Nhiều công ty chứng khoán kinh doanh khởi sắc
Nhiều công ty chứng khoán trong quý III/2024 ghi nhận thu về hàng trăm tỷ đồng, đáng chú ý mảng tự doanh ở một số công ty chứng khoán chiếm đến hơn một nửa tổng doanh thu hoạt động.
Thị trường chứng khoán đã trải qua quý III/2024 với nhiều khó khăn trong giao dịch khi đều thất bại trong việc hướng đến mốc kháng cự quan trọng 1.300. Dù vậy, “mùa” báo cáo tài chính quý III/2024 lại cho thấy nhiều điểm sáng trong hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán.
Trên báo cáo tài chính, lãi tự doanh thường được thể hiện thông qua phần lãi/lỗ từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL), dĩ nhiên phân tích chi tiết hơn thì cơ cấu lãi/lỗ mảng này đến từ (1) Lãi/lỗ bán các tài sản tài chính FVTPL (phần cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền mặt công ty bán trong kỳ báo cáo); (2) Chênh lệch tăng/giảm về đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL (tạm hiểu là lợi nhuận/lỗ tạm tính dựa trên các cổ phiếu mà công ty chưa bán tại ngày cuối kỳ báo cáo) và (3) Cổ tức, tiền lãi phát sinh từ FVTPL (cổ tức được chia từ cổ phiếu nắm giữ, hoặc lãi trái phiếu nhận được).
“Ông lớn” chứng khoán SSI gây ấn tượng với lãi FVTPL đạt 997,3 tỷ đồng, chiếm đến gần một nửa doanh thu hoạt động của công ty trong quý III/2024. Lãi FVTPL của Chứng khoán SSI được hỗ trợ chính nhờ phần cổ tức, tiền lãi từ FVTPL 499 tỷ đồng. Trừ lỗ, tự doanh của SSI đem về 754,9 tỷ đồng, tăng 25,27% so với quý III/2023.
Phần cổ tức, tiền lãi FVTPL cũng hỗ trợ đáng kể cho hoạt động kinh doanh của Chứng khoán VPS trong quý III/2024 khi đạt 166,5 tỷ đồng, chiếm hơn 54% tổng doanh thu từ FVTPL. Danh mục tài sản FVTPL của VPS đến cuối quý III/2024 đạt 5.865 tỷ đồng, trong đó chiếm chủ yếu là công cụ thị trường tiền tệ (4.799 tỷ đồng), trái phiếu niêm yết (894,5 tỷ đồng). Tính ra, lãi/lỗ FVTPL của VPS đạt 289,3 tỷ đồng, con số tích cực so với mức lỗ 64,3 tỷ đồng trong quý III/2023.
Một cái tên khác là Chứng khoán VNDirect cũng gây chú ý với lãi từ FVTPL trong kỳ đạt 678 tỷ đồng, chiếm 53,4% tổng doanh thu hoạt động. Trong đó, cơ cấu lãi FVTPL đến từ lãi bán FVTPL (389 tỷ đồng - tỷ trọng 57,4%), chênh lệch đánh giá lại FVTPL (147,3 tỷ đồng - tỷ trọng 21,7%); cổ tức, tiền lãi từ FVTPL (133,5 tỷ đồng - tỷ trọng 19,6%). Tuy nhiên, phần lãi/lỗ FVTPL của VNDirect trong kỳ lại giảm 35,11% so với cùng kỳ năm trước.
Tìm hiểu thêm cho thấy, một số công ty chứng khoán cũng ghi nhận lãi/lỗ FVTPL giảm như: Chứng khoán KIS Việt Nam (-32,06%), Chứng khoán Kỹ Thương (-27,59%), Chứng khoán VNDirect (-35,1%), Chứng khoán FPT (-98%).
Như nêu trên, có thể thấy hoạt động tự doanh đem lại nguồn thu lớn cho không ít các công ty chứng khoán. Dù vậy, số liệu từ Fiin Group cho thấy tỷ trọng danh mục chứng khoán chỉ chiếm phần nhỏ so với tổng tài sản các công ty chứng khoán. Cụ thể, tổng hợp từ báo cáo tài chính của 85 công ty chứng khoán, có tổng tài sản đạt gần 483 nghìn tỷ đồng có tổng danh mục tự doanh 235 nghìn tỷ đồng cuối năm 2023 trong đó cổ phiếu chỉ chiếm khoảng 21% tương ứng với hơn 49 nghìn tỷ đồng.
Theo giới phân tích, những biến động khó lường của thị trường chứng khoán khiến việc quản trị rủi ro và lợi nhuận trở nên khó khăn hơn. Mặt khác, nhiều công ty chứng khoán có xu hướng đẩy mạnh việc cho vay margin hoặc phát triển các sản phẩm đầu tư tài chính thu hút cho nhà đầu tư. Việc tự doanh cổ phiếu ở một số công ty chứng khoán thậm chí chỉ nhằm phục vụ hoạt động quản trị rủi ro sản phẩm phái sinh.
Đối với các công ty chứng khoán nói chung, giới phân tích nhìn nhận nhóm này có nhiều điểm sáng dựa trên các triển vọng tích cực của thị trường.
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, nhìn nhận với các thông tin tích cực từ thị trường chứng khoán như nâng hạng thị trường, áp dụng pre-funding, nhóm công ty chứng khoán nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung được dự báo có nhiều triển vọng tốt trong năm 2025.
Về phần mình, các chuyên gia từ Dragon Capital dự phóng P/E năm 2024 của thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức 11,5 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm là 17,2 lần, cho thấy khả năng giảm thêm sẽ bị hạn chế nhờ quan điểm tích cực của các nhà đầu tư trong nước.
Ở góc nhìn trung hạn, Dragon Capital nhận định VN-Index có thể biến động trong giai đoạn sắp tới. Dragon Capital đưa ra hai kịch bản. Thứ nhất, với kịch bản các chính sách bảo hộ được triển khai, hoạt động thương mại sẽ chậm lại, gây áp lực lên lợi nhuận doanh nghiệp. Trong trường hợp này, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể giảm từ mức hiện tại 16% - 18% xuống còn 5% - 9%, ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng ở quy mô rộng hơn.
Còn ở kịch bản tích cực hơn, khi chỉ một số quốc gia hoặc sản phẩm chịu mức thuế mới, điều này sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam nhờ những chênh lệch thuế quan. Xu hướng này có thể thúc đẩy nỗ lực nội địa hóa của các nhà sản xuất trong nước, củng cố nền kinh tế thực và hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam khi quá trình chuyển dịch diễn ra.