Nhiều địa phương chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ
Mưa lớn trong những ngày qua đã gây nhiều thiệt hại tại các địa phương. Dự báo, mưa lớn còn tiếp tục diễn ra, vì vậy các địa phương cần chủ động phương án ứng phó với mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân và cơ sở hạ tầng.
Trong những ngày qua, mưa to đến rất to, đặc biệt một số nơi có tổng lượng mưa đến 800 mm gây ngập lụt trên diện rộng tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai. Cơ quan khí tượng cảnh báo, với việc mưa tiếp tục trút xuống sáng ngày 1/12, khu vực từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa và Gia Lai có nguy cơ ngập lụt diện rộng.
Ngoài ra, theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, rạng sáng 1/12, lũ trên sông Ba (Phú Yên) và các sông ở Khánh Hòa đạt đỉnh, sau đó xuống chậm. Trong 6-12 giờ tới, lũ trên các sông ở Quảng Ngãi xuống mức báo động 1 và 2, các sông từ Bình Định đến Khánh Hòa tiếp tục xuống chậm và duy trì ở mức cao.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết: Đến 7h sáng 1/12, tỉnh Phú Yên có 5 người chết do mưa lũ, trong đó 2 người ở huyện Phú Hòa, 2 người huyện Sơn Hòa và 1 người ở thành phố Tuy Hòa.
Tại tỉnh Phú Yên, nước lũ từ sông Ba dâng cao gây ngập sâu tại nhiều tuyến đường chính Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Công Trứ, Lê Lợi, TP.Tuy Hòa. Người dân sống dọc tuyến đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo đã di tản lên tầng hai của các tòa nhà cao tầng tránh lũ, một số hộ dân phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn.
Mưa to khiến tuyến đường Hùng Vương, TP.Tuy Hòa (Phú Yên) ngập sâu. (Ảnh: Phạm Cường)
Theo ông Cao Đình Huy, Chủ tịch UBND TP.Tuy Hòa, thành phố đang huy động toàn lực để hỗ trợ, di dời, đưa người dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Từ chiều đến tối đã sơ tán di dời 560 hộ với 1.468 nhân khẩu ở khu vực bị ngập và nguy cơ sạt lở. Đến 21 giờ ngày 30/11, nhiều khu vực nội thành của TP.Tuy Hòa bị mất điện càng khó khăn cho công tác chống lũ.
Hiện Công an tỉnh Phú Yên, Hải đội Biên phòng tỉnh đã điều ca nô, cùng lực lượng cán bộ chiến sỹ đến khu vực nước ngập sâu trên đường Hùng Vương, cảng cá phường 6, TP.Tuy Hòa lập rào chắn, lắp biển cảnh báo không cho người dân qua lại khu vực nguy hiểm, sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra tình huống bất thường.
Tại Khánh Hòa, do mưa lớn phía thượng nguồn kết hợp các hồ chứa xả lũ khiến mực nước trên sông Cái Nha Trang lên rất nhanh. Tính đến 1 giờ sáng nay (1/12), mực nước tại trạm thủy văn Đồng Trăng đã vượt mức báo động 3 hơn 0,4 m.
Do địa hình tỉnh Khánh Hòa dốc, các dòng sông hẹp nên mực nước lũ tại tỉnh Khánh Hòa đã dâng rất nhanh. Trong đêm, nhiều khu ruộng, đồng, dân khu đã bị nước lũ nhấn chìm. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thuộc các địa phương ven sông Cái Nha Trang như xã Diên An, Diên Toàn, Diên Phú, Diên Thạnh… thuộc huyện Diên Khánh; Các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp, TP.Nha Trang.
Nhiều ruộng, đồng bị ngập sâu 2-3 m, các tuyến đường trong khu dân cư bị ngập từ 0,8-1,5 m. Hàng ngàn nhà người dân đã bị ngập đến 1 m. Nước về dâng nhanh, nhiều người dân đi làm không kịp trở về nhà, nhiều người dân không kịp sơ tán. Các địa phương đã dùng lực lượng tại chỗ vận động, hướng dẫn người dân lên chỗ cao để đảm bảo an toàn.
Quốc lộ 29 bị sạt lở, giao thông tê liệt. (Ảnh: Báo Pháp Luật TP.HCM)
Tại tỉnh Bình Định, nước lũ trên các sông dâng cao khiến nhiều khu vực dân cư ở hầu hết các địa phương trong tỉnh bị cô lập, giao thông chia cắt. Lực lượng chức năng kịp thời hỗ trợ, di dời người dân đến nơi an toàn và đưa một trường hợp đi cấp cứu.
Một số khu dân cư ngập sâu hơn 1 m, không thể đi lại được và bị cô lập hoàn toàn. Lực lượng chức năng đã phải dùng ca nô để hỗ trợ người dân tại vùng bị ngập sâu đến nơi an toàn.
Theo báo cáo từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, mưa lớn trong ngày 30/11 đã khiến trên 23.000 ngôi nhà ở các huyện Phù Cát, Tuy Phước, An Lão, Hoài Ân và các thị xã An Nhơn, Hoài Nhơn cùng TP.Quy Nhơn bị ngập trong nước.
Chủ động ứng phó mưa lũ
Dự báo, mưa lớn còn tiếp tục diễn ra trong những ngày tới tại nhiều địa phương.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân và công trình cơ sở hạ tầng, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương tiếp tục tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất; Thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động các biện pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại.
Bên cạnh đó, rà soát khu vực đang bị ngập sâu, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, đảm bảo an toàn cho người dân, trong đó tăng cường sơ tán xen ghép và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đảm bảo lương thực, thực phẩm, nguồn cung tại khu vực ngập sâu và chia cắt, không để người dân thiếu đói, nước uống.
Đồng thời, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa đã đầy nước, các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn; Triển khai phương án ứng phó, vận hành các hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và tham gia giảm lũ cho hạ du. Triển khai lực lượng canh gác ở những vị trí ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập sâu, nước chảy xiết; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố, đảm bảo thông tuyến trên các trục giao thông chính.
Ngoài ra, tăng cường các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền thông cơ sở, thường xuyên liên tục cung cấp tình trạng diễn biến mưa lũ, các phương án ứng phó để người dân biết và phối hợp với chính quyền địa phương chủ động phòng tránh. Mặt khác, tập trung chỉ đạo, hỗ trợ nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống ngay sau khi lũ rút, chú trọng công tác vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.
Trong đó cần lưu ý công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, chú ý không để người dân đói, rét… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương phối hợp địa phương chỉ đạo vận hành các hồ thủy lợi, thủy điện khoa học, an toàn tuyệt đối, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó lưu ý phải thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán dân và tổ chức cứu hộ, cứu nạn..