Nhiều điểm du lịch tâm linh tạo sức hút du khách
Đi lễ đền, chùa từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần của người Việt. Chính vì vậy, thời gian qua các điểm đến tâm linh trên địa bàn tỉnh thu hút được khá đông du khách tới dâng hương, vãn cảnh trong cả suốt 4 mùa.
Đến với Thường Xuân, du khách không thể bỏ qua Khu Di tích lịch sử - thắng cảnh Cửa Đạt, nơi có khung cảnh thiên nhiên xanh tươi, mát mẻ, lại có đền thờ Cầm Bá Thước và đền thờ Bà chúa Thượng Ngàn rất linh thiêng. Theo sử sách ghi lại, vào cuối thế kỷ 19, Cầm Bá Thước, người dân tộc Thái đã lãnh đạo Nhân dân trong vùng hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp. Dù cuộc khởi nghĩa sau đó bị kẻ thù đàn áp, song thủ lĩnh Cầm Bá Thước luôn là vị anh hùng được người dân tôn kính. Để tưởng nhớ công lao của ông, sau khi ông mất, Nhân dân trong vùng đã lập dựng đền thờ. Cùng với đền Cầm Bá Thước, đền thờ Bà chúa Thượng Ngàn là vị Mẫu thần cai quản miền rừng núi, gắn bó với con người, cỏ cây, muông thú. Vị Mẫu thần dạy cho muôn loài biết sống hòa hợp, dạy con người biết cách sinh tồn, hái hoa thơm, trái ngọt trong rừng về để sinh sống, xây dựng cuộc sống bình yên, no ấm.
Với vẻ đẹp sơn thủy hữu tình cùng các công trình mang yếu tố tâm linh nên những năm qua, Khu Di tích lịch sử - thắng cảnh Cửa Đạt được khá nhiều du khách lựa chọn là điểm đến tham quan, tìm hiểu. Là một trong những người thường xuyên đến Khu Di tích lịch sử - thắng cảnh Cửa Đạt, bà Mai Thị Ánh (Nga Sơn) cho biết: "Mỗi năm tôi đến Khu Di tích lịch sử - thắng cảnh Cửa Đạt vài lần, vào các dịp lễ, ngày mùng 1 hoặc đi du lịch với bạn bè người thân. Nơi đây có cảnh sắc thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, thoáng đãng và mát mẻ. Hơn nữa, công tác an ninh trật tự được đảm bảo, an toàn giao thông được thực hiện tốt, nhất là tuyệt đối không có tình trạng xô đẩy, chen lấn và trộm cắp nên tôi rất yên tâm khi đến đây".
Ông Lê Hữu Giáp, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Xuân, cho biết: Từ đầu năm đến nay, Khu Di tích lịch sử - thắng cảnh Cửa Đạt đón được khoảng trên 100.000 lượt khách đến tham quan, dâng hương. Để đảm bảo an toàn cho du khách, đặc biệt là dịp cao điểm như lễ, tết, lễ hội, huyện đều ban hành kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban liên quan, yêu cầu ban quản lý khu di tích phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cần thiết cho việc đón tiếp du khách, mở rộng và nâng cấp các bãi đỗ xe, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của khách du lịch. Cùng với đó, phải chú trọng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn cháy nổ để đảm bảo an toàn cho người dân đến dâng hương, vãn cảnh.
Di tích lịch sử và thắng cảnh Phủ Na (Như Thanh) cũng là địa điểm được khá nhiều du khách lựa chọn khi hành hương về miền du lịch tâm linh trên mảnh đất xứ Thanh. Theo dự tính, vào dịp cuối năm, lượng du khách tìm về đây để dâng hương, vãn cảnh tăng cao, do đó, ngay thời điểm này, Ban Quản lý Di tích lịch sử và thắng cảnh Phủ Na đã đặc biệt chú trọng đến việc chỉnh trang di tích, cắt tỉa cây xanh, dọn dẹp vệ sinh môi trường, bố trí lực lượng, phân công các tổ túc trực tại di tích. Công tác phòng cháy, chữa cháy cũng được quan tâm; chú trọng đến việc kiểm tra hệ thống điện, đồ thờ cúng, việc sử dụng nguồn lửa tại các khu vực thắp hương, hóa vàng mã. Ngoài ra, dọc các lối đi trong di tích đều được lắp đặt biển chỉ dẫn, hướng dẫn khách đến thực hiện các quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự.
Ngoài Khu Di tích lịch sử - thắng cảnh Cửa Đạt, Di tích lịch sử và thắng cảnh Phủ Na, thì trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa đã và đang tạo được sức hút du khách tìm đến tham quan, dâng hương như Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), chùa Bụt (Hoằng Hóa), đền Sòng Sơn (thị xã Bỉm Sơn)... Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa cũng đã xác định du lịch tâm linh chính là thế mạnh để thu hút khách đến tham quan trong suốt 4 mùa. Chính vì vậy, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã quan tâm tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo điểm nhấn để phát triển du lịch tâm linh như, tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội truyền thống kết hợp với hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian. Công tác đầu tư, tu bổ tôn tạo các di tích cũng được quan tâm thực hiện. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, sẽ tập trung nguồn lực ưu tiên thực hiện bảo quản, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng đang xuống cấp nghiêm trọng; đầu tư phục hồi, tôn tạo các di tích trọng điểm nhằm bảo tồn, gìn giữ và tôn vinh các giá trị di sản văn hóa truyền thống, đưa vào khai thác và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch của các địa phương.
Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh đã có 190 dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích được thống nhất, phê duyệt chủ trương đầu tư (trong đó có 36 dự án hoàn thành, phê duyệt quyết toán, 11 dự án triển khai thực hiện, 44 dự án khởi công mới hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, 64 dự án được Tỉnh ủy thống nhất phương án tu bổ, tôn tạo di tích, 35 dự án được Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất sự cần thiết đầu tư), với tổng mức đầu tư là 4.508,609 tỷ đồng. Từ đó, góp phần tạo nên diện mạo mới cho các di tích, tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh và thu hút sự quan tâm của khách du lịch đến tham quan, dâng hương.