Nhiều đảng viên người Ê Đê thoát nghèo nhờ làm kinh tế giỏi

Nhiều đảng viên dân tộc Ê Đê ở huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) đã tự vươn lên thoát nghèo. Họ trở thành tấm gương tiêu biểu để bà con trong buôn làng học tập noi theo.

Ông Y Sanh Niê, dân tộc Ê Đê ở buôn Pan, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) đã trồng cà phê, hồ tiêu từ lâu. Cây hồ tiêu thường bị bệnh khiến năng suất không cao, giá cũng bấp bênh; còn cà phê thì đã già cỗi, tái canh cần số vốn lớn lại khó thành công.

Năm 2011, ông Y Sanh Niê mạnh dạn đầu tư trồng xen thêm cây sầu riêng vào vườn cà phê. Sầu riêng dễ trồng, nhưng không biết cách chăm sóc thì cây sẽ chết do nấm bệnh, hoặc ít quả, kém phẩm cấp. Với khu vườn có diện tích 1,7 ha, đã có 1.400 cây cà phê và hơn 400 trụ hồ tiêu, ông Y Sanh Niê trồng xen thêm 130 cây sầu riêng giống Dona. Khi sầu riêng lớn tạo ra tầng tán phía trên, che mát cho cà phê. Mấy năm trở lại đây đều đặn thu trên 10 tấn sầu riêng, 2 tấn cà phê, 1,5 tấn tiêu.

Ông Y Sanh Niê (bên phải) trong vườn cây xen canh hiệu quả

Ông Y Sanh Niê (bên phải) trong vườn cây xen canh hiệu quả

Ông Y Sanh Niê cho biết, sau khi trừ các khoản chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mỗi năm thu xấp xỉ 1 tỷ đồng.

“Tôi không đầu tư ồ ạt trồng sầu riêng chuyên canh, chỉ trồng xen canh. Mình phải duy trì mô hình đa cây đa con. Năm nay thu khoảng 10 tấn sầu riêng, theo giá hiện tại thì được 600 – 700 triệu đồng, cà phê được 2 tấn thì vừa rồi bán gần 200 triệu, tiêu thì chưa bán" - ông Y Sanh Niê chia sẻ.

Ông Y Mi Êban ở buôn Ea K’mat, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc cũng trồng hồ tiêu xen trong vườn cà phê. Khi phong trào trồng sầu riêng phát triển mạnh, ông Y Mi Êban đã mua 40 cây sầu riêng giống Dona về trồng xen trong vườn. Cũng lựa chọn phương án trồng xen với cây cà phê và hồ tiêu. Hiện ông đã phát triển được 120 cây sầu riêng, duy trì 900 cây cà phê và 200 trụ hồ tiêu ở khu vườn 1,4 ha.

Ông Y Mi Êban ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc.

Ông Y Mi Êban ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc.

Ông Y Mi Êban cho biết, khu vườn xen canh này cho tổng thu gần 1,5 tỷ đồng mỗi năm. “Với vai trò là đảng viên mình phải đi đầu và gương mẫu để bà con làm theo, luôn tích cực tìm tòi học hỏi phát triển kinh tế gia đình. Khi trồng sầu riêng, tôi cũng không có nhiều vốn phải vay ngân hàng và học hỏi thêm kỹ thuật để trồng. Năm nay thu được khoảng 15 tấn, với giá bán hơn 80.000 đồng/kg tại vườn, thu được khoảng 1,2 tỷ đồng, chưa kể nguồn thu từ cà phê và hồ tiêu cũng rất ổn định".

Bên cạnh làm giàu cho gia đình, các ông Y Sanh Niê và Y Mi Êban luôn sẵn sàng hỗ trợ bà con trong buôn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, nguồn vốn, cây giống, con giống… để phát triển kinh tế - xóa đói giảm nghèo. Ông Y Niêm Niê – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Krông Pắc nhận xét, ông Y Sanh Niê và Y Mi Êban đều là những đảng viên đi đầu trong phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo.

Mô hình trồng xen canh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng xen canh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Y Niêm Niê cho biết: “Ở huyện Krông Pắc có nhiều đảng viên làm kinh tế giỏi, trong đó có ông Y Sanh ở xã Ea Yông và ông Y Mi ở xã Hòa Đông. Trong các buổi hội thảo tập huấn kỹ thuật nông nghiệp cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi đều giới thiệu về các mô hình này của các đồng chí ấy để bà con làm theo, cùng phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo".

Việc mạnh dạn trồng xen canh sầu riêng trong vườn cà phê, hồ tiêu như các hộ ông Y Sanh Niê và Y Mi Êban ở Krông Pắc đã nâng cao hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập cao cho gia đình. Họ không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn trở thành mô hình cụ thể, gần gũi để bà con trong buôn học tập.

Tuấn Long/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nhieu-dang-vien-nguoi-e-de-thoat-ngheo-nho-lam-kinh-te-gioi-post1112623.vov
Zalo