Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào văn hóa, xã hội tại Hà Nội đang gặp khó khăn
Doanh nghiệp tiếp cận quỹ đất sạch để xây dựng trường học tư thục còn gặp nhiều khó khăn do quỹ đất của Hà Nội thiếu. Trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa, những hạn chế trong các quy định của pháp luật còn bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo đang gây khó cho doanh nghiệp...
Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội của thành phố Hà Nội diễn ra ngày 16/8 đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực. Tại hội nghị, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết về lĩnh vực giáo dục - đào tạo, đến tháng 7/2024 tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố đạt 79,6% (1.789/2.251 trường).
Mỗi xã, phường, thị trấn có trường công lập theo tiêu chí: 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS, đảm bảo 3 - 5 vạn dân có 1 trường THPT.
Trên địa bàn Thành phố có 151 dự án đầu tư xây dựng trường học nguồn vốn ngoài ngân sách (vốn đầu tư trong nước) được cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Chấp thuận chủ trương đầu tư/Cho phép thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng. Trong đó, 62 dự án đã hoàn thành xây dựng công trình, đưa vào khai thác sử dụng; 89 dự án đang triển khai.
Số trường tư thục đã và đang tăng cả về số lượng và chất lượng, số trường tư thục chiếm 20,5% (591/2.874 trường), số học sinh 14,8%, với 24.148 giáo viên, 8.000 nhân viên, mỗi năm thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách khoảng gần 2.000 tỷ đồng để trả lương cho người lao động.
Năm 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tuyển sinh, đào tạo cho 246.100 lượt người. Trong 7 tháng năm 2024, các đơn vị đã tuyển sinh, đào tạo 132.900 người (đạt 56,6% kế hoạch đề ra), trong đó: 17.700 người trình độ cao đẳng, 15.530 người trình độ trung cấp; 99.580 người trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng).
Tỷ lệ học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tốt nghiệp có việc làm đạt tỷ lệ từ 70 - 80%. Một số ngành nghề học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 100%.
Trên địa bàn Thành phố có khoảng 67 dự án đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp (vốn đầu tư trong nước) được cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Chấp thuận chủ trương đầu tư/Cho phép thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 10.684 tỷ đồng. Trong đó, 8 dự án đã hoàn thành xây dựng công trình, đưa vào khai thác sử dụng; 50 dự án đang triển khai; 5 dự án mới có chủ trương đầu tư; 4 dự án chấm dứt hoạt động.
Về lĩnh vực văn hóa, thể thao, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 1.438 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, trong đó, có 46 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật; các cơ sở chưa đáp ứng điều kiện kinh doanh phải tạm dừng hoạt động để khắc phục.
Tuy nhiên, hiện còn nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, giải trí… trên địa bàn thành phố.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho rằng, đến nay các trường học công lập trên địa bàn thành phố còn thiếu; các quỹ đất mới, đất trống để bổ sung trên địa bàn không còn. Một số xã, phường nằm trong khu vực hành lang thoát lũ, việc xây mới, sửa chữa, cải tạo trường học gặp rất nhiều khó khăn do vướng Luật Đê điều.
Đối với trường học ngoài công lập, việc tiếp cận quỹ đất sạch để xây dựng trường học tư thục đối với các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực giáo dục còn gặp nhiều khó khăn.
Đối với giáo dục nghề nghiệp, thực tế tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn tồn tại, đa số học sinh sau khi tốt nghiệp cấp THPT đều đặt mục tiêu vào đại học, không muốn đi học nghề. Trong khi đó, các trường đại học tại Thủ đô có chỉ tiêu tuyển sinh lớn, tiêu chí xét tuyển thấp. Do vậy các trường trung cấp, cao đẳng rất khó để cạnh tranh tuyển sinh với các trường đại học.
Sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp chưa bền vững; chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp chỉ được sử dụng, tuyển dụng lao động phải qua đào tạo nghề nghiệp ở tất cả các lĩnh vực lao động trong khi đó thực tế có nhiều doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông và tự đào tạo kỹ năng cụ thể theo yêu cầu vị trí công việc, bởi vậy việc tháo gỡ công tác tuyển sinh đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rất khó khăn, nhất là trình độ trung cấp, cao đẳng.
Đối với lĩnh vực y tế, hệ thống văn bản pháp luật còn chồng chéo, chưa rõ ràng, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn về mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa. Nhiều doanh nghiệp còn hiểu chưa đầy đủ dẫn đến vô tình vi phạm. Thực tế các thủ tục hành chính nhằm triển khai dự án tương đối phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước khác nhau (đầu tư, xây dựng, y tế, lao động, tài chính, ...); việc giải quyết các thủ tục này đôi khi chưa rõ ràng để nhà đầu tư tuân thủ, thực hiện.
Đối với lĩnh vực văn hóa, những hạn chế trong các quy định của pháp luật còn bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật, phải tạm dừng hoạt động kinh doanh để khắc phục điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.
Bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc như: Thay đổi nội dung biểu diễn đã được chấp thuận; chưa có quy định về biện pháp thẩm định thông qua Hội đồng nghệ thuật; không quy định điều kiện về nhân thân các nghệ sỹ tham gia biểu diễn (bao gồm cả các nghệ sỹ ở hải ngoại và nghệ sỹ là người nước ngoài…