải là yếu tố quyết định

Cũng bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tỉ lệ sinh viên giỏi, xuất sắc ở khối ngành kỹ thuật không cao là bình thường. Và điều này phản ánh đúng thực tế yêu cầu đào tạo khắt khe ở khối ngành này.

“Tại Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi ở khối ngành kỹ thuật - công nghệ có tỉ lệ dưới 10%, thậm chí có những ngành không có sinh viên nào tốt nghiệp xuất sắc.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là năng lực của người học sau khi tốt nghiệp - và đây cũng là điều mà các doanh nghiệp quan tâm”, thầy Nhân cho biết.

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ: “Các trường đều làm kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo/kiểm định cơ sở giáo dục, nên không hẳn là nâng tỉ lệ tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi là tốt”.

Tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi chiếm khoảng 20%, và tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc chưa đến 1%.

 Sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày lễ tốt nghiệp. Ảnh: website nhà trường

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày lễ tốt nghiệp. Ảnh: website nhà trường

Theo thầy Thắng, trong tuyển dụng, khi công việc đòi hỏi yêu cầu cao, hầu như không nhiều doanh nghiệp dựa hoàn toàn vào xếp loại học lực mà còn dựa vào các thành tích cá nhân khác, phỏng vấn, bài kiểm tra đầu vào,... để xác định mức độ đáp ứng đầu vào.

Còn khi đi xin học bổng học tiếp ở nước ngoài (học lên thạc sĩ, tiến sĩ), các trường cũng không chỉ dựa vào loại học lực khi tốt nghiệp mà còn dựa vào xếp hạng theo thứ tự (top 1%, 2%, 5%,... của khoa), cùng nhiều yếu tố khác nữa như thư giới thiệu của người hướng dẫn để đánh giá tiềm năng cá nhân trong việc xứng đáng nhận học bổng, hay đánh giá mức độ đáp ứng để xét trúng tuyển.

Do vậy, thầy Thắng cho rằng sinh viên tốt nghiệp loại gì không phải là yếu tố quyết định, và cũng không nên lo lắng quá nhiều về vấn đề này.

Ghi nhận tại Đại học Bách khoa Hà Nội - vốn nổi tiếng là cơ sở đào tạo có chương trình học “vào hạng nặng bậc nhất Việt Nam”, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi cũng rơi vào khoảng từ 20-30%. Song đáng chú ý, tỉ lệ này đang có xu hướng ngày một tăng lên.

Năm học 2020-2021, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc của Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ 1,7%, và tỉ lệ này đã tăng lên gần 6% vào đợt tốt nghiệp được tổ chức vào tháng 5/2024. Theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trong gần 2.500 sinh viên đại học chính quy nhận bằng hồi tháng 5 vừa qua, có 146 sinh viên có loại tốt nghiệp loại xuất sắc (khoảng 5,9%), 660 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi (chiếm 26,7%); loại khá 1.440 sinh viên (khoảng 58,28%).

Phó Giáo sư Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội lý giải, đây là kết quả nỗ lực của nhà trường trong việc hướng dẫn sinh viên lập kế hoạch học tập ngay từ năm nhất.

“Trên thực tế, hệ thống đào thải của Bách khoa vẫn rất kinh khủng. Dễ thấy nhất là số lượng sinh viên bị buộc thôi học hàng năm tới 700-800 do không đáp ứng được yêu cầu về học tập, đào tạo”, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh.

 Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội trong ngày lễ tốt nghiệp. Ảnh: HUST

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội trong ngày lễ tốt nghiệp. Ảnh: HUST

Được biết, trong quá trình học tập, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội được tư vấn, định hướng theo 3 nhóm:

Nhóm thứ nhất, sinh viên muốn đi làm ngay sau khi tốt nghiệp. Đối với nhóm này, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ thông qua các đơn vị chuyên môn để kết nối với doanh nghiệp, tạo cơ hội cho sinh viên được thực tập, làm việc và quan sát ở các doanh nghiệp phù hợp nhất với các trường, viện tương ứng.

Nhóm thứ hai, những sinh viên muốn học lên thạc sĩ, tiến sĩ. Với nhóm này, Đại học Bách khoa Hà Nội định hướng tham gia các phòng lab nghiên cứu của giảng viên để tạo nên những công trình nghiên cứu chuyên sâu mang tính khoa học, từ đó có thể giành học bổng sau đại học ở trong và ngoài nước.

Nhóm thứ ba, những sinh viên có ý tưởng sáng tạo, muốn khởi nghiệp - đây cũng là nhóm chiếm tỉ lệ ít nhất. Với nhóm này, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tạo điều kiện, môi trường để sinh viên kết nối với nhau, hoặc các bạn trường khác để tạo nên các nhóm khởi nghiệp.

Bên cạnh công tác, định hướng tư vấn hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng nỗ lực cải thiện môi trường học tập tốt hơn cho sinh viên thông qua việc đẩy nhanh hệ thống cung cấp tài liệu trên nền tảng số. Nhờ đó, tỷ lệ tốt nghiệp sớm hay học tập đúng theo nguyện vọng tại Đại học Bách khoa Hà Nội tăng nhiều hơn so với các năm trước.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nhieu-doanh-nghiep-khong-dua-hoan-toan-vao-bang-gioi-hay-xuat-sac-khi-tuyen-dung-post244704.gd
Zalo