Nhiều địa phương ở ĐBSCL triển khai kế hoạch sáp nhập các cơ quan báo chí
Hiện nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã triển khai kế hoạch sáp nhập các cơ quan báo chí, tinh gọn bộ máy, phát huy hiệu quả mô hình tòa soạn.
Thực hiện Nghị quyết 18, hiện nay nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã triển khai kế hoạch sáp nhập các cơ quan báo chí, tinh gọn bộ máy, phát huy hiệu quả mô hình tòa soạn hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương có những cách triển khai thực hiện khác nhau; đồng thời có một số địa phương chưa có chủ trương sáp nhập các cơ quan báo chí trong tỉnh.
Các địa phương như An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Sóc Trăng sẽ thành lập Trung tâm Báo chí. Trong đó, ở tỉnh An Giang thành lập Trung tâm Báo chí trên cơ sở sáp nhập Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang và các cổng thông tin điện tử từ Văn phòng UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh. Ở Đồng Tháp dự kiến hợp nhất Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh với Báo Đồng Tháp để thành lập Trung tâm Báo chí Truyền thông tỉnh Đồng Tháp, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh. Đồng thời, kết thúc hoạt động của Cổng thông tin điện tử Đồng Tháp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về Trung tâm Báo chí. Trung tâm Báo chí là cơ quan ngôn luận của tỉnh Đồng Tháp.
Đối với tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau và Bến Tre đều thực hiện hợp nhất Đài với Báo thành Trung tâm Báo chí của tỉnh.
Tại Thành phố Cần Thơ, dự kiến sáp nhập Đài Phát thanh và Truyền hình TP Cần Thơ vào Báo Cần Thơ. Hiện nay Sở Nội vụ và Ban Tổ chức Thành ủy Cần Thơ đang tham mưu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Ở tỉnh Trà Vinh, kế hoạch của tỉnh là thực hiện tinh gọn Báo Trà Vinh, Cổng thông tin tỉnh và Đài PTTH giữ nguyên (đã tự chủ 100%).
Riêng các địa phương Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Tiền Giang, Vĩnh Long chưa có chủ trương và kết luận cuối cùng về việc sáp nhập các cơ quan báo chí trong tỉnh.