Nhiều điểm mới tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025. So với các năm trước, Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có nhiều thay đổi lớn để phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018. Để giúp cho học sinh lớp 12 cũng như các thí sinh tự do của tỉnh Tiền Giang có những thông tin mới về kỳ thi cũng như các định hướng ôn tập sao cho hiệu quả, Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Quang Trí, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang.

* Phóng viên (PV): Bộ GD-ĐT vừa công bố Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025. Đâu là những điểm mới của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thưa Tiến sĩ?

*Tiến sĩ Lê Quang Trí: Quy chế thi tốt nghiệp THPT vừa ban hành được kế thừa nội dung của các quy chế của các năm trước, tuy nhiên có sự điều chỉnh để phù hợp với Chương trình GDPT năm 2018 và có một số điểm mới:

Thứ nhất, năm 2025, việc tổ chức kỳ thi thành 3 buổi thi, gồm: 1 buổi thi môn Ngữ Văn, 1 buổi thi môn Toán và 1 buổi tổ chức bài thi tự chọn. Các thí sinh dự thi sẽ được sắp xếp theo tổ hợp bài thi tự chọn để tối ưu phòng thi, điểm thi. So với những năm trước, giảm 1 buổi thi, giảm 2 môn thi, qua đó giảm áp lực, giảm chi phí xã hội nhưng vẫn bảo đảm chất lượng kỳ thi.

Thứ hai, sử dụng kết hợp điểm đánh giá quá trình (học bạ) và kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp theo tỷ lệ 50 - 50. Điểm trung bình học bạ các năm được tính theo trọng số. Việc tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình (học bạ) từ 30% lên 50% để đánh giá sát hơn về năng lực người học theo Chương trình GDPT năm 2018.

Bên cạnh đó, điểm học bạ các năm lớp 10, lớp 11 cũng được sử dụng (với trọng số nhỏ hơn của lớp 12) thay vì chỉ của lớp 12 như trước đây, thay đổi này có tác dụng thúc đẩy việc dạy và học ngay từ khi học sinh bước vào bậc học THPT.

Thứ ba, chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được tiếp tục sử dụng để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp nhưng không được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây.

Thứ tư, điểm khuyến khích bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề đối với tất cả các thí sinh; bỏ cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp nghề đối với thí sinh hệ giáo dục thường xuyên. Nội dung này nhằm phù hợp với Chương trình GDPT năm 2018; đồng thời, tạo sự bình đẳng bởi học sinh tốt nghiệp hệ giáo dục chính quy và hệ giáo dục thường xuyên đều được cấp chung một loại bằng tốt nghiệp.

Thứ năm, cho phép thí sinh là người nước ngoài được sử dụng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi môn Ngữ Văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Nội dung này nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc xét công nhận tốt nghiệp cho người nước ngoài học chương trình GDPT ở Việt Nam nhưng vẫn bảo đảm được học vấn cơ bản của môn Ngữ Văn thông qua việc học môn Ngữ Văn trên lớp và việc thi để lấy chứng chỉ tiếng Việt.

Và cuối cùng, lần đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT có thêm phương thức vận chuyển đề thi từ địa điểm Hội đồng ra đề thi tới điểm in sao đề thi của 63 tỉnh, thành qua hệ thống đường truyền mã hóa và bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ.

* PV: Thưa Tiến sĩ, hướng ra đề thi năm nay có gì mới?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Theo Bộ GD-ĐT, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cũng sẽ có nhiều điểm mới so với các năm trước để phù hợp với Chương trình GDPT năm 2018. Đề thi không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Trong đề thi sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống nhằm yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức đã học giải quyết vấn đề.

Một điểm đáng chú ý là môn Ngữ Văn có thể sẽ sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi xây dựng đề thi, giúp thí sinh đánh giá kỹ năng năng đọc hiểu văn bản, tránh “học tủ”, học thuộc lòng.

* PV: Để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới, Tiến sĩ có những lưu ý gì dành cho các thí sinh lớp 12 cũng như các trường THPT?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Hiện tại các trường đang chuẩn bị tổ chức cho học sinh kiểm tra học kỳ I. Kỳ kiểm tra này cũng được xem là đợt tập dượt quan trọng đối với các em học sinh lớp 12 tập làm quen với không khí phòng thi, cách ra đề theo hướng mới…

Sau kỳ kiểm tra học kỳ I, các trường cần đánh giá cụ thể chất lượng của học sinh để đề ra phương hướng, giải pháp cho học kỳ II. Bên cạnh đó, trong công tác ôn tập, các trường cần bám sát đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó; tăng cường quan tâm, có giải pháp phụ đạo những học sinh yếu, kém…

* PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

ĐỖ PHI (thực hiện)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202501/nhieu-diem-moi-tai-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-1030936/
Zalo