Nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy xây dựng và thi hành pháp luật

Ngày 17/5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt thúc đẩy xây dựng và thi hành pháp luật

Ngày 17/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Với 416/443 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 87,03%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm tạo đột phá trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật sẽ giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời tăng cường trách nhiệm và năng lực thực thi pháp luật của các cơ quan, tổ chức.

Đây được xem là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Nghị quyết gồm 12 điều, quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính, nhân lực, phát triển và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, với mục tiêu tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật hiện nay. Nghị quyết không chỉ đề cập đến quy trình lập pháp, mà còn nhấn mạnh các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho công tác xây dựng pháp luật từ cơ sở đến Trung ương, góp phần đồng bộ hóa hệ thống pháp luật, tăng tính khả thi và hiệu quả khi đi vào cuộc sống.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Các chính sách nổi bật liên quan đến chế độ cho cán bộ xây dựng pháp luật, đổi mới quy trình

Nghị quyết quy định chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp).

Nghị quyết xác định người tốt nghiệp xuất sắc trình độ đại học trở lên trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau và hoàn thành chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng pháp luật thì được ưu tiên xét tuyển vào các cơ quan, đơn vị tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này.

Chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng pháp luật được thực hiện theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Người thực hiện nhiệm vụ, hoạt động theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết này được ưu tiên cử tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng trong nước, nước ngoài phù hợp với yêu cầu công tác.

Thực hiện chế độ, chính sách thu hút, trọng dụng, kéo dài thời gian công tác, không giữ chức vụ đối với cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc về xây dựng pháp luật.

Trước đó, tại Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cũng đã trình bày nhiều nội dung quan trọng và tiếp thu, xem xét bổ sung các chính sách đặc biệt cho các đối tượng liên quan.

Việc thông qua Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời tăng cường trách nhiệm và năng lực thực thi pháp luật của các cơ quan, tổ chức.

Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu về việc thực hiện phân công, phân cấp, phân nhiệm rõ ràng giữa các cấp, các ngành của từng cơ quan, đơn vị, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết thủ tục hành chính.

Nguồn: VGP

Quang Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nhieu-co-che-chinh-sach-de-thuc-day-xay-dung-va-thi-hanh-phap-luat-179250517174111803.htm
Zalo