Nhiều cố vấn Chính phủ Ba Lan về Covid-19 từ chức, ca mắc ở Lào tăng trở lại

Hơn 2/3 thành viên Hội đồng cố vấn y tế về Covid-19 của Ba Lan đồng loạt xin từ chức với lí do chính phủ không coi trọng lời khuyên dựa vào khoa học của họ trong ứng phó đại dịch.

Theo báo The Guardian, việc từ chức hàng loạt xảy ra chỉ vài ngày sau khi một quan chức phụ trách giáo dục địa phương hứng "bão chỉ trích" vì mô tả các vắc xin ngừa Covid-19 là "thử nghiệm". Chính phủ Ba Lan đã phớt lờ những lời kêu gọi sa thải quan chức này.

Một y tá đang được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại một bệnh viện ở Warsaw, Ba Lan. Ảnh: Reuters

Một y tá đang được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại một bệnh viện ở Warsaw, Ba Lan. Ảnh: Reuters

Trong một lá thư chung gửi Thủ tướng Mateusz Morawiecki, 13/17 thành viên Hội đồng cố vấn về Covid-19 của Chính phủ Ba Lan cho biết, họ chỉ chứng kiến "hành động ứng phó vô cùng hạn chế" trong đợt bùng phát dịch mùa thu cũng như nhằm chống lại mối đe dọa hiện hữu từ biến thể lây lan nhanh Omicron, bất chấp số ca tử vong vì virus tăng vọt như cảnh báo.

Văn phòng Thủ tướng Morawiecki phản hồi rằng, chính phủ phải xem xét nhiều ý kiến khác nhau từ các doanh nhân và nhà giáo dục. Nhà chức trách nói, thành phần của hội đồng cố vấn sẽ thay đổi, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.

Để đối phó với tình trạng gia tăng ca mắc mới, Chính phủ Ba Lan hồi tháng trước đã ban hành các hạn chế tiếp cận ở các địa điểm công cộng đóng kín, nhưng tránh áp phong tỏa hay bắt đeo khẩu trang ngoài trời.

Số ca tử vong vì dịch ở Ba Lan tuần này đã chạm mốc 100.000 người. Chương trình Our World in Data của Đại học Oxford thống kê, tỷ lệ tử vong trên mỗi 100 triệu dân của quốc gia châu Âu này hiện là 57, thuộc hàng cao nhất thế giới, trong khi ở Mỹ chỉ khoảng 34 và Nga là 38.

Cho đến nay, mới 56% trong tổng số 38 triệu dân Ba Lan được tiêm chủng, thấp hơn mức trung bình ở Liên minh châu Âu (EU).

Số ca mắc mới tăng trở lại mức 4 con số ở Lào

Bộ Y tế Lào cho biết, sau vài ngày duy trì ở mức 3 con số, số ca mắc mới Covid-19 của nước hôm 14/1 đã quay trở lại mức 4 con số, tăng 247 trường hợp so với một ngày trước đó. Trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á ghi nhận thêm 1.052 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc kể từ đầu dịch lên 123.293 trường hợp, bao gồm 476 bệnh nhân không qua khỏi.

Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục là điểm nóng về dịch, đứng đầu cả nước về số ca mắc mới.

Nhà chức trách kêu gọi những người chưa tiêm phòng hoặc có nhu cầu tiêm mũi vắc xin tăng cường nhanh chóng đến các bệnh viện và trung tâm y tế để chủng ngừa.

Theo thống kê của báo New York Times, tính đến ngày 15/1, 64% dân số Lào đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin và 51% đã hoàn thành các liều tiêm cơ bản.

Hà Lan dỡ bỏ một số hạn chế

Trong buổi họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi đầu tuần này, tân Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thông báo sẽ cho dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế phòng chống dịch kể từ ngày 15/1.

Cụ thể, các cửa hàng không thiết yếu, tiệm làm tóc, thẩm mỹ viện và các nhà cung cấp dịch vụ khác sẽ được phép mở cửa trở lại trong những điều kiện nghiêm ngặt cho đến 17h chiều, lần đầu tiên kể từ giữa tháng 12 năm ngoái. Song, các quán bar, nhà hàng, quán cà phê và các địa điểm văn hóa sẽ vẫn phải đóng cửa ít nhất đến ngày 25/1.

Theo Reuters, quyết định nới lỏng hạn chế được thực thi bất chấp số ca mắc mới ở Hà Lan tiếp tục có chiều hướng tăng vì biến thể Omicron. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 35.521 ca mắc mới, phá vỡ kỷ lục trong một ngày được ghi nhận một tuần trước đó.

Hà Lan là quốc gia châu Âu đầu tiên áp phong tỏa khi Omicron càn quét khu vực. Nước này hiện ghi nhận tổng cộng hơn 3,5 triệu ca mắc, 21.142 trường hợp tử vong vì Covid-19. Khoảng 71% dân số toàn quốc đã được tiêm đủ liều vắc xin cơ bản và 38% đã tiêm mũi tăng cường.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

- Theo trang Worldometers, tính đến sáng sớm 15/1 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 323,7 triệu người, bao gồm hơn 5,5 triệu ca tử vong. Tuy nhiên, trên 265,2 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.

- Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với gần 65,9 triệu ca mắc, hơn 871.000 bệnh nhân không qua khỏi. 63% người dân ở xứ sở cờ hoa đã hoàn thành tiêm chủng và 23% được tiêm mũi vắc xin tăng cường.

- Văn phòng Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 14/1 đã gửi lời xin lỗi Nữ hoàng Elizabeth, sau khi có thông tin các nhân viên của họ tổ chức tiệc đến khuya ở phố Downing vào đêm trước đám tang Hoàng thân Philip, trong thời gian đất nước áp giãn cách xã hội vì Covid-19. Phát ngôn viên của thủ tướng cho biết, ông Johnson chỉ ở tại tư gia vào ngày hôm đó và không tham gia bất kỳ bữa tiệc nào.

- Các quan chức y tế Italia cho biết, Omicron hiện là biến thể thống trị ở nước này. Quốc gia hình chiếc ủng hiện vẫn là điểm nóng về dịch ở châu Âu với hơn 8,3 triệu ca mắc, 140.548 trường hợp tử vong.

- Chính phủ Indonesia đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân từ 14 quốc gia có nhiều ca nhiễm biến thể Omicron. Người phát ngôn Lực lượng Đặc nhiệm chống Covid-19 thuộc Chính phủ Indonesia giải thích, quyết định dựa trên thực tế rằng Omicron đã lan rộng ra 150/195 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Do đó, việc duy trì lệnh cấm nhập cảnh sẽ gây khó khăn cho các hoạt động đi lại xuyên quốc gia, vốn rất cần thiết để duy trì sự ổn định của đất nước và phục hồi kinh tế.

- Nhằm hạn chế các tác động do Omicron gây ra cũng như giúp người dân có thể quay trở lại làm việc nhanh hơn, Chính phủ Philippines quyết định rút ngắn thời gian cách ly đối với những người mắc có triệu chứng nhẹ từ 10 ngày xuống còn 7 ngày.

Tuấn Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/tinh-hinh-covid-19-the-gioi-15-1-cac-co-van-chinh-phu-ba-lan-ve-dich-tu-chuc-809065.html
Zalo